Đột phá trong xây dựng chính sách

Thứ năm, ngày 26/01/2012 06:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cứ hễ nói đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn là ông Nguyễn Quốc Cường - “vị tư lệnh” của phong trào nông dân (ND) VN hết sức hào hứng, sôi nổi.
Bình luận 0

Trong cuộc trò chuyện với PV NTNN, ông khẳng định: Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ chức Hội ND trong giai đoạn hiện nay là tích cực, chủ động, tạo ra đột phá trong việc tham gia xây dựng các chính sách “Tam nông”.

Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường nói: Trước kia, khi nói đến ND, người ta thường hay dùng cụm từ con cá và cần câu. “Con cá” là chỉ sự giúp đỡ đối với những nông dân nghèo và rất nghèo, bị khó khăn đột xuất như thiên tai, lũ lụt, đói kém… Lúc đó thì phải mang “con cá” đến ngay (như xuất gạo cứu đói, làm nhà tình nghĩa, hỗ trợ chăn màn, quần áo chống rét…).

img
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường.

Cao hơn, đối với một bộ phận dân cư khác, Nhà nước giúp cho cái “cần câu”, nghĩa là cho vay vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật… để bà con tự làm ăn, vươn lên. Nhưng hiện nay, cao hơn “con cá”, cao hơn cả “cần câu”, người ND đang rất cần những chính sách, những cơ chế mới để tạo đột phá trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn.

Cơ chế, chính sách ở đâu và lúc nào cũng đều có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các quá trình chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Chính sách, cơ chế đúng sẽ tạo động lực cho xã hội phát triển, tạo thuận lợi cho việc quản lý, điều hành. Phải làm sao ngày càng bớt “con cá”, bớt “cần câu”. Cái bà con ND cần nhất hiện nay là chính sách.

“Cái bà con nông dân cần nhất hiện nay là chính sách”.

Thưa Chủ tịch, trong hệ thống các chính sách liên quan đến NN-ND-NT hiện nay còn những lỗ hổng, hoặc cần điều chỉnh?

- Phải khẳng định rằng trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến NNNDNT và đã có rất nhiều chính sách tốt, tạo điều kiện cho đời sống ND và bộ mặt nông thôn có những chuyển biến tích cực như hôm nay. Nhưng bên cạnh đó, trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống ND vẫn còn thiếu cơ chế chính sách phù hợp. Có những chính sách do ban hành đã lâu nên lạc hậu so với cuộc sống.

Ví dụ như theo Luật Đất đai, thời hạn giao đất 20 năm là quá ngắn. Hội ND đã đề nghị cần phải kéo dài đến 50 năm – 70 năm, thậm chí là 99 năm, để ND yên tâm sản xuất. Chính sách về tích tụ đất đai cũng vậy. Cứ bình quân mỗi hộ ND chỉ có 0,3 – 0,4 héc ta thì quá manh mún, không thể sản xuất hàng hóa được.

Thực tế hiện nay đã có những ND, chủ trang trại quản lý hàng chục, thậm chí hàng trăm héc ta đất. Nhưng chính sách hạn điền khiến cho việc quản lý đất đai của ND không “danh chính ngôn thuận”, ND khó lòng yên tâm đầu tư làm ăn lớn. Sửa đổi chính sách hạn điền là một nhu cầu bức thiết của ND. Bên cạnh đó, cũng có một số chính sách vừa ban hành đã bộc lộ khuyết tật, không đi vào được cuộc sống. Ví dụ như Nghị định 41 về cơ chế tín dụng đối với khu vực nông thôn, Nghị định 61 về ưu đãi đầu tư vào khu vực nông thôn...

“Nói một cách hình ảnh, nông nghiệp - nông dân - nông thôn như là bộ phanh, bộ giảm xóc cho nền kinh tế của đất nước. Khi xe chạy bon bon trên đường, không thấy bộ giảm xóc quan trọng lắm đâu. Nhưng khi đường gập ghềnh, gặp ổ gà, khúc khuỷu, lên thác, xuống ghềnh, sẽ thấy bộ giảm xóc quan trọng thế nào. Năm qua, kinh tế suy thoái, song giá trị nông nghiệp vẫn tăng thêm 12%, là cái phao cho cả nền kinh tế. Nông thôn ổn định là cơ sở để đất nước ổn định...” .

Những chính sách ra đời từ lâu nay lạc hậu thì đã đành. Nhưng có những chính sách mới, vừa ký chưa ráo mực mà đã không phù hợp, vì sao, thưa Chủ tịch ?

- Theo tôi, có thể trong quá trình xây dựng chính sách, các cơ quan chuyên môn chưa nắm hết được tình hình, chưa bám sát thực tiễn đang thay đổi từng ngày. Ví dụ Nghị định 41 “nói hộ ND ở khu vực nông thôn” mới được vay vốn.

Theo định nghĩa, “nông thôn” là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn, được quản lý bởi cấp hành chính là UBND xã. Trong khi thực tế hiện nay có những hộ ND sống ở thị tứ, thị trấn nhưng vẫn làm nông nghiệp, vậy mà họ không được vay vốn. Hay các tổ chức nông nghiệp, các chủ trang trại, hộ ND muốn vay vốn ngân hàng theo Nghị định 41 phải chứng minh năng lực tài chính, phải có hiệu quả sản xuất năm sau cao hơn năm trước. Hoặc Nghị định nêu nông dân vay vốn không phải thế chấp tài sản nhưng lại phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất (sổ đỏ) cho ngân hàng. Quy định như vậy khác gì đánh đố, không cho ND vay vốn.

Hay Nghị định 61 nêu lên hàng loạt các chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNDNT, như miễn giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi trong cho thuê đất, thuê mặt nước, thuế má, tín dụng… Nhưng tất cả những ưu đãi đó không bù đắp được những khó khăn mà DN gặp phải khi đầu tư vào nông thôn (hạ tầng thấp kém, điện thiếu triền miên, nước sạch không đủ, đường sá xa xôi…) Ưu đãi chưa thỏa đáng nên không tạo được sự hấp dẫn, kết quả là rất ít DN đầu tư vào nông thôn.

Việc một số chính sách chưa phù hợp, còn có yếu tố do bị lợi ích nhóm chi phối ?

- Chuyện này, người ta cũng đã nói nhiều. Theo quan điểm của cá nhân tôi, chuyện lợi ích nhóm là có đấy. Vì mục tiêu phát triển công nghiệp, địa phương nào cũng muốn tăng tỷ trọng công nghiệp, trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư công nghiệp, thi nhau lấn chiếm đất lúa.

img
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường thăm và làm việc với các hộ nông dân.

Sự quản lý của cấp trên cũng chưa mạnh mẽ, chưa quyết liệt, thành ra chủ trương bảo vệ nông nghiệp, bảo vệ đất lúa là rất rõ ràng, nhưng cấp dưới vẫn “xé rào”. Rồi quá nhiều nhóm lợi ích “ăn” trên lưng ND. Một thống kê cho thấy trong chuỗi sản xuất lúa gạo, công sức của ND chiếm tới hơn 50%, nhưng ND chỉ được hưởng khoảng 11% lợi nhuận. Còn công sức của doanh nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 10%, nhưng họ hưởng tới 67% lợi nhuận. Lợi nhuận lớn như vậy nên thật khó tránh khỏi lợi ích nhóm…

“... nếu người cán bộ Hội mà quan liêu, hành chính, xa rời ND, chỉ nghe chung chung thì sẽ rất kém hiệu quả...”.

Vậy thì từ trước tới nay, trách nhiệm của Hội ND như thế nào trong việc tham gia xây dựng các chính sách liên quan đến “tam nông”?

- Cái này cũng phải nói rất thật. Trước đây, do những ràng buộc về cơ chế, hành lang pháp lý, Hội ND chưa được tạo điều kiện tham gia vào việc xây dựng các chính sách liên quan đến NNNDNT. Thường thì chính sách liên quan đến ngành nào do ngành đó xây dựng là chính, nhiều khi không tham khảo ý kiến các cơ quan liên quan, đặc biệt là Hội ND. Cho nên mới có những bất cập như đã nói ở trên.

img
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường thăm và làm việc với các hộ nông dân.

Vậy theo Chủ tịch, có nên quy định khi xây dựng các chính sách liên quan đến ND, bắt buộc phải có tiếng nói của Hội ND - tổ chức đại diện cho quyền lợi của ND?

- Kết luận 61 của Ban Bí thư ban hành năm qua đã nói rất rõ: Khi xây dựng các chính sách liên quan đến NNNDNT cần phải có sự tham gia của tổ chức Hội ND. Đây chính là hành lang pháp lý để từ nay trở đi Hội ND có thể chủ động hơn trong việc góp tiếng nói của mình vào các quyết sách “tam nông”. Trong năm qua, Hội NDVN đã làm việc với hàng loạt bộ, ngành, mà phải kể đến đầu tiên là Bộ NNPTNT, thống nhất cùng nghiên cứu, đề xuất, ban hành, điều chỉnh một số chính sách liên ngành… nhằm phục vụ ND tốt hơn.

Nhưng để tham mưu được các ý kiến xác đáng về ND, đòi hỏi phải rất hiểu, rất gần với ND. Tổ chức Hội ND cũng như mỗi cán bộ Hội cần phải làm gì để nói lên đúng tâm tư, nguyện vọng của ND?

- Đây là một trong những nhiệm vụ đặt ra cấp thiết đối với tất cả các cấp Hội, từ Trung ương tới cơ sở. Các cấp Hội phải có các chương trình, hoạt động đi sâu, đi sát, gần gũi với hội viên ND. Phải hiểu được công việc, thu nhập, chi phí, niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại… của người ND. Phải biết tổng hợp, so sánh, phân tích để thấy được những bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành. Rồi từ đó biết đề xuất, kiến nghị những điều có lợi cho ND. Còn nếu người cán bộ Hội mà quan liêu, hành chính, xa rời ND, chỉ nghe chung chung thì sẽ rất kém hiệu quả, sẽ không làm tròn trách nhiệm đại diện cho ND, không nói lên được tiếng nói của ND.

Để tham gia xây dựng chính sách tốt hơn, năm vừa qua, Hội NDVN đã quyết định thành lập 1 Tổ nghiên cứu chính sách do 1 đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách. Tổ sẽ xây dựng kế hoạch, lên tiến độ thu thập tất cả các chính sách về NDNNNT của chúng ta để phân tích, đối chiếu với thực tế đánh giá xem chính sách nào phát huy tốt, chính sách nào chưa phù hợp. chính sách nào cần điều chỉnh, vấn đề gì cần có chính sách mới… để phối hợp với các bộ liên quan tham mưu với chính phủ và các bộ, ngành…

6 việc cần chú trọng của Hội NDVN năm 2012

* Kiện toàn tổ chức bộ máy Hội ND cấp tỉnh, huyện. Tập trung đào tạo, xây dựng lực lượng.

* Triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống các trung tâm dạy nghề tỉnh, thành và triển khai hoạt động, phát huy vai trò của hệ thống này.

* Thực hiện có kết quả các chương trình phối hợp với các bộ, ngành (NNPTNT, Lao động - Thương binh - Xã hội, Tài nguyên - Môi trường, Thông tin - Truyền thông, VHTTDL…).

* Tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ ND.

* Tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các cơ chế chính sách.

Chỉ đạo chặt chẽ việc tiến hành Đại hội ND các cấp, hướng tới Đại hội ND toàn quốc lần thứ 6 dự kiến tổ chức vào quý 4 - 2013.

Nguyễn Quốc Cường

Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Năm vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Hội ND. Ban Bí thư ban hành Kết luận 61 về “Đề án nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển NN, xây dựng Nông thôn Mới, xây dựng giai cấp ND VN giai đoạn 2010-2020”. Thủ tướng ban hành Quyết định 673 QĐ-TTg về “Hội ND trực tiếp thực hiện và tham gia thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”. Trên tinh thần đó, Hội NDVN đã tiến hành làm việc, ký kết liên tịch với hàng loạt Bộ, ngành. Có thể nói, năm qua là 1 năm rất sôi động với Hội NDVN ở cấp “kiến trúc thượng tầng”?

- Những sự kiện trên thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc tạo nguồn lực, tạo cơ sở pháp lý để Hội ND thể hiện vai trò của mình trong phát triển NNNDNT, tạo điều kiện để nâng cao vị thế của Hội trong xã hội. Đối với tổ chức Hội, chúng tôi rất mừng nhưng đồng thời cũng rất lo. Lo vì mấy thách thức: Đối với các đoàn thể nói chung, phần lớn trước đây chưa tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội như dạy nghề, khuyến nông, dịch vụ hỗ trợ đầu vào - đầu ra, vốn… Những việc này đòi hỏi cần có kiến thức chuyên môn, trình độ nhất định, cần có lực lượng, tổ chức tương xứng mà đối với tổ chức Hội vẫn còn thiếu và yếu.

Về tổ chức, Hội ND cấp tỉnh, huyện còn thiếu về số lượng, chưa thống nhất về tổ chức bộ máy. Chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung còn bất cập. Còn đối với ND - chủ thể tham gia các phong trào do Hội phát động, những quyết sách của Đảng, Nhà nước thời gian qua về tam nông là kênh tăng đầu tư rất tốt, là nền tảng để nâng cao thu nhập của người ND lên gấp 2 – 3 lần tới năm 2020 như tinh thần của Đại hội Đảng XI đề ra. Tuy nhiên, thách thức lại là những lỗ hổng còn thiếu trong chính sách, cơ chế như đã nói ở trên. Để vượt qua những thách thức trên, đòi hỏi tổ chức HND, mỗi người cán bộ Hội từ trung ương tới cơ sở, phải hết sức cố gắng, phải biết tự vươn lên, vượt qua chính mình.

Xin cảm ơn Chủ tịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem