Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Bác quy định thời hạn sở hữu chung cư
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu chung cư
Thái Nguyễn
Thứ hai, ngày 27/03/2023 16:42 PM (GMT+7)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành thông báo kết luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sau phiên thảo luận về dự thảo luật tại phiên họp thứ 21 vừa qua. Theo đó, đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, nội dung liên quan vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì xây dựng 2 phương án trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể, cơ quan thường trực của Quốc hội lưu ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng, vì mục đích bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời để phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý tờ trình của Chính phủ cần phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích ưu điểm, hạn chế, hoàn thiện quy định của từng phương án, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận, lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất, khắc phục được bất cập, vướng mắc của Luật Nhà ở hiện hành, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân trong xã hội, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý các nội dung lớn của dự thảo luật gồm quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại… đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…
Để đảm bảo tiến độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, tờ trình và hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, đồng thời gửi Ủy ban Pháp luật chậm nhất là ngày 10/4 để thẩm tra chính thức và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2023 theo quy định.
Trước đó, sau phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Bộ Xây dựng đã phản hồi về ý kiến đề nghị không quy định thời hạn sở hữu chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó họ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới, khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn. Dự thảo mới sẽ tháo gỡ được nút thắt cải tạo chung cư cũ tồn tại suốt nhiều năm qua.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, dự thảo cũng đã có những quy định cụ thể như người dân vẫn tiếp tục có quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư. Sau khi hết thời gian sở hữu, những ai không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, được mua nhà ở xã hội... Tuy nhiên, trước ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.