Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác "made in Vietnam" cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa.
Theo dự thảo Thông tư, sản phẩm được coi là "made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản...
Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... thì được coi là hàng hoá của Việt Nam.
Cụ thể, tại điều 4 chương II Dự thảo thông tư về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam quy định rõ các trường hợp được phép và cách thể hiện là hàng hóa của Việt Nam.
Tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, tổ chức, cá nhân có thể sử dụng một trong các cụm từ trên nhãn hàng hóa: “sản phẩm của Việt Nam” hoặc “sản phẩm Việt Nam”; “Hàng hóa của Việt Nam” hoặc “hàng hóa Việt Nam” hoặc “hàng Việt Nam”; “Sản xuất tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam sản xuất”…
Theo đó, cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo 2 công thức gián tiếp hoặc trực tiếp. Ở cách trực tiếp, nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng "made in Vietnam". Còn cách gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.
Để xác định rõ hơn điều này, Bộ Công Thương đưa ra các ví dụ cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30%. Tuy nhiên để được xem là hàng "made in Vietnam", ngoài đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa là 30%, thì hàng hoá này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản.
Tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa có được dán nhãn "made in Vietnam" hay không là "chuyển đổi mã số HS". Tiêu chí này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình đó vượt qua công đoạn gia công đơn giản.
Việc Bộ Công Thương đưa ra hệ thống thuật ngữ miêu tả sản phẩm, hàng hóa một cách chi tiết giống các nền kinh tế lớn trên thế giới được xem là phù hợp trong bối cảnh dư luận đang có các ý kiến khác nhau về việc xác định xuất xứ hàng hóa.
Vụ việc tập đoàn Asanzo "nhập nhằng" về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tốn nhiều giấy mực trong thời gian qua.
Nhận định về Dự thảo "Made in Việt Nam", một chuyên gia cho rằng, theo Dự thảo Thông tư việc hướng dẫn áp dụng các cụm từ trên lên các nhãn hàng vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tại điều 7, 8, 9 chương III, mới nêu các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam gồm có “hàng hóa có xuất xứ thuần túy” và “hàng hóa có xuất xứ không thuần túy”.
Theo điều 8 Dự thảo, “hàng hóa có xuất xứ thuần túy” là các loại hàng hóa được sản xuất, chế tạo, nuôi trồng… hoàn toàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện quốc tế hóa sản xuất hiện nay, rất nhiều hàng hóa được sản xuất, lắp ráp từ các nguyên phụ liệu, linh kiện từ nhiều nước khác nhau.
Do đó, khái niệm tại điều 9 về “hàng hóa có xuất xứ không thuần túy” được xem là nguyên tắc chung và cơ bản để xác định xuất xứ của hàng hóa dựa vào sự biến đổi đặc tính và giá trị gia tăng của hàng hóa. Các sản phẩm có xuất xứ không thuần túy cần đạt mức giá trị gia tăng theo công thức tính do Bộ Công Thương đưa ra về “Hàm lượng giá trị gia tăng” (VAC) mới được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thẩm định tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm rất phức tạp cần nhiều cơ quan chuyên môn thực hiện. Việc xác định tỉ lệ nội địa hóa, xác định nguồn gốc xuất xứ để sử dụng các thuật ngữ miêu tả sản phẩm cho người tiêu dùng là rất cần thiết.
Lấy ví dụ như, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) của Mỹ có nhiệm vụ ngăn chặn gian lận và bất công bằng trên thị trường của. Ngoài cụm từ cố định "Sản xuất tại" (Made in) và "Sản phẩm của" (Product of).
Theo FTC, các nhà sản xuất còn được phép sử dụng các cụm từ như "assembled in…" (lắp ráp tại…), "designed by…” (thiết kế bởi…), "packaged in…" (đóng gói tại…),… khi sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để được gắn "Made in USA" nhưng nó có thể được lắp ráp tại Mỹ, hay trong nguyên liệu có một hoặc một số thành phần xuất xứ từ nước Mỹ.
Các tiêu chí nêu trên rất chặt chẽ và rõ ràng, trọng tâm là yếu tố "tất cả hay hầu như tất cả (all or virtually all) các phần của sản phẩm phải được làm từ Hoa Kỳ", có nghĩa các linh kiện quan trọng tác động đến giá trị của sản phẩm phải được sản xuất trong nước mới được dán nhãn "Made in USA".
Ngoài ra, các cụm từ "assembled in" (lắp ráp tại) cũng có quy định nghiêm ngặt trong cách sử dụng. Ví dụ: một chiếc máy tính được lắp ráp các linh kiện tại Mỹ nhưng đơn giản chỉ là dây chuyền bắt vít cũng không cho dán nhãn "assembled in USA".
Bên cạnh đó, FTC còn hướng dẫn sử dụng phối hợp các thuật ngữ để làm rõ xuất xứ của sản phẩm giúp người tiêu dùng nắm bắt tốt hơn nguồn gốc sản phẩm. Ví dụ điện thoại iPhone của Apple có dòng chữ "Designed by Apple in California. Assembled in China" (Dịch: Do Apple thiết kế tại California và lắp ráp ở Trung Quốc).
Có thể thấy, việc mô tả chi tiết xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm là hết sức cần thiết và cấp bách. Tránh tình trạng các thương hiệu như Asanzo trong thời gian vừa qua được báo chí phản ánh có dấu hiệu “nhập nhằng” về xuất xứ.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, từng nói tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm của tập đoàn đạt 30-40% nên được coi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, chính ông Phạm Văn Tam cũng thừa nhận, 30-40% tỉ lệ nội địa là vỏ nhựa, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công, nhà xưởng...
Vụ việc đình đám khiến các cơ quan hoạch định chính sách cần có quy định cụ thể, chế tài xử lý nghiêm minh với hoạt động xác định nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm, hàng hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.