Dư nợ vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân Việt Nam đạt 98.115 tỷ đồng
Dư nợ vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân Việt Nam đạt 98.115 tỷ đồng
Thu Hà
Thứ năm, ngày 25/01/2024 18:21 PM (GMT+7)
Chiều ngày 25/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị giao ban hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị – xã hội năm 2023. Theo báo cáo, Dư nợ vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân Việt Nam đạt 98.115 tỷ đồng...
Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia nhận ủy thác vốn vay tín dụng chính sách của Chính phủ gồm: Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Uỷ thác vốn tín dụng chính sách Ngân hàng Chính sách xã hội hiệu quả
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Năm 2023, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị xã hội đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH để triển khai thực hiện tốt hoạt động uỷ thác, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến 31/12/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 346.278 tỷ đồng, tăng 49.262 tỷ đồng (+17,1%) so với năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 331.924 tỷ đồng, tăng 48.576 tỷ đồng (+17%) so với năm 2022 với trên 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.
Trong đó, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội đạt 330.129 tỷ đồng, chiếm 99,46% tổng dư nợ, tăng 48.505 tỷ đồng so với năm 2022; với 168.385 Tổ TK&VV và hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 499 tỷ đồng, chiếm 0,15% tổng dư nợ uỷ thác, tăng 29 tỷ đồng so với năm 2022; nợ khoanh 1.322 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ, giảm 28 tỷ đồng so với năm 2022;
Cụ thể: Dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt 125.814 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng dư nợ ủy thác, tăng 17.822 tỷ đồng so với cuối năm 2022; nợ quá hạn chiếm 0,12%, nợ khoanh chiếm 0,29% tổng dư nợ nhận ủy thác của Hội. Hội Phụ nữ đang quản lý 61.944 Tổ TK&VV với gần 2,6 triệu khách hàng; 99,97% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 6.663 tỷ đồng.
Hội Nông dân là tổ chức chính trị - xã hội có dư nợ uỷ thác vốn tín dụng chính sách lớn thứ 2 trong 4 tổ chức nhận uỷ thác. Dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đạt 98.115 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng dư nợ ủy thác, tăng 13.451 tỷ đồng so với cuối năm 2022; nợ quá hạn chiếm 0,15%, nợ khoanh chiếm 0,42% tổng dư nợ nhận ủy thác. Hội Nông dân đang quản lý 51.079 Tổ TK&VV với hơn 2 triệu khách hàng; 99,97% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 4.741 tỷ đồng.
Dư nợ ủy thác qua Hội Cựu Chiến binh đạt 57.348 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng dư nợ ủy thác, tăng 9.286 tỷ đồng so với cuối năm 2022; nợ quá hạn chiếm 0,17%, nợ khoanh chiếm 0,47% tổng dư nợ nhận ủy thác. Hội Cựu Chiến binh quản lý 30.238 Tổ TK&VV với gần1,2 triệu khách hàng; 99,98% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 2.769 tỷ đồng.
Dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt 48.852 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng dư nợ ủy thác, tăng 7.946 tỷ đồng so với cuối năm 2022; nợ quá hạn chiếm 0,2%, nợ khoanh chiếm 0,56% tổng dư nợ nhận ủy thác. Đoàn Thanh niên quản lý 25.124 Tổ TK&VV với trên 1 triệu khách hàng; 99,97% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 2.292 tỷ đồng.
Cùng với thực tốt hoạt động uỷ thác vốn vay, trong năm 2023, Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện rà soát, củng cố hoạt động của các Tổ TK&VV. Đến 31/12/2023, toàn quốc có 168.385 Tổ TK&VV, giảm 191 Tổ so với năm 2022. Chất lượng hoạt động của các Tổ tiếp tục ổn định, với kết quả xếp loại: 156.694 Tổ tốt (đạt 93,1%), 8.155 Tổ khá (đạt 4,8%). Tỷ lệ Tổ xếp loại tốt và khá chiếm 97,9% (đạt 102% so với định hướng năm 2023).
