Ngày 16/7, Bộ Y tế cho biết, đã chuẩn bị ekip y tế là nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu lên đường cùng chuyến bay sang Guinea xích đạo đón 219 công dân, trong đó hiện có 116 người mắc COVID-19 về nước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương lập kế hoạch đưa công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp thảo luận các phương án để lập kế hoạch y tế cho chuyến bay.
Ngay sau cuộc họp với Đại diện Việt Nam Airlines, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã liên hệ với đại diện Cục Quản lý Lao động nước ngoài - Bộ Lao động Thương binh Xã hội, và đại điện 3 công ty đang xây dựng Thuỷ điện Sendje: Công ty Tân Đại Lợi, Công ty Cổ phần CMVIETNAM, Công ty Cổ phần LILAMA10, thông tin ban đầu như sau:
Hiện có 219 công nhân và quản lý (194 công nhân, 2 lái xe, 23 quản lý dự án), trong số đó đã được y tế địa phương xét nghiệm COVID-19 hai lần bằng kỹ thuật RT-PCR, lần 1 vào ngày 1/7 cho 24 trường hợp, lần 2 toàn bộ công nhân, kết quả như sau: 102 người đã xét nghiệm Âm tính với COVID-19, 117 trường hợp Dương tính (116 trường hợp Dương tính, 1 trường hợp lần đầu Dương tính nhưng lần 2 Âm tính).
Trong số 219 công nhân và quản lý tại Guinea Xích Đạo hiện có 116 trường hợp dương tính với virus gây COVID-19.
Nơi điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam.
Như vậy, tính từ lần xét nghiệm đầu tiên đến nay đã được 14 ngày, theo báo cáo của đại diện các công ty chỉ có 2 trường hợp những ngày trước từng phải vào phòng hồi sức và thở oxy mặt nạ, nhưng hiện tại đã đỡ, chuyển sang phòng có điều dưỡng theo dõi, không phải thở oxy nữa. Cả 3 công ty này không có bác sỹ hay nhân viên y tế đi kèm mà sử dụng nhân viên y tế của tổng thầu.
Tuổi trung bình của số công nhân và quản lý này là 38 tuổi, thấp nhất là 19, cao nhất là 68. Trong đó 135 người (62%) có độ tuổi từ 19-39, 63 người (29%) ở độ tuổi 40-49, có 8 người (8%) độ tuổi từ 50-59 và 4 người (2%) tuổi trên 60.
Do thời gian đăng ký chuyến bay dài, dự kiến đến tận 3/8, khoảng 1 tháng tính từ lần xét nghiệm đầu tiên. Tình hình sức khoẻ công nhân đến khi đó sẽ có nhiều thay đổi, số trường hợp dương tính mới có thể tăng, và nhiều trường hợp dương tính đã khỏi bệnh. Trong thời gian chờ đợi, cần theo dõi sát sức khoẻ của công nhân đã mắc bệnh để hỗ trợ kịp thời.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh tiếp tục làm việc với đại diện 3 công ty để lập danh sách các trường hợp có biểu hiện lâm sàng, và những trường hợp đang được điều trị tại cơ sở y tế để lập kế hoạch y tế cho chuyến bay và hỗ trợ y tế khi cần thiết.
Được biết, tại cuộc họp ngày 15/7 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp thảo luận các phương án để lập kế hoạch y tế cho chuyến bay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, đã sẵn sàng cử nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu chuẩn bị lên đường sang Guinea đón công dân về nước.
Bộ Y tế cũng cho biết, tại Việt Nam, đến sáng 16/7, số ca mắc COVID-19 là 381. Như vậy, đã 91 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 10.123, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 81
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.634
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 408
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 3 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 2 ca.
Tin cùng sự kiện: Dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.