Dự báo không khí lạnh hoạt động mạnh, nông dân cần chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi

Trang Ngân Thứ năm, ngày 07/11/2024 11:31 AM (GMT+7)
Dự báo không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 12/2024 đến 01/2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại, đặc biệt ở các vùng núi phía Bắc. Vì vậy Bộ NNPTNT khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi.
Bình luận 0

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia không khí lạnh có khả năng hoạt dộng mạnh trong tháng 12/2024 đến 01/2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này. Đáng chú ý, hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12.

Do diễn biến bất lợi của thời tiết một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi…

Để chủ động trong công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ đông xuân 2024 - 2025, đồng thời hoàn thành kế hoạch năm 2024, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. 

Dự báo không khí lạnh hoạt động mạnh, chủ động phòng chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi  - Ảnh 1.

Nông dân Lai Châu cho trâu ăn cỏ voi và chuẩn bị các biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi. Ảnh: sonnptntlaichau

Thứ nhất, có văn bản chỉ đạo các cơ quan trong tỉnh thực hiện các hoạt động cụ thể về phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc. Đồng thời thành lập đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói, rét. 

Đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, vừa bị thiệt hại do cơ bão số 3 (YAGI) nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hướng nhiều do đói, rét. 

Chủ động đề xuất sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, hộ bị thiệt hại do bão lũ vừa qua để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho gia súc và xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi rét đậm, rét hại xảy ra.

Thứ hai, thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 458/QĐ-CN-MTCN ngày 08/12/2022 của Cục Chăn nuôi về Hướng dẫn phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương phối hợp với các cơ quan, đoàn thể liên quan kiểm tra công tác thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi đến từng thôn bản và hộ gia đình. 

Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu các địa phương gửi báo cáo về kết quả phòng chống đói, rét, các chính sách hỗ trợ đã và đang thực hiện về Cục Chăn nuôi. Trong quá trình triển khai, nếu gặp khó khăn, báo cáo về Cục Chăn nuôi để xử lý và tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Liên quan đến việc phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ngành chức năng địa phương cần đẩy mạnh hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng chống đói rét dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cần gia cố chuồng trại cho vật nuôi chuồng nuôi được che chắn tránh gió lùa, giữ khô nền chuồng, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, mùn cưa, than củi...) sưởi ấm cho gia súc.

Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤ 120C); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vaccine cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ đông xuân.

Chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua thức ăn xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, cụ thể:

Đối với trâu, bò: Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê....) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể, ví dụ trâu bò 300kg thì cho ăn 30kg cỏ xanh hoặc cỏ ủ…; đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo... (khoảng 0.5-1 kg/con/ngày).

Cung cấp đủ nước uống cho trâu bò hàng ngày khi nuôi nhốt trong chuồng; có thể bổ sung cho trâu bò uống nước ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100kg khối lượng cơ thể để tăng cường sức đề kháng, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò (thân cây ngô, cỏ, rơm ủ…) với lượng 7-10 kg/ngày

Đối với lợn: khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi). Bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa thường xuyên cho lợn.

Đối với gia cầm: chủ động tăng lượng thức ăn, uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề kháng cho gia cầm, đặc biệt là gà; có mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ 6-8 con/m2; gà thịt 8-10 con/m2 giúp cho gà điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt hơn. Thực hiện tốt quy trình úm cho gà con; những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem