Dù bị “đánh đập” cỡ nào, tác phẩm hay vẫn sống!

Thứ tư, ngày 27/03/2013 12:00 PM (GMT+7)
Dân Việt - Không chỉ Doãn Dũng mà trong quá khứ có nhiều nhà văn cũng từng có tác phẩm bị “đánh đập” về tư tưởng. Nhưng những tác phẩm có giá trị thực sự thì vẫn sống trong lòng bạn đọc theo thời gian.
Bình luận 0

Tiếp tục câu chuyện về “chụp mũ” văn học, kỳ này chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các nhà văn, nhà phê bình: Nguyễn Thuý Ái, Phan Trang Hy, Nguyễn Thu Trân, Đoàn Lê Giang, Trần Huy Thuận.

Nhà văn Nguyễn Thúy Ái (TP.HCM):

Bóng anh hùng của tác giả Doãn Dũng là một truyện ngắn hay, đặc biệt là giá trị hiện thực của tác phẩm. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng đất mà bước chân hung hiểm của chiến tranh không ngớt rảo qua, họ hàng tôi có nhiều người là liệt sĩ, là anh hùng… Miêu tả được nỗi đau, những khuất lấp, hy sinh của những con người không còn lên tiếng được nữa là điều không dễ. Tác giả Doãn Dũng đã làm được, thật đáng khâm phục. Nhưng nếu không bị “quy chụp” biết đâu tôi chẳng có cơ hội đọc truyện ngắn này!

Thật không lạ gì một số người đã quen với cách “chính trị hóa văn chương” một cách thô lậu, chỉ thích đọc những gì tô hồng, ngợi ca một chiều nên phản ứng hoặc quy chụp rất nặng về quan điểm chính trị mà trong giới cầm bút gọi là “ bị đánh”. Tôi cũng từng bị “đánh” vì viết truyện ngắn “Trở về Lệ Chi viên”. Lúc đó tôi hết sức thất vọng vì lối quy chụp lạ lùng như vậy nhưng cũng hoảng sợ… Rồi nhờ các đồng nghiệp như các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình an ủi chia sẻ…

Sau này này tình cờ biết được “que diêm” của vụ này là do một phụ nữ cầm bút vốn tị hiềm với tôi nên “khích” một sinh viên chẳng am hiểu gì về văn học viết bài để đăng lên một tờ báo, thế là cán bộ về hưu, kỹ sư hóa, luật sư… đua nhau viết bàì “đánh” tiếp và góp thành một “đống lửa”, tuyệt nhiên không có một nhà chuyên môn nào như nhà sử học hay nhà lý luận phê bình lên tiếng. Chỉ có một nhà văn lớn tuổi thuộc hạng “cây đa cây đề” gặp tôi ở bên ngoài văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM đã giận dữ quát lên rằng “Cô dám xúc phạm Nguyễn Trãi có nghĩa cô dám xúc phạm Bác Hồ! Tôi sẽ viết bài 'đánh' cô!”

Bây giờ gặp những ai từng 'đánh' mình tôi thường vui vẻ “Chào ân nhân!”. Lúc đó nhiều người bảo tôi may mắn, nếu ở thế kỷ trước, hay chỉ mươi năm trước tôi sẽ lâm nguy như nhiều nhà văn nhà thơ tiền bối. Nhưng tôi nghĩ nhà văn Doãn Dũng còn may hơn, nhiều người có đủ tư cách, uy tín, chuyên môn đã lên tiếng minh oan cho truyện ngắn Bóng anh hùng.

Như Bàn tròn văn học này của NVTPHCM, lần đầu tiên dám đề cập đến, là rất cần thiết. Đó là xu thế tất yếu, như một con người, một nền văn học, một dân tộc có lận đận rồi cũng sẽ trưởng thành, dù nhanh hay chậm. Còn những ai không chịu trưởng thành, cứ neo mình lại một bến bờ…

Một hiện thưc không thể chối cãi, là ngày nay những tác phẩm hay dù bị “đánh đập” vẫn sống, còn được tôn vinh bằng những giải thưởng lớn, còn nhiều tác phẩm từng được ngợi ca một thời nay không ai tìm đọc, tìm học, tìm để nghiên cứu…

Nhà văn Doãn Dũng nên ám ơn những ai “đánh” mình!

Tất nhiên người cầm bút cũng phải biết lắng nghe dư luận, có người viết những truyện ngắn, truyện dài dâm ô, suy đồi, chẳng có mấy chút văn chương, còn in đi in lại… Nhiều bạn đọc bình thường cũng nhận ra, sao chẳng thấy “nhà” nào lên tiếng?

Nhà văn Phan Trang Hy (Đà Nẵng):

Tác phẩm văn học là thành quả của nhà văn. Thế nhưng, thành quả đó có lúc bị kẻ khác quy chụp tư tưởng. Hầu như ai cũng thừa nhận quy chụp tư tưởng đối với một tác phẩm là hành động của kẻ cả, là thái độ của anh chồng ghen bóng ghen gió, là tính đa nghi của Tào Tháo trong việc hành xử phụ người.

Việc quy chụp tư tưởng đối với một tác phẩm văn học giống như con ếch, khi ra khỏi giếng, vẫn nghênh ngang, nhâng nháo coi trời bằng vung; chẳng khác chi Dế Mèn huyênh hoang, tự phụ coi trên đời chẳng có ai. Rõ ràng việc quy chụp như vậy không thể không ảnh hưởng đến tác giả và tình hình sáng tác.

Đối với tác giả, có thể có kẻ nản chí, an phận. Nhưng cũng có người coi đó là sự thử thách bút lực của mình. Còn tình hình sáng tác, sáng tạo nghệ thuật bị xáo trộn: có thể có những tác phẩm được sản xuất đại trà, công thức như những gói mì tôm, những tờ quảng cáo rơi vãi. Hoặc, có thể tình hình “im ắng”? Hoặc cáo chung!

Để ứng phó với quy chụp tư tưởng văn học, theo tôi nghĩ các nhà văn phải thích nghi để phòng, chống như người dân Việt phải thích nghi và phòng, chống bão dữ vì từ bao đời nay sự chụp mũ là điều khó tránh. Cái nghiệp sáng tạo văn chương là vậy! Do thế, cần phải viết sao cho hay hơn, viết bằng cái tâm của người cầm bút.

Bên cạnh đó, nhà văn lên tiếng, yêu cầu người có trách nhiệm phải vào cuộc, phải vì nền văn học nước nhà sao cho phong phú, đa dạng. Các nhà văn, vào Hội hoặc không, chuyên nghiệp hoặc không chuyên, trẻ hoặc già, cần tôn trọng sự sáng tạo của nhau, đoàn kết cùng nhau để tạo nên sức mạnh của nền văn học Việt, đó chính là động lực giúp các nhà văn vượt qua thế lực trù dập, chụp mũ ẩn núp đâu đó.

Còn đối với những người có trách nhiệm, theo tôi, có thể đó là nhà xuất bản, là các tổ chức, là biên tập, là nhà phê bình, là bạn đọc… cần tỉnh táo, sáng suốt, cần có con mắt văn chương khi đánh giá tác phẩm văn học. Đừng lấy sự tâng bốc, lời nịnh nọt, chuyện dối trá, mê hoặc lòng người để thẩm định tác phẩm.

Đừng vì nhân vật, chi tiết, sự kiện, tình tiết trong tác phẩm văn học có vấn đề nào đó mà ta không ưa, không thích để rồi "chụp mũ" tác giả. Phải thấy tác phẩm văn học mang cái tôi của nhà văn. Cái hay của tác phẩm, chính có cái tôi đó. Do vậy, không thể có cái tôi chung chung, cái tôi của những robot được sản xuất hàng loạt xuất hiện trong từng tác phẩm cụ thể, trong từng nhà văn, trong từng những người có trách nhiệm.

Cả nhà văn lẫn những người có trách nhiệm phải đủ tầm, đủ lực, phải lên tiếng, phải tranh luận nhằm ứng phó trước những cơn gió dữ đang muốn cuốn phăng những đứa con, những ngôi nhà văn học. Chính mỗi nhà văn và những người có trách nhiệm phải tạo sự an toàn cho chính chúng mình trước những cơn bão dữ.

Nhà văn Nguyễn Thu Trân (TP.HCM):

Nhà văn bị qui chụp qua tác phẩm ư? Chuyện này không lạ ở Việt Nam mình. Có ảnh hưởng gì khi bị qui chụp không? Tôi nghĩ là có. Về mặt tư tưởng, những người yếu tim sẽ… thấy tim mình đập nhanh hơn. Với nhà văn bản lĩnh, dám viết dám chịu trách nhiệm trước tác phẩm của mình thì không có gì phải lao đao cả. Văn chương là câu chuyện của người xa lạ quen thuộc, ai cũng thấy dường như có bóng hình mình (tư tưởng mình) trong đó. Ông bà ta có câu “Người sao chiêm bao vậy”, cá nhân tự bất ổn với chính mình thì sẽ thẩm thấu tác phẩm trên một tinh thần bất ổn.

Ở một khía cạnh khác, sau vụ Bóng anh hùng của các bác tuyên giáo hưu trí Phú Yên, tôi bỗng thấy ghen tỵ với anh Doãn Dũng quá đi thôi. Sướng thật, tự dưng lại được PR miễn phí! Các cô showbiz đôi khi muốn được nổi tiếng còn phải gồng mình lên mà… “không mặc gì” trên các trang mạng nữa là!

Thêm một khía cạnh của khía cạnh khác, tôi thấy “câu chuyện Bóng anh hùng” của hàng “nguyên khí quốc gia” cả nước dường như cũng chưa đủ “đô” để tỉnh uỷ Phú Yên bớt chiều chuộng các bác tuyên giáo về hưu hay sao ấy… Tôi cũng không hiểu vì sao ông Đào Tấn Lộc- Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên, lại cho rằng truyện ngắn này đăng trên báo Đảng của Phú Yên thì không có lợi về mặt tư tưởng, còn đăng trên báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) và Đại biểu nhân dân (diễn đàn của Quốc hội) thì không có vấn đề gì (Tuổi Trẻ - 3.2013). Chẳng lẽ hai tờ báo này không thuộc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hay sao?

Tôi có cảm giác hầu hết những “vụ án” qui chụp các tác phẩm văn chương xưa nay đều xuất phát từ động cơ cá nhân, nhằm “đánh” một ai đấy vì mục đích không trong sáng chứ không phải vì sự phát triển của nền văn học nước nhà. Đó cũng là điều mà những người có trách nhiệm về lĩnh vực văn hóa tư tưởng cần phải cảnh giác!

Nhà văn Trần Huy Thuận (Nam Định):

Theo tôi, trước khi muốn “quy chụp”, cần đánh giá được tác phẩm đó. Đánh giá từ hình thức đến nội dung, trong đó nội dung phải được nhìn bằng con mắt chuyên nghiệp, khách quan, thực sự cầu thị, không định kiến và không vội vã quy chụp. Bởi từ quy chụp nội dung sai trái rất dễ dẫn đến quy chụp tư tưởng tác giả và tác phẩm. Tác hại trước hết và trực tiếp là tác giả, nhưng không phải là không tác hại đến phong trào sáng tác chung. Bài học “cây táo ông Lành” còn là một điển hình chưa mấy ai quên.

Để vấn đề được giải quyết công bằng, trước tiên Hội chuyên ngành phải tổ chức toạ đàm hay hội thảo, mời những người có chuyên môn (các nhà văn, các nhà phê bình chuyên nghiệp) đến tham gia góp ý. Trước khi góp ý, đương nhiên là mọi người cần đọc kỹ và nên nghe tác giả giải trình ý đồ sáng tác cũng như nội dung muốn truyền đạt... Kết quả hội thảo này sẽ là căn cứ để các nhà quản lý, các nhà chính trị tham khảo.

Nhà phê bình Đoàn Lê Giang (TP.HCM):

Đọc truyện Bóng anh hùng của nhà văn Doãn Dũng, người ta có thể cảm nhận được ngay đây là một câu chuyện nói về người mẹ anh hùng - anh hùng nhưng bình dị như rất nhiều bà mẹ Việt Nam khác. Bà đã nén nỗi đau riêng để hiến dâng đứa con dứt ruột đẻ ra của mình cho Tổ quốc.

Bà tỏ ra cứng rắn trong việc dạy con: không mua bô cho con lúc nhỏ mà tập cho nó đi một mình đến nhà vệ sinh, trong ngày đưa quân bà gọi con là đồng chí, con đào ngũ bà chở con về ngay đơn vị bất kể đang mùng 1 Tết...

Bà thương con một cách kín đáo: bà đã không dám tiễn con lên đường mà tìm cách tránh đi, bà đã lặng lẽ rơi nước mắt khi chở con về đơn vị, bà đã đưa con về nhà một cách vô thức, nhưng khi tỉnh ra bà vẫn đưa con lên đơn vị... Sau khi con chết bà không cần phải đóng kịch là một bà mẹ cứng rắn nữa, bà đã đau đớn đi tìm xác con và ôm lấy khúc xương con vào lòng như ôm hình hài đứa con thơ bé, bà đã mua bô cho con mà chôn dưới mồ, và hình như bà đã tự tử chết theo chồng con...

Người con trai không thật cứng rắn, dũng cảm, nhưng anh đã sống và chết xứng đáng với mẹ mình. Đây là một câu chuyện hay và lạ về lỏng yêu nước, sự hy sinh của những con người bình thường đã tận hiến mình cho dân tộc.

Hầu hết người đọc đều cảm nhận được như thế. Theo thống kê của báo Tuổi Trẻ thì có 193 bình luận gửi về báo thì đến gần 190 ý kiến hiểu đúng nội dung chủ đề câu chuyện như nói trên. Thế tại sao một số người, trong đó có người vốn làm quản lý văn hoá tư tưởng ở Phú Yên lại không cảm nhận như thế? Tôi không biết rõ sự thực thế nào, nhưng theo lý, tôi giả định có thể vì những nguyên nhân sau:

1. Họ không có trình độ thông thường để hiểu đúng được một truyện như thế.

2. Họ không có hiểu biết về văn học để đọc hiểu sâu một truyện ngắn như thế.

3. Họ cố ý không hiểu đúng tác phẩm mà bẻ cong nó để phục vụ những tính toán riêng.

Để giải quyết vấn đề này cần:

1. Đổi mới cách lãnh đạo văn nghệ. Nhà văn cần phải được tôn trọng, ai muốn phê phán nhà văn cần phải có một trình độ văn hoá và khả năng phê bình văn học nhất định.

2. Các cơ quan tuyên giáo, quản lý văn hoá cần phải tuyển những người có trình độ nhất định về văn hoá và văn học nghệ thuật, chứ không chỉ dựa vào bằng này cấp kia mà tuyển dụng.

3. Người lãnh đạo không dùng, không nghe những kẻ nịnh nọt, bẻ cong chữ nghĩa để tâng công hay “diệt” người này người kia.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem