Đưa cánh đồng mẫu lớn ra Bắc: Khó tìm tiếng nói chung

Minh Huệ Thứ bảy, ngày 15/11/2014 10:49 AM (GMT+7)
Trong quá trình xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở miền Bắc, không ít doanh nghiệp (DN) đã nhiệt tình tham gia vào mối liên kết, tiêu thụ hàng hóa, nhưng cuối cùng họ lại bị chính nông dân “bỏ bom”.  
Bình luận 0

Chỉ thu mua được 50%

Ông Đinh Văn Vọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết, ở ĐBSCL có những cánh đồng rộng vài trăm ha, bình quân mỗi hộ sở hữu 1 – 2ha, nên việc triển khai CĐML thuận lợi và đem lại hiệu quả rất rõ rệt. Nhưng ở miền Bắc, cụ thể là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Ninh Bình, diện tích đất sản xuất ít ỏi, bình quân khoảng 500m2/hộ thì rất khó tạo thành cánh đồng hàng hóa, mà khi chưa có hàng hóa thì cũng đồng nghĩa với việc không kêu gọi được doanh nghiệp (DN) tham gia. Thậm chí, khi mời gọi được DN tham gia vào mối liên kết thì không phải hộ nào cũng làm đúng thỏa thuận.

img Triển khai CĐML ở miền Bắc không dễ bởi có quá nhiều hộ cùng tham gia, mỗi nhà một ý.         Thanh Xuân 

 

Công ty CP Giống cây trồng T.Ư là một trong những DN lớn rất hăng hái tham gia vào CĐML ở miền Bắc ngay từ thời gian đầu, song đơn vị này cũng không tránh khỏi chuyện bị “bỏ bom”. Bà Trần Kim Liên – Tổng Giám đốc Công ty cho biết, so với miền Nam, sự khác biệt lớn nhất khi triển khai CĐML ở miền Bắc là nông dân chưa có thói quen sản xuất hàng hóa. Do đất ít nên bao đời nay bà con trồng lúa chủ yếu để lấy thóc ăn, dư ra một ít mới bán cho hàng xáo. Mặt khác, có quá nhiều hộ sở hữu đất trong một cánh đồng, nhu cầu mỗi người mỗi khác nên khó tìm được sự thống nhất.

“Vụ mùa năm 2014, chúng tôi liên kết với nông dân một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa thực hiện CĐML sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm trên diện tích hơn 8.000ha, nhưng chưa lúc nào chúng tôi yên tâm vì tính cam kết của các hộ tham gia mô hình không cao. Ví dụ tại Thanh Hóa, mặc dù công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 8.500 đồng/kg (giá thị trường hiện là 6.500 đồng/kg) nhưng chúng tôi vẫn không chắc họ có bán lúa cho mình hay không. Hay như ở Vĩnh Phúc, quá trình thực hiện rất thuận lợi, chúng tôi rất tin tưởng, nhưng cuối cùng chỉ mua được 50% sản lượng lúa theo kế hoạch....” – bà Liên nói.

Một DN khác cũng rất nhiệt tình tham gia vào CĐML ở miền Bắc là Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Bà Phạm Thị Duyên – kỹ sư công ty, đồng thời là cán bộ trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết, năm 2014, công ty phối hợp với xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) thực hiện CĐML sản xuất lúa giống trên 50ha với 267 hộ tham gia. “Ban đầu, các hộ đều cam kết tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, nhưng khi thực hiện, một số hộ lại không làm đúng quy trình, khi có sâu bệnh không bố trí được lao động đi phun thuốc nên chúng tôi phải đi phun giúp bà con. Đặc biệt là lúc thu hoạch, dù công ty đã cam kết bao tiêu toàn bộ với giá cao, nhưng nông dân vẫn để lại một ít để ăn hoặc làm giống, gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh cũng như doanh thu của DN” – bà Duyên nói.

Bỏ thì thương...

Trò chuyện với phóng viên, giám đốc một DN chuyên sản xuất giống và cung ứng vật tư nông nghiệp ở Yên Khánh (Ninh Bình) than thở: “Chúng tôi đã ký hợp đồng với HTX nông nghiệp của 2 xã và hàng nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất lúa giống QR1 trên CĐML 200ha. Các hộ được công ty hỗ trợ kỹ thuật từ đầu tới cuối, được cam kết thu mua lại 100% sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường, vậy mà đến lúc thu hoạch, chúng tôi chỉ thu mua được vài trăm tấn, không đủ kế hoạch nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của DN. Giờ chúng tôi chán lắm, đang đau đầu suy nghĩ, cân nhắc xem có nên tiếp tục liên kết, ký hợp đồng với bà con nữa hay không. Cứ làm theo kiểu được chăng hay chớ thế này thì doanh thu của DN sẽ bị ảnh hưởng...”.

Ông Trần Đình Toàn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình thừa nhận, việc kêu gọi DN vào CĐML đã khó, giữ họ đồng hành lâu dài với bà con còn khó hơn vì khâu tiêu thụ đang có rất nhiều vướng mắc. “Tham gia CĐML, hầu hết các DN đều cho bà con mua giống, phân bón trả chậm, cử cán bộ tư vấn kỹ thuật hàng ngày kiểm tra đồng ruộng..., nhưng đến lúc thu hoạch, họ lại không mua được sản lượng như mong muốn. Về phía nông dân, nhiều người chỉ tính đến lợi ích trước mắt, còn DN lời lãi thế nào họ không quan tâm, do đó nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó thực hiện” – ông Toàn nói.

Nói về CĐML, chị Nguyễn Thị Nương ở xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, Thái Bình) bảo: “Tham gia CĐML chỉ khác ở chỗ bờ vùng, bờ thửa to hơn, cày bừa, thu hoạch đều bằng máy, chăm sóc có cán bộ tư vấn nhưng chúng tôi đã quen làm lúa lấy gạo ăn, có thừa mới bán mà cũng thường mang về nhà phơi khô, đợi được giá mới bán cho hàng xáo chứ ít người bán cho công ty”.

Là đơn vị làm thành công CĐML ở ĐBSCL, nhưng khi đưa mô hình này ra miền Bắc, Công ty CP BVTV An Giang cũng phải lắc đầu ngao ngán. Ông Nguyễn Viết Sáu – Phó Ban điều hành chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của công ty nói: “Chúng tôi không đặt nhiều tham vọng làm mô hình khép kín ở Thái Bình (cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra) mà chỉ đặt mục tiêu chuyển giao được quy trình kỹ thuật canh tác, giúp nông dân quen ghi chép nhật ký đồng ruộng, tạo thói quen sử dụng 1 loại giống chất lượng để nâng cao năng suất, giảm chi phí... Nhưng thói quen sản xuất kiểu bao cấp đã ăn sâu vào bà con, chưa làm đã muốn hỗ trợ, gặt xong cứ mang về cất lúc cần mới bán, trong khi CĐML phải là thu hoạch cùng lúc, để DN bao tiêu” – ông Sáu nói.

  Ông Nguyễn Văn Vương - Phó Trưởng phòng Cây lương thực - thực phẩm (Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT):

 “Ở miền Nam CĐML phát triển tương đối tốt, nhưng miền Bắc thì gặp nhiều khó khăn do đồng ruộng manh mún. Khi quy vùng lại 50ha thì số hộ nông dân sở hữu lên tới hàng nghìn hộ, rất khó tổ chức sản xuất, đó ngành trồng trọt vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình dồn điền đổi thửa. Ngoài ra, ở miền Bắc sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp, nhu cầu hàng hóa không cấp thiết như ở ĐBSCL nên bà con cũng không hào hứng bán lúa cho DN. Trong khi liên kết giữa nông dân và DN muốn bền vững thì phải có lợi cho cả hai phía. Thực tế là thời gian qua mô hình CĐML đã bước đầu có sự liên kết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của cả nông dân và DN đều chưa đảm bảo...”.

Thanh Xuân (ghi)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem