Vụ trưởng Vụ Lữ hành “hiến kế” giúp du lịch nông nghiệp “cất cánh”

Thành An - Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 30/03/2018 15:57 PM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), để hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển hiệu quả, cần chú ý tới 6 yếu tố: không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp, chủ thể tổ chức cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp, các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách, vai trò của các công ty lữ hành, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến. 
Bình luận 0

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tiền đề để phát triển du lịch

Chia sẻ tại Hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường”, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn, cùng với truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với nền sản xuất sinh thái nông nghiệp văn minh lúa nước, do đó việc khai thác các loại hình du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tính chất bao chùm và chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng thể hoạt động của ngành du lịch. 

img

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Hiếu

Ông Phương đánh giá: “Du lịch và nông nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết, những hoạt động của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tiền đề để phát triển du lịch, đồng thời du lịch phát triển sẽ góp phần phát triển ổn định khu vực nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. 

Du lịch và nông nghiệp là hai ngành mũi nhọn được Đảng và Nhà nước xác định ưu tiên phát triển trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong giai đoạn tới, chính sách xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp chất lượng cao của ngành nông nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Việc đẩy mạnh khai thác các giá trị của ngành nông nghiệp để tạo thành sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh là hướng đi tất yếu”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quý Phương, ở một số nước trong khu vực với trình độ phát triển cao của khoa học công nghệ và ngành nông nghiệp, hoạt động du lịch nông nghiệp đã rất phát triển với nhiều mô hình thành công. 

img

Khách mời lắng nghe các đại biểu chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Hiếu

Còn ở Việt Nam, phần lớn hoạt động nông nghiệp có quy mô nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, nông sản có giá trị thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa... đã tác động rất lớn đến sự phát triển và khả năng cạnh tranh của du lịch nông nghiệp nước ta cũng như đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng tiêu dùng du lịch. 

“Để phát triển du lịch nông nghiệp trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có những định hướng và bước đi mới, trong đó cần có sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan trong mô hình phát triển: bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại... để tạo ra được sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, tính chuyên nghiệp caotrên cơ sở khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền và sự sáng tạo của công nghệ hiện đại”, ông Phương nhận định.

6 yếu tố giúp du lịch nông nghiệp “cất cánh”

Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều khái niệm về du lịch nông nghiệp, nhưng luôn bao gồm bốn nội dung chính: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến thăm quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; mục đích tăng thu nhập cho người nông dân; đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Điểm đặc biệt của du lịch nông nghiệp chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn. Việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống.

Để hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển hiệu quả, theo ông Nguyễn Quý Phương cần chú ý tới 6 yếu tố. 

Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp: là những đơn vị không gian cụ thể thuộc về các tổ chức lãnh thổ nông nghiệp như trang trại, đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng, ao nuôi; các làng nghề truyền thống (gốm sứ mỹ nghệ, tranh dân gian, đồ gỗ, mây tre đan, dệt tơ tằm); làng quê với những giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc, các lễ hội truyền thống và nền ẩm thực đặc trưng; diện tích đất nông nghiệp đủ lớn với lịch sử lâu đời, gắn với các yếu tố môi trường khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng; khu vực khai thác hoạt động du lịch cần phải đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, hệ thống đường giao thông, điện, cấp, thoát nước …

img

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương cho biết: Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.Ảnh: Lê Hiếu

Chủ thể tổ chức cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp: cá nhân, tổ chức có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, gồm chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp nông nghiệp… Đây chính là người dân địa phương gắn với môi trường văn hóa, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác và sản phẩm làm ra. Người dân địa phương sẽ là chủ thể gìn giữ và chia sẻ các giá trị văn hóa nông nghiệp với du khách. 

Các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách: Bao gồm rất nhiều hoạt động khác nhau như hoạt động giải trí ngoài trời (câu cá, săn bắt, tìm hiểu cuộc sống hoang dã, cấy lúa); trải nghiệm học tập (thăm quan nhà máy, xưởng sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương, lớp học nấu ăn, nghiên cứu cấy ghép, sản xuất cây trồng, vật nuôi...); hoạt động thư giãn (lễ hội, các màn trình diễn truyền thống); trải nghiệm cuộc sống người bản địa (homestay, các chương trình được hướng dẫn bởi người dân bản địa, mặc trang phục truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương; mua sản phẩm được sản xuất trực tiếptại điểm du lịch…).

Vai trò của các công ty lữ hành: Là cầu nối đưa khách du lịch đến với không gian tổ chức hoạt động nông nghiệp, định hướng thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách.

Chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp: Trong đó, lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường phải đảm bảo hài hòa giữa người dân bản địa, công ty du lịch và các bên liên quan. Hoạt động du lịch đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ (homestay, hướng dẫn, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại địa phương phục vụ tiêu thụ tại chỗ).

Hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến: việc xây dựng thương hiệu cho địa danh, sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh sản xuất sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem