Dự báo “kịch bản” biến động giá điện năm 2018

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 02/02/2018 10:03 AM (GMT+7)
Giá điện tăng 6,08% từ ngày 1.12.2017 dự kiến sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1% và sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào. Giá điện trong 6 tháng đầu năm dự kiến ổn định, trong 6 tháng cuối năm sẽ biến động tùy thuộc vào kết quả kiểm toán giá điện.
Bình luận 0

img

Nếu giá điện tăng 8 - 10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1 - 0,15 điểm % (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 12 và cả năm 2017, dự báo năm 2018 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2017, mặt bằng giá cả thị trường biến động theo hướng tăng thấp trong những tháng đầu năm, giảm trong quý II và tăng dần trở lại trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016 và tăng 2,6% so với tháng 12.2016.

Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI  năm 2017 là do giá  một số hàng hóa, dịch vụ như y tế, giáo dục, điện...  được điều chỉnh tăng theo lộ trình thị trường.

Cụ thể, giá dịch vụ hàng không tăng từ tháng 10.2017 tác động làm tăng chỉ số giá nhóm dịch vụ hành khách đường hàng không khoảng 1,3%; đóng góp vào  chỉ số CPI chung khoảng 0,001%.

Bên cạnh đó, biến động tăng của giá xăng dầu và một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước qua kênh nhập khẩu. So với năm 2016, giá xăng dầu bình quân năm 2017 tăng khoảng 1,4 %, giá LPG tăng khoảng 1,91%, giá thép tăng  5-10%...

Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình của Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ, tập trung vào tháng 9.2017 là tháng diễn ra khai giảng năm học mới. Chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục năm 2017 tăng khoảng 8,19% so với tháng 12.2016 và tăng 10,42% so với bình quân năm 2016.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc giá điện bán lẻ bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 1.12.2017 không tác động nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng năm 2017. Dự kiến, tác động làm tăng CPI tháng 12.2017 khoảng 0,07%, nhưng sẽ tạo tác động nhiều vào mặt bằng giá trong năm 2018.

Cục Quản lý giá cho biết: “Giá điện tăng 6,08% từ ngày 1.12.2017 dự kiến sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1% và sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào. Giá điện trong 6 tháng đầu năm dự kiến ổn định, trong 6 tháng cuối năm sẽ biến động tùy thuộc vào kết quả kiểm toán giá điện”.

Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, lạm phát năm 2018 có thể tăng cao hơn nếu giá điện tăng mạnh. Ước tính, nếu giá điện tăng 8 - 10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1 - 0,15 điểm %.

Về giá dầu thô, Cục Quản lý giá dự báo giá dầu thô thế giới bình quân năm 2018 sẽ trong khoảng từ 50 - 55 USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm sẽ ở mức 66-70 USD/thùng, tăng từ 5 - 10% so với bình quân năm 2017. Giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 5 - 15% sẽ tác động vào CPI chung khoảng 0,28% - 0,64%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem