Lãnh đạo Cục Trồng trọt "hiến kế" đưa chè từ "cây xóa đói giảm nghèo" thành "cây làm giàu" như sầu riêng, cà phê
Lãnh đạo Cục Trồng trọt "hiến kế" đưa chè từ "cây xóa đói giảm nghèo" thành "cây làm giàu" như sầu riêng, cà phê
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 07/11/2024 10:41 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến nay chè vẫn chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, chưa thực sự trở thành cây làm giàu như một số cây trồng khác. Vì vậy, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó.
Theo Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023, trong đó, riêng với cây chè, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống chè mới đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Ô long và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.
Để có những đánh giá về thực trạng cũng như dự báo, định hướng phát triển ngành chè Việt Nam trong thời gian tới, PV Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) về vấn đề này.
Ông có thể cho biết thực trạng của ngành chè Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Tính đến năm 2023, cả nước có 25 tỉnh, thành phố trồng chè, diện tích canh tác chè tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc (80,9%); Đồng bằng sông Hồng (2,53%), Bắc Trung bộ (8,33%), Duyên hải Nam Trung bộ (0,16%), Tây Nguyên (8,17%). Các tỉnh có diện tích chè lớn là Thái Nguyên 22.200ha, Hà Giang 19.800ha, Phú Thọ 14.000ha, Lâm Đồng 9.300ha, Lào Cai 7.900ha.
Theo số liệu thống kê, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.400ha, giảm khoảng 12.000ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trái ngược với diện tích, năng suất chè tăng từ 85,9 tạ/ha lên 100,3 tạ/ha trong khoảng thời gian này. Điều này đạt được là do thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác.
Sản lượng chè trong giai đoạn này có xu hướng tăng do diện tích giảm nhẹ nhưng năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.
Về xuất khẩu, năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và 10,9% về trị giá so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu trung bình trong năm 2023 ước đạt 1.737,3 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022, đồng thời, năm 2023 cũng là năm có sản lượng xuất khẩu chè thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, đến nay, chè vẫn chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, chưa thực sự trở thành cây làm giàu như một số cây trồng khác (cà phê, sầu riêng, tiêu…). Vì vậy, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka. Vậy nguyên nhân do đâu thưa ông?
- Nguyên nhân chính do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng… Điều này khiến chè Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm chè đến từ các quốc gia khác.
Cho đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Những sản phẩm chè đa dạng về chủng loại, mẫu mã; bao gồm: Các loại chè chế biến như chè túi nhúng, chè hoà tan, chè bột; các loại chè ướp hương hoa quả, chè đóng hộp, bánh chè, kẹo lạc chè... các loại chè thuốc như chè thanh nhiệt, chè dưỡng thọ cho người già hoặc các loại chè thảo mộc khác. Ngoài ra, còn có các loại chè nước uống nhanh, nước hoa quả đóng túi hoặc đóng hộp các loại…
Cả nước có khoảng 260 nhà máy chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế là 5,2 ngàn tấn búp tươi/ngày. Tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 70 %; Trung du - Miền núi phía Bắc là 74%; Miền Trung - Tây Nguyên là 71,9%. Chế biến công nghiệp đạt 210.000 tấn sản phẩm chiếm khoảng 80% sản lượng chè cả nước. Còn lại 20% sản lượng là chè chế biến thủ công tại các hộ gia đình, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Trong các nhà máy chè, số nhà máy được trang bị đồng bộ, máy móc thiết bị tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật chiếm 20%; số nhà máy trung bình 60%; 20% số cơ sở chế biến chắp vá, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của quá trình chế biến chè.
Đối với sản xuất và tiêu thụ chè xanh ở nước ta hiện nay, mô hình phổ biến là mô hình sản xuất nhỏ. Hiện nay, cả nước có trên 600 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè vừa và nhỏ. Ngoài ra còn khoảng hơn 1 vạn hộ gia đình tham gia sản xuất chè xanh với các thiết bị chế biến thủ công và bán thủ công. Năng lực chế biến của các lò thủ công chiếm tới 50% tổng sản lượng chè xanh. Kết quả đánh giá trình độ công nghệ chế biến chè Việt Nam đang ở mức độ trung bình.
Để ngành chè Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thời gian tới cần có định hướng và giải pháp gì thưa ông?
