5 năm qua là 5 năm "tam nông" Việt Nam hoà vào quá trình thương mại toàn cầu. Tuy còn bỡ ngỡ ban đầu, nhưng bằng trí tuệ, niềm tin và sự dấn thân, "tam nông" Việt Nam đã vững bước phát triển: 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đã đem về 23,8 tỷ USD cho đất nước, tăng trưởng giá trị gấp 2,4 lần; xuất siêu từ 3,2 tỷ USD năm 2006, lên 10,3 tỷ USD năm 2012.
Hàng hoá nông sản Việt Nam đã có mặt ở 160 quốc gia, khu vực trên thế giới, tăng gấp 2 lần khi chưa gia nhập WTO. Thắng lợi của sản xuất nông nghiệp được hợp thành của hai yếu tố chính: Năng lực của nông dân và những chính sách rộng mở của Đảng, Nhà nước. Thắng lợi của "tam nông" đã góp phần giảm sốc cho nền kinh tế quốc dân thời khủng hoảng, góp phần ổn định chính trị - xã hội trong nước, tôn vinh vị thế Việt Nam trong quan hệ với bạn bè quốc tế.
Vinh danh nông nghiệp có cả vị mặn của mồ hôi, nước mắt người nông dân trên những cánh đồng, khi thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh… đi qua. Và cả khi người nông dân phải vượt lên chính mình để đối mặt với khó khăn từ nội lực: Đầu tư toàn xã hội cho "tam nông" còn thấp, giảm dần; thị trường trong nước và thế giới biến động không lường; công nghiệp chưa mở đường cho nông nghiệp; thành thị chưa kết nối với nông thôn và việc đào tạo nghề cho nông dân chưa đúng, chưa trúng, chưa mạnh, chưa hiệu quả...
Hiện tại, ở ngoài biên giới Việt Nam, các nền kinh tế lớn vẫn trợ giá nông sản cho nông dân, như: Trung Quốc là 49 tỷ USD/năm, Mỹ 25,5 tỷ USD/năm, Khối thị trường chung châu Âu (EU) 101 tỷ USD/năm… cùng với một hệ thống những tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe - họ đã dựng lên hàng rào kỹ thuật, thực sự trở thành rào cản đối với nông sản Việt Nam. Trong 5 năm tới, khi "tam nông" tiến sâu vào sân chơi toàn cầu. Và trong sân chơi bất bình đẳng ấy, nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp của Việt Nam khó đủ sức vươn lên, cạnh tranh trong một thị trường mở.
Công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, xây dựng nông thôn mới là đích đến, là nhiệm vụ, là con đường duy nhất xoá bỏ đói nghèo và lạc hậu. Để "người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới", nông dân rất cần sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thương hiệu và thị trường.
Những vấn đề đó cần được trở thành tâm điểm thảo luận, mổ xẻ... trong Đại hội VI. "Cho nông dân giàu, đồng xanh thành tiếng hát" (*) cần là tiếng nói chung về lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, song trước hết thuộc về Hội NDVN - tổ chức đại diện quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người nông dân. Xây dựng giai cấp nông dân, Hội NDVN vững mạnh là xây dựng thực lực trí tuệ, năng lực, trách nhiệm để tập hợp, tổ chức nông dân. Hội Nông dân sẽ "Muôn đời trong lòng dân nếu làm tốt vai trò đại diện"(**).
(*)Phát biểu của đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN.
(**)Phát biểu của đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước.
Lịch sử các kỳ đại hội Đại hội I (nhiệm kỳ 1988 - 1993)Diễn ra từ ngày 27 - 31.3.1988, tại hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự tham dự của 613 đại biểu. Nghị quyết đại hội khẳng định: Hội NDVN là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp ND, đoàn kết chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên T.Ư Đảng được bầu làm Chủ tịch Hội NDVN.
Tại Đại hội I, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã trao tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước cho giai cấp NDVN.
Tại Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 6, từ ngày 30.10 đến 2.11.1991, đồng chí Hoàng Hồng Thất - Phó Chủ tịch Thường trực được bầu làm quyền Chủ tịch Hội NDVN thay đồng chí Phạm Bái (nghỉ hưu).
Tại Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 7, từ ngày 2 - 5.6.1992, đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên T.Ư Đảng được bầu làm Chủ tịch Hội NDVN.
Đại hội II (nhiệm kỳ 1993 - 1998)
Diễn ra từ ngày 15 -19.11.1993 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự ĐH có 600 đại biểu. Đây là ĐH hết sức quan trọng với nhiệm vụ "Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động".
Đồng chí Nguyễn Văn Chính - Ủy viên T.Ư Đảng được bầu lại làm Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN.
Tại Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 5, từ ngày 9 đến 10.1.1997, đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực được bầu làm Chủ tịch Hội NDVN thay đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần), người được Bộ Chính trị bố trí công tác mới.
Đại hội III (nhiệm kỳ 1998 - 2003)
Diễn ra từ ngày 17 -20.11.1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Dự Đại hội có 700 đại biểu. ĐH có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tổ chức, động viên giai cấp ND phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên T.Ư Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Hội NDVN.
Tại ĐH, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho phong trào ND và Hội NDVN.
Đại hội IV (nhiệm kỳ 2003 - 2008)
Diễn ra từ ngày 22 -25.11.2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tham dự đại hội có 860 đại biểu. Đây là đại hội của “Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Phát triển".
Đồng chí Vũ Ngọc Kỳ - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được bầu làm Chủ tịch Hội NDVN.
Tại Hội nghị BCH T.Ư Hội lần thứ 8, ngày 26.2.2007, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn Hội NDVN được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Vũ Ngọc Kỳ nghỉ hưu.
Đại hội V (nhiệm kỳ 2008 - 2013)
Diễn ra từ ngày 22 -25.12. 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là ĐH của “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển''.
Đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên T.Ư Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Hội NDVN.
Trọng Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.