"Dư luận râm ran về 'chợ đen' mua chức hay nhộn nhịp mùa Đại hội"

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 05/11/2019 13:49 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ đã làm sai lệch các chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Bình luận 0

img

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng nay (5/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 (đã thảo luận cả ngày 4/11).

Phải đẩy lùi tệ chạy chức

Trong phần phát biểu góp ý, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh dành thời gian nói về vấn đề chống tham nhũng, đặc biệt là chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Vị ĐBQH này cho biết: Ngày 23/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký Quy định số 205 quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta làm trong sạch đội ngũ cán bộ đẩy lùi tệ chạy chức, chạy quyền mà bản chất là tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ.

“Lĩnh vực này lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng, song vẫn nhiều người coi là vùng cấm bởi chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ. Chợ đen của việc mua quan, bán chức nhưng không dễ trả lời được ai mua và ai bán. Chỉ biết dư luận râm ran "chợ đen" này thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử và vào mùa đại hội”, ĐB Sinh nói.

Theo ông, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải làm liên tục và không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống, trong đó không chỉ là quyết tâm chính trị mà cần phải được thể chế bằng các quy định của pháp luật.

Ông kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo, tài sản liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có.

“Xây dựng quy trình quy định về thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ, các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền, thực hiện dân chủ, công khai quy định quy trình về công tác cán bộ, công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm bầu cử cán bộ, công chức không chỉ trong các tổ chức đảng, cơ quan mà cần rộng rãi để nhân dân tham gia đánh giá và giám sát”, ĐB Sinh góp ý.

img

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu. (Ảnh: quochoi.vn)

Chống tham nhũng vẫn còn vùng cấm

Cũng góp ý về phòng, chống tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chỉ ra trong hơn 1 triệu người kê khai tài sản chỉ xác minh, phát hiện được 10 trường hợp vi phạm, nghĩa là tăng có 2 người so với năm 2018. Điều này chứng minh tính trung thực của việc kê khai tài sản là một dấu hỏi lớn với cử tri.

“Ngay bản thân tôi với tư cách là thành viên của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng được tham gia thẩm định việc phê chuẩn, bổ nhiệm đại sứ, do đó tôi được đọc các kê khai tài sản của các vị trí đại sứ tương lai tôi thấy rất nhiều vị trí ở mục tài khoản trong ngân hàng có trên 50 triệu đều ghi là không có. Chính vì vậy, theo tôi giai đoạn tới chúng ta cần rà soát, siết chặt kỷ cương, nghiêm túc trong việc kê khai tài sản cá nhân, công bố các nguồn thu và đặc biệt cần công khai thuế thu nhập cá nhân ở các vị trí quản lý lãnh đạo”, ĐB Hiếu đề xuất.

Theo ĐBQH-Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam, trong phòng, chống tham nhũng, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo rất quyết liệt nên đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn, đây là điều đáng mừng nhưng chưa triệt để vẫn còn vùng cấm, "giơ cao đánh khẽ”.

Ông đề nghị, Nhà nước, cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước. Những trường hợp nào xử lý nội bộ cũng phải công khai, thông báo họ tham nhũng những gì, có bao nhiêu tiền để người dân biết...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem