Dưa hấu rẻ "ngập" phố: Dưa Tàu hay dưa Việt?

Chủ nhật, ngày 26/05/2013 14:27 PM (GMT+7)
Trạm trưởng Trạm kiểm dịch Tân Thanh (Lạng Sơn) - một trong những cửa ngõ xuất nhập khẩu nông sản, rau củ, trái cây chủ yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho biết, đó hoàn toàn là dưa được trồng ở trong nước.
Bình luận 0

Dưa "ngập" đường

Hơn 1 tháng nay, ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… cũng như nhiều địa phương trong cả nước, người dân thực sự sửng sốt khi ra chợ gặp dưa hấu giá rẻ chưa từng có: chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg, loại chất lượng hơn cũng chỉ giá 8.000 đồng trong khi hồi tháng trước, tại các đại lý, cửa hiệu vẫn bán tới 21.000 - 25.000 đồng/kg. Vậy là giá dưa đã rớt tới 4-5 lần so với trước.

Giá bán đã rẻ như cho mà còn ngạc nhiên hơn là tại các chợ đầu mối như Long Biên (Hà Nội), Gia Lộc (Hải Dương), Thổ Tang (Vĩnh Phúc)… dưa từ khắp vùng ồ ạt đổ về chất đống như "núi", các thương lái tha hồ chọn để chở đi các tỉnh tiêu thụ. Tại Hà Nội, nhiều tuần nay, từng đống dưa xuất hiện lù lù ở nhiều điểm, nhiều tuyến đường dẫn vào nội đô.

Trên đường Lê Văn Lương, đại lộ Thăng Long, Hồ Tùng Mậu… dưa la liệt mà khách cũng chỉ thưa thớt, các chủ sạp phải mắc võng, dựng lều ngủ qua đêm để "canh". Nhiều nơi, xe chở dưa lưu động (loại 5 tạ) vào tận khu dân cư để "chào hàng". Để bán tháo khoán, sạp nào cũng thi nhau treo biển "đại hạ giá", rao dưa Sài Gòn 6.000 đồng hoặc 8.000 đồng/kg. Nếu mặc cả, nhiều sạp sẵn sàng bán 5.000 đồng.

img
Dưa bán đầy các ngả đường với giá chỉ 6.000-8.000 đồng/kg, còn thu mua tại ruộng chỉ 1.000 đồng/kg.

Trước hiện tượng dưa ngập đường, nhiều người dân cho rằng, đó là dưa của Trung Quốc nhập về nên mới rẻ như thế. Do đó, nhiều người không khỏi lo lắng khi đứng trước cả "núi" dưa siêu rẻ mà lại chẳng rõ nguồn gốc thế nào.

Tuy nhiên, bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch Tân Thanh (Lạng Sơn) - một trong những cửa ngõ xuất nhập khẩu nông sản, rau củ, trái cây chủ yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho biết, đó hoàn toàn là dưa được trồng ở trong nước, không phải dưa Trung Quốc.

"Chúng ta chỉ có xuất khẩu dưa sang Trung Quốc chứ không nhập về. Hơn nữa, hiện đang là mùa dưa chính ở nước ta, nhập về làm sao bán được" - bà khẳng định.

Đi tìm lý do vì sao năm nay dưa nhiều mà giá lại quá thấp như vậy, chúng tôi được biết hai nguyên nhân chính là hiện nhiều địa phương đang thi nhau trồng dưa và lâu nay thị trường dưa của chúng ta lại phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi gần đây ở các cửa khẩu phía Bắc liên tục xảy ra ùn tắc, nên dưa ùn ứ.

Bà Bế Thị Thu Hiền xác nhận, mặc dù cả nước đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng nhiều tháng nay, tốc độ xuất hàng trái cây sang Trung Quốc rất chậm. Trò chuyện thêm với ông Vy Mạnh Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi được biết, nếu trước kia mỗi ngày trung bình có khoảng 400-450 xe chở trái cây, nông sản xuất sang Trung Quốc thì gần đây, liên tục xảy ra ùn tắc nên chỉ thông quan được 100-150 xe/ngày. Trong khi lượng xe container, xe tải chở trái cây từ miền Trung, miền Nam vẫn ùn ùn kéo về khu vực Tân Thanh, càng tăng thêm ùn tắc.

Đã chịu thiệt hại, lại bị thương lái Trung Quốc ép giá. Vì vậy, nhiều nhà xe đành ngậm ngùi cho xe quay về bán tháo dọc đường hoặc đổ vào chợ đầu mối với giá chỉ 3.000-4.000 đồng/kg để giảm rủi ro, thiệt hại. Chủ xe Hải nói: "Gần đây, bà con gặp nhiều xe dưa chạy từ Tân Thanh, Lạng Sơn về xuôi cứ tưởng là dưa Trung Quốc, nhưng chính là dưa không xuất khẩu được đành quay lại bán nội địa".

Nông dân lỗ nặng

Dưa rẻ, thực sự là nỗi vui mừng cho người tiêu dùng, vì chưa bao giờ được mua với giá "giật mình" như thế, nhưng lại chính là nỗi đau "đắng lòng" của hàng vạn nông dân hiện nay.

Chị Vũ Thị Ngọ, một chủ trồng dưa ở Gia Lộc, Hải Dương than thở: "Ở chợ, các anh chị ngỡ ngàng khi giá dưa chỉ có 6.000-8.000 đồng nhưng 2 - 3 tuần nay, chúng tôi đang phải bán với giá chỉ có… 1.000 đồng/kg tại ruộng. Muốn bán hơn thì chủ đầu mối người ta không chịu. Đầu tháng còn bán được 2.500 đồng, rồi cứ tụt dần xuống 2.000 đồng, 1.500 đồng... Giá một cân dưa chỉ bằng có hai gói tăm, vậy mà vẫn bán chậm lắm".

Theo tìm hiểu, không chỉ Hải Dương mà ở Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và cả khu vực Nam Trung bộ, bà con đều đang phải bán dưa với giá rẻ thê thảm như thế. Trước đây, dưa trồng nhiều ở khu vực Nam Trung bộ, miền Tây nhưng gần đây khi giá bán cao, cho thu nhập khá thì hàng loạt địa phương ở miền Bắc cũng thi nhau trồng, không chỉ một vụ mà nhân ra cả ba vụ: xuân, hè thu và đông, trồng kiểu chuyên canh.

Diện tích nhân ra nhanh, đơn cử như ở Hải Dương, theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, thì từ 600-700ha đến nay ở đây đã phát triển tới 1.200ha (riêng vụ xuân 2013), còn cả năm là 2.500ha. Đành rằng, địa phương nào cũng muốn bà con nông dân của mình chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập, làm giàu nhưng do không có định hướng, quy hoạch ở tầm cả nước nên mới sinh ra "khủng hoảng thừa" như vậy. Cuối cùng, chịu thiệt vẫn là nông dân.

Bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt của Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, tính toán: mỗi sào Bắc bộ (360m²) chỉ cho thu hoạch khoảng 800kg dưa, trong khi chi phí đủ loại là 2 - 2,5 triệu đồng thì với giá bán là 3.000 đồng/kg, bà con cũng chỉ hòa vốn, còn bán với giá 1.000 đồng như hiện nay thì đang lỗ nặng. Muốn lãi, dưa phải bán giá tại ruộng là 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem