Lương Đình Dũng nói: "Nếu không làm được bộ phim này, tôi giống như người mắc nợ mà không trả được".
Từ những nỗi sợ hãi
Có lẽ Lương Đình Dũng cũng giống như tôi và rất nhiều người khác, có chung một nỗi sợ hãi mỗi sáng mai thức dậy, cầm một tờ báo hay vào một trang mạng, chỉ sợ sẽ lại bị đập vào mắt những dòng tin "con giết cha", "cha giết con", "vợ giết chồng", "trẻ sơ sinh bị vứt bỏ", "tẩm xăng thiêu cháy cả nhà"... Như những người có lương tri và tâm lý phát triển bình thường, chúng ta sẽ sợ hãi, sẽ ghê rợn với những hiện thực kinh khiếp của cuộc sống xung quanh mình. Và tự hỏi, thời này là thời nào mà mọi chuyện đảo điên và cuồng loạn đến thế?
|
Tạo hình cậu bé Cá và cha trong phim "Cha cõng con". |
Dũng cũng đã tự hỏi mình như thế nhiều lần, anh đã khóc khi nhìn thấy ảnh một đứa bé sơ sinh bị vứt bỏ quấn sơ sài trong chiếc chăn, côn trùng bâu kín thân. Những hình ảnh đó khiến anh như càng bị thôi thúc và muốn làm một bộ phim để kể một câu chuyện đẹp về tình cha con, chẳng để răn dạy ai cả, mà chỉ khao khát thông qua câu chuyện đó, muốn lay động những tấm lòng, để gieo lên những hạt giống của tình thương.
Chuyện phim kể về một cậu bé luôn mơ ước được chạm vào những đám mây bay trên bầu trời, và một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông, chỉ biết kể cho con nghe những câu chuyện tưởng tượng về vùng đất tràn ngập ánh sáng mà chính người cha cũng chưa bao giờ được đặt chân đến. Nhân vật trong phim là cậu bé tên Cá. Cậu lớn lên hồn nhiên như những con tôm, con cá dưới sông. Hàng ngày, cậu tưởng tượng về một nơi tràn ngập ánh sáng, tràn ngập tiếng cười của những đứa trẻ thành phố... trong những câu chuyện kể lung linh của một ông mù. Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến nơi tràn ngập ánh sáng ấy, sẽ được chạm vào những đám mây mơ ước. Nhưng Cá đã không còn thời gian để đợi, không thể đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể...
Chạm đến sự bình yên
Kịch bản chuyển thể từ chính truyện ngắn "Cha cõng con" của anh và có sự tham gia của nhà biên kịch nổi tiếng Hollywood Pilar Alessandra trong một thời gian dài, dự kiến sẽ khởi quay vào cuối tháng 8 tới đây.
Khỏi phải nói Dũng đã nhọc công cho dự án phim truyện này của mình thế nào. Lựa chọn hướng đi trở thành nhà sản xuất phim độc lập, với số tiền sản xuất phim hơn 10 tỷ đồng và song hành với áp lực sản xuất, như Dũng nói “không làm thì thôi mà đã làm thì phải làm hết sức mình”.
|
Đạo diễn Lương Đình Dũng ở Tokyo, Nhật Bản |
Lương Đình Dũng - tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật điện ảnh. Anh từng đạo diễn các phim "The Boat Man" đoạt giải - "Phim xuất sắc" tại Liên hoan Phim quốc tế Tokyo Nhật Bản. Phim "Hạnh phúc đỏ"- bằng khen Hội Điện ảnh và được chiếu tại Liên hoan Phim hàng đầu thế giới Clermont - Ferrand Pháp, "Chuyện Ông Mờ"- bằng khen Hội Điện ảnh, "Xẩm đỏ"... Ngoài ra anh còn là tác giả kịch bản của các phim truyền hình "Bạn già", "Người chiếu đèn", "Bánh đa, bánh đúc"
Vừa trải qua một chặng đường dài gần 1.000 cây số bằng xe máy len lỏi nhiều vùng núi phía Bắc để chọn bối cảnh với các đồng nghiệp, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: "Câu chuyện phim luôn làm tôi hình dung về những khuôn hình chuyển động chậm với ánh sáng tự nhiên được phản chiếu và lay động trên những khuôn mặt mộc mạc, nó sẽ dẫn cảm xúc xuyên suốt để kể câu chuyện này.
Nó khiến tôi nhớ đến những tia nắng buổi chiều chiếu xiên cắt xuống bãi cỏ lau bông trắng hay chạy dọc sườn núi nơi tôi từng sống, nó đẹp và rất yên bình. Tôi tuân thủ cách thể hiện giản dị từ bối cảnh, nhân vật, đối thoại, trang phục... để kể câu chuyện bằng ngôn ngữ tạo hình thật đẹp, thật giản dị, vì tôi hiểu chỉ có như vậy thì câu chuyện này mới chạm tới cảm xúc của khán giả. Tôi tin khán giả sẽ thích cái cảm giác hình ảnh ấy".
Sinh năm 1973, Dũng hay tự trào về mình "số tôi tuổi trâu nên suốt ngày đi cày, sướng đâu chưa thấy nhưng cứ tự mình mua lấy vất vả". Nhưng những người như anh đáng được ủng hộ lắm chứ, bởi thời buổi này, có ai dại tới mức không ôm đống tiền ấy đi kinh doanh kiếm lời mà lại bỏ ra làm một bộ phim để mong muốn đánh thức những vẻ đẹp nhân văn trong tâm hồn con người?
Một bộ phim, một cuốn sách, một bài báo có lẽ sẽ chẳng là gì so với biển đời đen bạc ngoài kia, nhưng tôi tin cuộc sống sẽ bớt tệ hơn nếu trong đám đông vẫn còn có những người kiên gan như Dũng. Vẫn khát khao muốn hướng người xem đến những câu chuyện tử tế, muốn bằng tâm huyết của mình thay đổi cách nghĩ của con người, để họ trân trọng hơn tình cảm gia đình, để sống "người" hơn với nhau.
"Cha cõng con" dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào cuối tháng 4.2014, hiện đã có tổ chức hỗ trợ giới thiệu phim ở thị trường Mỹ và Canada.
Mai An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.