- Về sản xuất, theo Đề án cây công nghiệp chủ lực đã được Bộ NNPTNT phê duyệt tại Quyết định số 431 ngày 26/1/2024. Đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước đạt khoảng 120 - 125 nghìn ha nghìn ha, năng suất đạt 110 - 115 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn chè búp tươi. Trong đó diện tích chè ứng dụng IPM/IPHM đạt 90%; diện tích chè được áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn (GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ và tương đương,...) chiếm trên 70%; tỷ lệ diện tích chè được cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đạt trên 70%. Với diện tích chè già cỗi, cần trồng tái canh bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; 100% diện tích chè trồng mới được sử dụng giống đạt tiêu chuẩn. Đa dạng hóa sản phẩm chè như: chè Ô long, chè túi lọc, chè bột Matcha, Sencha bằng công nghệ và thiết bị hiện đại, đạt trên 10% trong cơ cấu chế biến.
Đến năm 2030, diện tích chè được chứng nhận sạch, an toàn (hữu cơ, GAP, VietGAP và tương đương) đạt khoảng trên 70% tập trung tại các vùng sản xuất trọng điểm như Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An và Lâm Đồng. Ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất (tưới nước, bón phân, thu hái, bảo quản, chế biến...) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định các tiêu chí sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Diện tích chè hữu cơ cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 11.000ha, diện tích chè cho sản phẩm đạt 10.000ha, sản lượng đạt khoảng 70.000 tấn, tập trung tại các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên. Diện tích chè đặc sản cả nước đạt khoảng 34.500 ha; diện tích cho sản phẩm đạt 32.000 ha, sản lượng đạt khoảng 290.000 tấn. Trong đó, cần bảo tồn, khai thác và phát triển các vùng chè shan tuyết phục vụ nguyên liệu cho sản xuất chè hữu cơ, chè đặc sản cũng như các sản phẩm chè chế biến có giá trị gia tăng cao và bảo vệ môi trường sinh thái; điển hình như: vùng chè shan tuyết Hà Giang với diện tích trên 7.000 ha; vùng trồng chè Shan tuyết Suối Giàng - Yên Bái với diện tích khoảng 400ha, vùng chè Shan tuyết Tà Xùa - Sơn La khoảng 200ha.
Để thực hiện được Đề án này, chúng ta cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất (đường giao thông, kênh mương nội đồng, trạm biến áp, hệ thống tưới, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới) để sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, VietGAP và tương đương. Đặc biệt, chú trọng đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng vùng chè ứng dụng công nghệ cao; các khu sản xuất chè hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại các vùng trồng chè trọng điểm.
Về chế biến, giai đoạn 2021 - 2025, tập trung nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm chè chủ lực có lợi thế về điều kiện tự nhiên, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu chè Việt.
Giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung phát triển các mặt hàng chè mới có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, sản phẩm tinh chế cao cấp có giá trị gia tăng cao, được sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm, dược phẩm hoặc mỹ phẩm; đặc biệt ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng cường đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài vào các sản phẩm chè xuất định hướng xuất khẩu nhằm tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông có dự báo gì về thị trường xuất khẩu chè thời gian tới?
- Dự báo sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 đạt 136.500 tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra. Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam vẫn là Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia,… và chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao ở thị trường EU…
Xu hướng tỷ lệ xuất khẩu chè đen giảm dần. Năm 2021, xuất khẩu chè đen chiếm tỷ lệ 51,0% và dự báo đến năm 2030, giảm xuống còn 48%; xuất khẩu chè xanh đạt tỷ lệ 48% vào năm 2021 và đến dự báo năm 2030 tăng 52%. Giá xuất khẩu chè đen có mức tăng, nhưng tăng không nhiều so với mức tăng giá xuất khẩu chè xanh.
Dự báo biến động về giá xuất khẩu chè đen: Năm 2030 tăng khoảng 3-5% so với giá năm 2021.
Dự báo biến động về giá xuất khẩu chè xanh: Năm 2030 tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2021.
Xin cảm ơn ông!
Tính đến năm 2024, đã có 31 giống chè được công nhận (LDP1, LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên; PH8, PH10, TB14 Hương Bắc Sơn, LCT1, PH276, CNS.831…). Cơ cấu giống chè mới tăng mạnh, từ 15% năm 2000 lên 65% năm 2021. Giống chè chất lượng trung bình (Trung du, PH1) giảm còn 18-20% so với những năm 2000. Giống chất lượng khá (LDP1, LDP2...) chiếm 25%. Giống chất lượng cao (nguồn gốc Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản) đạt khoảng 10%. Chè giống mới Nghệ An 89%, Thái Nguyên 75,9%, Phú Thọ 73,1%, Tuyên Quang 63%, Yên Bái 58,6%, Sơn La 53,2%.
Về cơ cấu giống theo loại sản phẩm: khoảng 23% giống chè của Việt Nam hiện nay chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, 50% diện tích chè phù hợp cho cả chế biến chè xanh và chè đen, 27% diện tích chè thích hợp cho chế biến chè xanh và chè chất lượng cao khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.