"Đốt vàng mã để báo hiếu với 'người âm' Lễ Vu Lan là sai lầm"

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 17/08/2024 11:10 AM (GMT+7)
Thượng toạ Thích Thanh Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chuyên gia văn hoá cho rằng, dịp lễ Vu Lan đang bị yếu tố mê tín, phi Phật giáo tác động, trong đó có tục đốt vàng mã.
Bình luận 0

"Nghĩ đốt vàng mã mà người âm nhận được là sai lầm"

Trong các dịp lễ Tết, người Việt thường có phong tục đốt vàng mã. Đặc biệt cúng rằm tháng 7 chính là dịp đốt nhiều vàng mã nhất. Vào những ngày này, trên khắp cả nước, các gia đình đều thành kính chuẩn bị ngày lễ Vu Lan. Với nhiều gia đình, đây là ngày lễ lớn thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên Đán, bởi đây là ngày xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ.

"Lễ Vu Lan báo hiếu nếu nghĩ đốt vàng mã mà người âm nhận được là sai lầm" - Ảnh 1.

Hình ảnh vàng mã chờ đốt ngày 16/8 (tức 13/7 âm lịch) tại một ngôi chùa. Ảnh: Gia Khiêm

Việc đốt vàng mã là một phong tục đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu. Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người đã cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng. Đây cũng là cách để họ tin rằng, người thân của mình "ở thế giới bên kia" sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ.

Tuy nhiên, theo thời gian, tục lệ này đang dần bị biến tướng khi có nhiều gia đình sẵn sàng bỏ nhiều triệu đồng, thậm chí thuê xe tải, xe kéo chở vàng mã đi cúng lễ rồi đốt cho người thân. Theo họ, đốt càng nhiều vàng mã sẽ càng nhiều tài lộc, gia đình thịnh vượng an khang như ý.

Trước thực trạng trên, nhiều người cho rằng, đây là việc làm gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, thậm chí dễ gây hỏa hoạn chết người. Một số ý kiến vì thế cho rằng, cần bỏ tục đốt vàng mã.

"Lễ Vu Lan báo hiếu nếu nghĩ đốt vàng mã mà người âm nhận được là sai lầm" - Ảnh 2.

Thượng toạ Thích Thanh Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chuyên gia văn hoá cho rằng, dịp lễ Vu Lan đang bị yếu tố mê tín, phi Phật giáo tác động, trong đó có tục đốt vàng mã. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, Thượng toạ Thích Thanh Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, dịp lễ Vu Lan đang bị yếu tố mê tín, phi Phật giáo tác động, trong đó có tục đốt vàng mã.

"Việc đốt vàng mã đã đi sâu vào trong tiềm thức mọi nhà. Ở nhà chùa lâu nay luôn vận động người dân không đốt vàng mã. Việc này ở chùa cũng đã giảm thiểu được, tuy nhiên tại các gia đình, các nơi vẫn đốt. Hiện nay còn mặt trái nữa là một số người đi xem ông đồng bà cốt, xem bói toán nói phải đốt hết đồ vàng mã này đến đồ kia… Đừng nghĩ đốt nhiều vàng mã mùa Vu Lan là báo hiếu cha mẹ, tổ tiên", Thượng toạ Thích Thanh Huân nhấn mạnh.

Thượng toạ Thích Thanh Huân cho rằng, việc tuyên truyền người dân hạn chế hoặc xoá bỏ việc đốt vàng mã là trách nhiệm của xã hội. Đó là tập tục, niềm tin không trong sáng và không chính đáng sẽ không soi sáng sự hiểu biết, trí tuệ… Đó là mê tín.

"Chúng ta thay vì đốt vàng mã có thể thay thế bằng hoa tươi hay hoa nhựa, hoa giấy cũng được. Mọi người có thể cúng hoa quả, đồ ngũ cốc dâng lên cha mẹ, tổ tiên, những người đã khuất, đó là sự trân quý sản phẩm của đất trời nuôi sống mình và dâng lên tổ tiên để tưởng nhớ. Nếu mọi người nghĩ đốt mà người âm nhận được là sai lầm.

Nếu có vàng mã chỉ là tượng trưng mà thôi. Tôi cho rằng để làm được điều này cần phổ cập tới mọi người ngay từ trường tiểu học trở lên. Các cơ quan văn hoá thời nào cũng thế phải xây dựng nếp sống văn hoá trong đời sống xã hội người dân. Từ ứng xử cộng đồng phải có quy chuẩn văn hoá, giáo dục của mình lấy đạo đức, ý thức để tu dưỡng ngay các cấp tiểu học", Thượng toạ Thích Thanh Huân cho hay.

Tác hại từ đốt vàng mã

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam cho hay, cứ mỗi dịp lễ, Tết, Vu Lan, ngày rằm, mùng 1… tục đốt vàng mã được xem như một hành vi "nhất thiết phải có".

"Lễ Vu Lan báo hiếu nếu nghĩ đốt vàng mã mà người âm nhận được là sai lầm" - Ảnh 3.

Ông Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: NVCC

"Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt. Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của 'người trần' đối với 'người âm', nhưng chỉ là hình thức tượng trưng. Sử dụng như những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nêu rõ, tín ngưỡng hay tôn giáo là sự phản ánh của thế giới thực mà con người đang sống. Con người luôn lấy sự tồn tại và nhu cầu của chính mình để xây dựng nên thế giới tâm linh cho họ. Vì vậy, việc người dân lấy nhu cầu của chính mình để xác định nhu cầu cho tổ tiên đã khuất là một điều có thể thể hiểu được.

"Để việc tuyên truyền, khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng vàng mã tràn lan đạt hiệu quả, tôi cho rằng cần nhìn nhận lại gốc rễ của tập tục này. Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh.

Tuy vậy, việc đốt vàng mã cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, nó tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc; Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan; Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã; Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội", ông Sơn phân tích.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam cũng cho rằng, đây là một tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên các cơ quan quản lý của ngành văn hóa đều ý thức rằng việc cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã là không khả thi. Chính vì vậy, ngoài biện pháp vận động nhân dân hạn chế sử dụng vàng mã, những nỗ lực của ngành là hướng vào việc hạn chế đốt vàng mã cũng như qui định việc đốt vàng mã ở đúng nơi, đúng chỗ.

"Tôi cho rằng với sự vào cuộc quyết liệt của xã hội, việc làm gương của các cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức và tất cả người dân, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh, để các ngày lễ, Tết thực sự là ngày lễ của những tấm lòng thành đối với tổ tiên, không vướng vụi trần", ông Sơn chia sẻ thêm.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cũng chia sẻ, đốt vàng mã là hủ tục. Muốn xoá bỏ hủ tục này cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng.

"Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng có cuộc vận động về việc người dân không đốt vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí thì mọi người cần thực hiện nghiêm túc. Thứ 2, văn bản quy định đã có thể chế, có hướng dẫn, kế hoạch, yêu cầu các Sở Văn hoá, khu di tích nhất là những di tích đốt nhiều vàng mã như di tích đền Bà Chúa kho năm đốt cả hàng chục tấn phải dừng việc này. Thứ 3, đã là đảng viên không được đốt vàng mã, nếu có đốt chỉ đốt tượng trưng quy mô nhỏ trong gia đình, có biện pháp tuyên truyền rộng rãi người dân", ông Sơn cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem