"Mỏ vàng" còn bỏ ngỏ
Liên quan đến việc tìm hướng đi cho du lịch nông nghiệp, tại hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều 30.3.2018, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tao ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm của du lịch nông nghiệp bao gồm trang trại, đồng ruộng, làng nghề, sản vật tự nhiên, ẩm thực truyền thống,v.v…
Từ trái qua: Ông Lưu Quang Định – TBT Báo NTNN – đơn vị đồng tổ chức hội thảo cùng với ông Trần Văn Tuấn – Tổng cục trưởng và ông Ngô Hoài Chung – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, điều hành hội thảo chiều (30.3.2018).. Ảnh: Lê Hiếu
Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch đánh giá, thực tại với điều kiện địa lý, truyền thống, văn hóa xuất phát từ nền văn minh lúa nước Việt Nam có tiềm năng xây dựng những sản phẩn nông nghiệp thành sản phẩm lu lịch có dư địa vô cùng to lớn.
Nếu chúng ta phát triển du lịch nông nghiệp sẽ góp phần rất quan trọng trong việc gia tăng giá trị của nông sản Việt Nam, sản phẩm của nông nghiệp sẽ được nâng cao hơn, tránh được tình trạng “được mùa mất giá”, góp phần chuyển dịch cơ cấu, giải quyết việc làm nâng cao thu nhật, giải quyết được đầu ra cho sản phẩm và giải quyết được tình trạng “di nông bất di hương” trong chủ trương xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông nghiệp sẽ làm du lịch phát triển phong phú về sản phẩm, phát triển du lịch bền vững, hướng đến cộng đồng, góp phần bảo tồn văn hóa Việt.
“Ngành nông nghiệp có rất nhiều sản phẩm, sản vật độc đáo để phát triển du lịch, nếu các DN biết cách tận dụng, đây sẽ là một tiềm năng lớn, cho hiệu quả kinh tế cao” – ông Chung cho hay.
“Nước ta là một nước nông nghiệp với tiềm năng rất lớn về làm du lịch với những vườn cây ăn trái, trang trại, cánh đồng lúa…, có những điểm đến rất đẹp khiến khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài mê thích. Nhưng Việt Nam còn chưa khai thác hiệu quả được các tiềm năng này. Nếu chúng ta phát triển du lịch nông nghiệp mạnh sẽ đem lại lợi ích cho cả du lịch lẫn nông nghiệp. Du lịch sẽ có thêm điểm đến mới hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Còn người nông dân bên cạnh thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi thì có thể được thêm những nguồn thu, giá trị gia tăng rất lớn từ du lịch” – Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt. |
Dù khẳng định du lịch nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển song theo thừa nhận của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, việc xây dựng sản phẩm, khai thác nông nghiệp của Việt Nam chúng ta mới chỉ ở giai đoạn bước đầu, giá trị của du lịch nông nghiệp còn nhỏ bé, quy mô đơn lẻ, sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Quá trình phát triển mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như kỳ vọng.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, hiện làng nghề truyền thống đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện hoạt động du lịch làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu kế hoạch động bộ, dài hơi. Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể liên quan trong xây dựng, quy hoạch làng nghề còn rời rạc, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Một số địa phương có quy hoạch làng nghề với du lịch nhưng quy hoạch thiếu thực tiễn rời rạc. Việc quản lý làng nghề còn chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể.
Về phía doanh nghiệp, đại diên của Vidotour Hà Nội cho rằng, việc khai thác các hoạt động nông nghiệp, dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp như là một sản phẩm du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, sản phẩm du lịch nông nghiệp được đầu tư còn manh mún, dàn trải; việc quảng bá, xây dựng thương hiệu còn chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm còn đơn điệu, tính sáng tạo chưa cao.
Đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, tiềm năng du lịch nông nghiệp ở nước ta là rất lớn với hơn 70% dân cư đang sinh sống ở nông thôn và kinh doanh nông nghiệp, nhà vườn. Tuy nhiên hiện chúng ta vẫn chưa tận dụng đúng tiềm năng ẩm thực và thế mạnh về nông nghiệp để khai thác du lịch nông nghiệp.
Còn đại diện Công ty Du lịch ngôi sao Ninh Bình thì cho rằng, Tuy nhiên, nguồn nhân lực chính trong phát triển du lịch chủ yếu dựa vào sự tham gia của người dân địa phương. Song hiện rào cản lớn nhất là sự hạn chế về trình độ ngoại ngữ của người dân khiến cho chất lượng phục vụ du khách không được đảm bảo. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn đang là vấn đề lớn gây cản trở việc phát triển du lịch nông nghiệp.
Cần chính sách, chiến lược dài hơi
Để phát triển du lịch làng nghề, theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, việc đầu tiên cần làm là tổ chức khảo sát, điều tra toàn diện thực trạng làng nghề để có một cái nhìn bao quát, tổng hợp nhất. Sau đó, cần phải nhận thức rõ ràng rằng khi phát triển du lịch làng nghề trước hết cần phải quan tâm đến giá trị về kinh tế và giá trị về văn hóa của làng nghề, không nên tập trung phát triển về kinh tế mà bỏ quên giá trị văn hóa và ngược lại.
Du khách tham quan và trải nghiệm trồng rau tại làng rau Trà Quế. Ảnh: TCDL
Ngoài ra, phải có ban, ngành riêng chuyên quản lý, chỉ đạo sâu sát, cụ thể và hoạch định những chiến lược lâu dài mang tính hiệu quả, thực tiễn cao. Các cơ quan liên quan cần tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của làng nghề như bảo tồn tục thờ cúng tổ nghề, các lễ hội gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tinh thần của làng nghề, thị trường, mẫu mã, vốn, trình độ quản lý, ô nhiễm môi trường. Các cơ quan nhà nước cần xem xét, đánh giá thật chuẩn xác làng nghề nào nên đưa vào tuyến du lịch, không nên áp dụng tràn lan dễ gây loãng, nhạt tuyến du lịch.
Đại diện Doanh nghiệp Vidotour Hà Nội kiến nghị, Tổng cục Du lịch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước để hỗ trợ quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng và hỗ trợ bà con nông dân trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các DN du lịch về du lịch nông nghiêp và đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân. Bên cạnh đó, cần học hỏi mô hình du lịch nông nghiệp đã thành công ở các nước trên thế giới và ở các tỉnh, TP trong nước.
“Ngoài ra, các chuyên gia du lịch và DN lữ hành cũng nên chăm chút đến việc xây dựng kịch bản, đạo diễn để “thổi hồn" vào các công đoạn tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp để tạo sức hút với du khách” - đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist nêu.
Các em nhỏ thích thú khi được thử làm nông dân chính hiệu khi tự trồng, thu hoạch rau rừng, thảo dược, xay lúa, giã gạo, tát nước, úp nơm bắt cá và nướng cá bằng rơm...Ảnh: Quỳnh Trang
Đại diện Công ty Du lịch Vietravel nhấn mạnh: “Để phát huy các giá trị ẩm thực Việt Nam và đưa ẩm thực trở thành thế mạnh, làm động lực phát triển du lịch trong thời đại hiện nay đặc biệt là du lịch nông nghiệp, việc cần quan tâm là phải kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam song hành với ẩm thực Việt. Về lâu dài tính toán xây dựng ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam và phải quy hoạch các điểm ẩm thực, khu chợ đêm ẩm thực một cách có tổ chức cũng như Tuyên truyền và khuyến khích cộng đồng gìn giữ và phát huy giá trị của các món ăn tại Việt Nam”.
Còn đại diện Công ty Du lịch ngôi sao Ninh Bình thì nêu quan điểm "Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, tạo ra cơ chế thông thoáng và thuận lợi cho các chủ thể tham gia mô hình du lịch nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tại các địa phương đang phát triển du lịch về tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp trong việc xóa đói giảm nghèo.
Chiều 30.3.2018, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường”.
Nằm trong chuỗi sự kiện của Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam lần thứ 6 - VITM 2018, hội thảo nhằm thảo luận, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ở nước ta hiện nay, đồng thời bàn về giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp; tạo diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và truyền thông để hoạt động du lịch nông nghiệp có sự phát triển đột phá, hiệu quả.
Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, thời gian tới để phát triển du lịch nông nghiệp cần phải quan tâm đến 6 giải pháp: Thứ nhất là quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo hối hợp hai bên cùng phát triển; Thứ hai cần phải tuyên truyền quảng bá, nhân rộng thêm nhiều hơn nữa các mô hình, cách làm các sản phẩm nông nghiệp là những bước đi ban đầu rất hay và táo bạo do đó trên địa bàn cả nước; Thứ ba, do nhận thức và nguồn lực đấu tư cho du lịch nông nghiệp trong thời gian vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng nên cần có sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng nhà nước và địa phương có những chính sách khuyến khích, các doanh nghiệp nhập cuộc; Thứ tư, xây dựng quan tâm đến thương hiệu đặc biệt gắn với chất lượng dịch vụ và giữ gìn bản sát văn hóa một cách bền vững; Thứ năm, cần có những chính sách đặc thù ưu tiên của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương để khuyến khích du lịch nông nghiệp phát triển; Thứ sáu, tăng cường liên kết các trách nhiệm giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp và các nhà quản lý.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.