Vu Lan: Hình ảnh Hòa thượng là Đại biểu Quốc hội dâng trà lên mẫu thân
Xúc động hình ảnh Hòa thượng là Đại biểu Quốc hội dâng trà lên mẫu thân trong lễ Vu Lan
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 12/08/2024 10:49 AM (GMT+7)
Hình ảnh Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự (HĐTS), Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV dâng trà lên mẫu thân 95 tuổi gây xúc động cho bao người trong lễ Vu Lan báo hiếu tại Chùa Bằng (Hoàng Mai, Hà Nội).
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về Đại hiếu Mục Kiều Liên Bồ Tát nhờ hợp lực của mười phương Tăng chúng để cứu mẹ mình thoát khỏi thân ngạ quỷ bị giam cầm trong địa ngục. Chính vì vậy, lễ Vu Lan là ngày để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên, các anh hùng liệt sĩ. Đây cũng là dịp để những người con Phật báo đáp tứ trọng ân (bốn ơn nặng mà người Phật tử phải cố gắng đền đáp), bao gồm: ân Tam Bảo, ân Quốc gia xã hội, ân Cha mẹ sinh – Sư trưởng giáo huấn và ân Chúng sinh vạn loại. Vì thế, lễ Vu Lan được Phật giáo coi là đại lễ trong dịp tháng 7 âm lịch hằng năm.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật và dâng trà lên Tam Bảo trong lễ Vu Lan tại chùa Bằng. Ảnh: BT
Ở một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" với tổ tiên, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là đại lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Trên tinh thần đó, lễ Vu Lan báo hiếu PL.2568 diễn ra vào tối qua (11/8) tại chùa Bằng – Linh Tiên Tự đã có sự tham dự của đông đảo chư tôn đức Tăng, Ni và hơn 1.000 Phật tử.
Tại buổi lễ, Thanh thiếu niên Phật tử chùa Bằng đã thành tâm dâng hoa cúng dường lên Tam Bảo bằng tất cả tấm lòng thành kính của người con Phật, tri ân các chư vị Phật vì những giáo lý vi diệu mà các ngài đã để lại cho đời.
Sau đó, trong tinh thần tri ân và báo ân sâu sắc, Hòa thượng trụ trì cùng quý chư Tôn đức và toàn thể đại chúng đã thực hiện nghi thức niệm hương, nhiên đăng cúng dường, dâng trà cúng chư Phật, chư vị lịch đại Tổ sư, Tổ tiên trăm họ, các anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân… để tỏ lòng tri ân trong nhiều đời nhiều kiếp.
Trong niềm hoài cảm sâu lắng về hai đấng sinh thành, các chư tôn đức Tăng, Ni cùng Phật tử dự lễ đã cùng lắng đọng tâm tư nghe NSND Lan Hương đọc bài cảm niệm Vu Lan trên nền tiếng đàn bầu du dương, réo rắt… chất chứa bao tâm tư trĩu nặng của đạo làm con. Từng lời nghệ sĩ cất lên như đang đánh thức những trái tim vô cảm vì bấy lâu nay còn mải mê với cuộc sống mưu sinh, với hạnh phúc riêng mà quên đi sự tồn tại của hai đấng sinh thành, chợt tỉnh giấc mà quay về bên gia đình, bên "hai vị Phật" quan trọng nhất của cuộc đời.
"Ai trong mỗi chúng ta sinh ra trên cõi đời này đều có ông, có bà, có cha, có mẹ. Con hình thành từ tinh cha, huyết mẹ; từ chín tháng mười ngày mẹ mang nặng đẻ đau. Tiếng khóc đầu tiên con được mẹ dỗ dành bằng những lời ru ngọt ngào, ấm áp. Giấc ngủ đầu tiên con được cha thức thâu đêm canh võng, đưa nôi. Mẹ cha cho con hiện diện giữa cuộc đời bằng tất cả tình yêu thương và sự hy sinh vĩ đại.
Vì con, cha bất chấp mọi hiểm nguy, trèo non lội bể, việc nặng chẳng màng, việc nguy chẳng kể… để mang lại cho con hạnh phúc đủ đầy. Vì con, mẹ bất chấp nắng mưa, bão tố, thân cò lặn lội tần tảo sớm hôm… chỉ mong sao cuộc đời con đừng bão giông như đời mẹ.
NSND Lan Hương đọc bài cảm niệm đầy xúc động trong lễ Vu Lan tại chùa Bằng. Ảnh: BT
Cha mẹ yêu thương ta là thế, hy sinh cho ta là thế, đánh đổi cả thanh xuân và sức khỏe để cho ta tất cả là thế… mà nào đâu ta đã hiểu thấu mẹ cha. Nào đâu ta đã mang lại cho cha trọn vẹn nụ cười, mang lại cho mẹ trọn niềm hạnh phúc. Không biết bao lần, ta làm mẹ tuôn trào nước mắt, làm cha đau đớn đến xót xa.
Vì ai chân mẹ dẫm gai/Vì ai tất tả, vì ai dãi dầu/Vì ai áo mẹ phai màu/Vì ai thao thức bạc đầu vì ai?/Lớn từ dạo đó ta đi/Chân mây góc biển mấy khi quay về/Mẹ ngồi lặng cuối bờ đê/Đếm năm tháng đếm ngày về của ta/Mai vàng mấy lượt trổ hoa/Hàng hiên hanh nắng sương sa mấy lần/Đồng xa rồi lại đồng gần/Thương con mẹ lội đồng gần đồng xa! (trích "Ca dao và mẹ" – Đỗ Trung Quân).
Giờ đây, khi ta đã hiểu thấu mọi lẽ đời, khi ta đã nhận ra những điều lầm lỗi… thì cha mẹ đã mờ mịt chân mây, nghìn trùng xanh cách, âm dương chia biệt", NSND Lan Hương xúc cảm.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm dâng trà lên mẫu thân trong lễ Vu Lan. Ảnh: BT
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm dâng trà lên thân mẫu trong lễ Vu Lan
Một trong những điều khiến các quan khách và Phật tử dự lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Bằng xúc động đó là hình ảnh Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Bằng đã dâng lên mẹ mình chén trà thơm cùng bó hoa tươi để thể hiện tấm lòng hiếu hạnh của bậc làm con.
Được biết, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm sinh năm 1956, tại xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông xuất gia năm 14 tuổi và được tấn phong giáo phẩm Hòa thượng năm 56 tuổi. Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV. Thân mẫu của ông năm nay đã 95 tuổi và hiện đang sống tại Hà Nội. Việc Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm dâng trà và hoa lên thân mẫu trong lễ Vu Lan không chỉ là hành động báo ân phụ mẫu đơn thuần mà còn là một hình ảnh sinh động để lan tỏa về tinh thần hiếu đạo của những người làm con.
Trong niềm tri ân và báo ân mùa Vu Lan báo hiếu, các thanh thiếu niên trẻ tuổi đã thành kính dâng lên chư tôn đức Tăng, Ni và các bậc cao niên những chén trà ấm nóng với trọn vẹn tấm lòng tri ân sâu sắc nhất. Đây là một nghi thức mang đậm nét văn hóa của Phật giáo phía Bắc.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng nhắc lại tấm gương hiếu hạnh cao cả của Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và tôn giả Mục Kiền Liên, đồng thời giải thích ý nghĩa vi tế qua từng nghi thức dâng trà và chương trình trong đại lễ. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh, tâm Hiếu là tâm Phật, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Mỗi người phải luôn khắc ghi tứ ân bao.
Đặc biệt hơn, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử trong tháng Vu Lan cần tinh tiến tu học, làm các việc thiện lành để hồi hướng công đức về cho Tổ tiên, ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp. Với những ai còn cha, còn mẹ trên đời, cần phải biết trân quý, chăm sóc và phụng dưỡng họ, bởi "Cha mẹ ở đời như Phật tại thế".
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm mong các Phật tử hãy luôn giữ tinh thần hiếu đạo với cha mẹ ông bà Tổ tiên không chỉ trong mùa Vu Lan này mà còn trong suốt cả cuộc đời. Hãy biết trân trọng và dựng xây quê hương đất nước, giữ gìn nét đẹp văn hóa, đạo thờ ông bà của dân tộc Việt cùng với lời dạy của Đức Phật để xây dựng một xã hội thuần tịnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.