"Để đạt được kết quả này, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp: cho vay mới và cho vay bổ sung để giúp người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, ổn định sản xuất và cuộc sống; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV tại cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan" - ông Đặng Đức Thắng – Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo Ngân hàng CSXH khẳng định.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động uỷ thác
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức chính trị – xã hội đã sôi nổi thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại hạn chế năm 2023; đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hoạt động uỷ thác trong năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Dư nợ uỷ thác qua Hội Nông dân đạt trên 98.115 tỷ đồng, quản lý 51.079 Tổ TKVV với trên 2 triệu lượt hội viên, nông dân là hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn.
Theo đại diện Hội Nông dân Việt Nam, năm 2023, Hội Nông dân đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác vốn vay.
"Qua công tác kiểm tra cho thấy, các cấp Hội cơ bản thực hiện theo đúng các nội dung đã ký với Ngân hàng CSXH; các hộ vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Tại các điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng, danh sách hộ vay và các quy trình thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH được niêm yết công khai, người vay giao dịch trực tiếp với Ngân hàng CSXH. Đặc biệt, chúng tôi thấy các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện đều làm Trưởng Ban Đại diện Ngân hàng CSXH tại các huyện đã chỉ đạo sát sao và được người dân tin tưởng"- bà Hoa khẳng định.
Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, năm 2024, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến đông đảo hội viên nông dân; chỉ đạo Hội Nông dân các cấp thực hiện tốt nội dung uỷ thác theo văn bản thoả thuận số 11789/VBTT ngày 28/12/2021; tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Đồng thời, chỉ đạo Hội Nông dân các cấp phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp có các giải pháp tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn… Xây dựng kế hoạch và phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp tổ chức đào tạo, tập huấn hoạt động uỷ thác, nhất là các đối tượng cán bộ Hội được kiện toàn sau Đại hội Hội Nông dân các cấp. Đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp người vay sử dụng hiệu quả vốn vay với các hoạt động Hội và phong trào nông dân địa phương.
Đại diện Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Ngân hàng CSXH trong năm 2024 tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động uỷ thác. Đồng thời, tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất vốn vay giải quyết việc làm.
Đại diện Đoàn Thanh niên khẳng định: Vốn tín dụng chính sách là "đôi cánh" giúp hội viên Đoàn Thanh niên phát triển kinh tế mạnh mẽ. Trong năm 2023, Đoàn phối hợp thực hiện 1.500 cuộc tuyên truyền lồng ghép với 100.000 lượt người tham dự, viết và phát hành 550 tin, bài về hoạt động ủy thác với NHCSXH, các gương điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đại diện Hội Cựu Chiến binh cho biết, trong năm 2023, Trung ương Hội Cựu Chiến binh đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác vốn vay. Trong năm 2023, Hội Cựu Chiến binh đã tổ chức tập huấn lồng ghép công tác giảm nghèo và vay vốn tín dụng chính sách tại 8 tỉnh với tổng số người được tập huấn là 1.600 người. Phối hợp với Ngân hàng CSXH các cấp tổ chức 2.212 lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn cho 62.657 cán bộ Hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và hội viên.
Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách năm 2024, đại diện Hội Cựu Chiến binh đề nghị, quá trình kiểm tra, giám sát cần kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị – xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức sử dụng tín dụng chính sách hiệu quả.
Phó Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh: Với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nguồn vốn tín dụng chính sách là giải pháp hiệu quả để Hội Phụ nữ các cấp hỗ trợ chị em nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, tham gia vào các mô hình sinh kế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.
Để phát huy những kết quả đạt được, đề nghị Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng đề nghị các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục phối hợp Ngân hàng CSXH tham mưu Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030.
Đồng thời, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác trên địa bàn với định hướng khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đều tham gia hoạt động ủy thác nhằm phát huy tiềm năng, tạo động lực thi đua giữa các đơn vị. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác theo Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của tổ chức chính trị – xã hội cấp dưới.
Tiếp tục triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ủy thác các cấp và Ban quản lý Tổ TK&VV. Trong đó, quan tâm đối tượng cán bộ mới nhận nhiệm vụ và nội dung kiểm tra, giám sát, chấm điểm đánh giá hoạt động ủy thác, hướng dẫn sắp xếp hồ sơ hoạt động ủy thác, hoạt động Tổ TK&VV.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.