Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tiền đền bù có sẵn trong tài khoản, chờ người dân hoàn thành thủ tục

Thành An Thứ sáu, ngày 16/09/2022 18:02 PM (GMT+7)
"Toàn bộ khoản tiền bồi thường hỗ trợ cho người dân đã sẵn sàng trong tài khoản của Ban. Bất cứ lúc nào người dân hoàn thành thủ tục sẽ được nhận ngay", ông Nguyễn Cao Minh, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội nói.
Bình luận 0

Ngày 16/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (tuyến số 3), đoạn Nhổn - ga Hà Nội trên địa bàn quận Ba Đình.

Theo đó, bà Tuyến và đoàn công tác đã kiểm tra tại Ga ngầm S9 - Kim Mã, nghe Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội báo cáo tiến độ triển khai, đồng thời, kiểm tra tại nhà một số hộ dân bị ảnh hưởng trên đỉnh hầm khi máy khoan hầm TBM đi qua.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tiền đến bù có sẵn trong tài khoản, chờ người dân hoàn thành thủ tục - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ha Nội Nguyễn Thị Tuyến và đoàn công tác kiểm tra thực địa một số hộ dân thuộc ngã ba, ngõ Núi Trúc - Giang Văn Minh. Ảnh: Quang Thái.

"Tiền có sẵn trong tài khoản, người dân hoàn thành thủ tục sẽ nhận ngay"

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Cao Minh - Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang được triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Tiến độ tổng thể dự án đạt 75,28%, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 96,8%. Kết quả giải ngân của dự án đến 31/8 là 643,8 tỷ đồng, đạt 19,5% kế hoạch.

Đối với đoạn tuyến đi ngầm của dự án, ông Minh cho hay, hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đặc biệt là vướng mắc về khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công trên địa bàn hai quận: Ba Đình và Đống Đa, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ nhiều năm qua.

Cụ thể, tại địa bàn hai quận nêu trên có 7 công trình nhà phải phá dỡ, 43 hộ dân phải di dời đi tạm cư trong quá trình thi công để đảm bảo an toàn.

Theo hướng dẫn của Sở TNMT, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã bàn thảo và thống nhất về cơ bản các phương án bồi thường, hỗ trợ với người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tiền đến bù có sẵn trong tài khoản, chờ người dân hoàn thành thủ tục - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa ga ngầm S9 Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố (đoạn Nhổn - ga Hà Nội). Ảnh: Quang Thái.

Đối với 7 công trình nhà phải phá dỡ, sẽ được bồi thường toàn bộ số tiền xây dựng lại công trình. Còn 43 hộ dân phải tạm cư đã đề xuất tự tìm nơi ở, chủ đầu tư dự án sẽ hỗ trợ mỗi gia đình 6 triệu đồng/tháng.

"Toàn bộ khoản tiền bồi thường hỗ trợ cho người dân đã sẵn sàng trong tài khoản của Ban. Bất cứ lúc nào người dân hoàn thành thủ tục sẽ được nhận ngay.

Riêng với 43 hộ thuộc diện tạm cư, khi máy khoan ngầm đào tới đâu mới phải di dời tới đó, thời gian cụ thể phải di dời, Ban sẽ thông báo với từng hộ gia đình", ông Minh nói.

Bí thư Quận uỷ Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, công tác GPMB gặp không ít khó khăn do 2 lần điều chỉnh chỉ giới, tuy nhiên sau quá trình vận động kiên trì, người dân đã có ý thức chấp hành rất cao.

"Về cơ bản công tác GPMB đã hoàn thiện đến bước phê duyệt và nhận được sự đồng thuận của người dân", ông Tiến nói.

Đại diện quận Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Lê Tuấn Định cho biết: "Hiện, trên địa bàn quận còn tồn tại 27 hộ liên quan đến di dời tạm cư, phục vụ công tác thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Quận đã chốt phương án chi trả với số tiền khoảng 300 triệu đồng và sẽ thực hiện trong tháng 9".

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tiền đến bù có sẵn trong tài khoản, chờ người dân hoàn thành thủ tục - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại buổi kiểm tra. Ảnh: Quang Thái.

Hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội liên quan đến uy tín của Thủ đô Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đề nghị các sở, ngành liên quan trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, hỗ trợ người dân di chuyển nhà ở khỏi khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian thi công dự án ga ngầm S9.

Ông Đông yêu cầu Ban Quản lý ĐSĐT, UBND quận Ba Đình và Đống Đa phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó nếu phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tình mạng, tài sản cho người dân.

"Mục tiêu là vừa bảo đảm an toàn thi công theo đúng thời điểm, vừa tránh để dự án chậm tiến độ và kéo dài, làm ảnh hưởng đến uy tín của thành phố và cả nước", Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tiền đến bù có sẵn trong tài khoản, chờ người dân hoàn thành thủ tục - Ảnh 4.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận buổi kiểm tra. Ảnh: Quang Thái.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, dự án ga ngầm S9 là dự án sử dụng vốn vay ODA.

Đối với trường hợp 1 hộ dân tại quận Ba Đình đã 4 lần chấp hành nghiêm việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng để triển khai dự án ga ngầm S9, diện tích nhà đất còn lại quá nhỏ, có đề xuất mua thêm 1 căn nhà tái định cư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định đây là nguyện vọng chính đáng của người dân và đề nghị Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan sớm xem xét, giải quyết cho người dân.

Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt số 3 sẽ cùng với 9 tuyến khác góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội.

Bà Tuyến nhấn mạnh: Việc hoàn thành tuyến đường sắt số 3 còn liên quan tới uy tín của đất nước và Thủ đô Hà Nội, bởi đây là dự án sử dụng vốn vay ODA.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải cam kết thực hiện xong các hạng mục trên mặt đất của dự án ngay trong năm 2022.

Với phần giải phóng mặt bằng các công trình ngầm đi từ quận Ba Đình, quận Đống Đa đến ga Hà Nội, đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ đền bù, GPMB với 50 hộ bị ảnh hưởng để sớm thống nhất chi tiết phương án chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Bà Tuyến đề nghị, ngay trong tháng 10/2022, hai quận Đống Đa và Ba Đình phải chi trả xong phần đền bù, hỗ trợ cho người dân. Trong đó, cần lên kế hoạch cụ thể, quy định rõ chi trả ở đâu, hình thức nào, những hộ chưa đến lĩnh tiền đền bù thì sẽ xử lý cụ thể ra sao…

Trong quá trình thực hiện, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân.

Vấn đề rất mới, chưa từng có tiền lệ

Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, theo khảo sát bằng công nghệ Georada 3000 tòa nhà trong vùng ảnh hưởng của tuyến hầm, có 50 công trình, nhà ở bị ảnh hưởng bởi việc thi công khoan hầm do có một phần móng cọc xung đột với ống hầm.

Trong đó, có 43 nhà dân thuộc diện có nguy cơ tiềm ẩn, chỉ cần tạm cư người dân ra ngoài để đảm bảo an toàn trong thời gian máy khoan TMB đi qua (khoảng 01 tháng bao gồm cả thời gian đánh giá an toàn nhà sau khi thi công).

Có 7 công trình, nhà ở xung đột trực tiếp với ống hầm, đề xuất cần thiết phải phá dỡ, bồi thường hỗ trợ công trình, ổn định đời sống trong thời gian thi công và tạm cư cho người dân trong khoảng 18 tháng (bao gồm thời gian hộ dân xây dựng lại nhà ở).

Pháp luật hiện hành mới chỉ quy định cụ thể về bồi thường hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp phải thu hồi đất. Dự án đề xuất chỉ tạm cư người dân trong thời gian thi công tuyến hầm, không tiến hành thu hồi đất.

Đây là vấn đề rất mới, chưa từng có tiền lệ, chưa được quy định cụ thể trong Luật Đất đai 2013, các Nghị định, văn bản dưới luật liên quan. Ban đã hoàn thiện Chính sách bồi thường hỗ trợ và tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm và đã được UBND TP chấp thuận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem