Đưa nghề chế biến khô thuỷ sản vào định hướng bảo tồn
TP.HCM: Đưa nghề chế biến khô thuỷ sản vào định hướng bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn
An Hải
Thứ tư, ngày 06/09/2023 17:22 PM (GMT+7)
Nghề chế biến khô thuỷ sản tại huyện Cần Giờ được UBND TP.HCM đưa vào danh mục các ngành nghề nông thôn, ngành nghề nông thôn truyền thống cần được bảo tồn và phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cần Giờ có 66 cơ sở chế biến thủy hải sản, với 240 lao động, gồm: Xã Cần Thạnh có 14 cơ sở, xãvLong Hòa có 47 cơ sở, xã Thạnh An có 3 cơ sở, xã Tam Thôn Hiệp có 1 cơ sở và xã Bình Khánh có 1 cơ sở. Trong đó, chế biến khô cá dứa một nắng chiếm 20% tổng sản lượng sản phẩm chế biến.
Nghề chế biến khô thủy sản ở TP.HCM chủ yếu tập trung tại huyện Cần Giờ. Ảnh: TĐ
Tại huyện Cần Giờ, trước đây sản phẩm cá dứa, cá sặc chủ yếu được đánh bắt từ thiên nhiên và phục vụ thị trường với sản phẩm đơn thuần là cá tươi chưa qua chế biến. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cá tự nhiên ngày càng giảm, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao.
Để cung cấp đa dạng các sản phẩm ra thị trường, nâng cao giá trị của các sản phẩm, người dân huyện Cần Giờ đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá dứa, kết hợp chế biến thành các sản phẩm khác nhau từ cá nuôi, như khô cá sặc, khô cá đù, khô cá dứa, cá dứa một nắng…
Mục đích việc phát triển các sản phẩm chế biến từ thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng giá trị; xây dựng thương hiệu riêng cho thủy hải sản tại địa phương.
Được biết, TP.HCM không phải là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của cả nước. Tuy nhiên, thành phố hiện đóng góp 1 tỷ lệ rất lớn vào lĩnh vực thủy sản chế biến. Nhiều sản phẩm thủy hải sản chế biến tại TP.HCM được thị trường trong và ngoài thành phố ưa chuộng.
Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH Chế biến thủy sản Lam Điền, Hợp tác xã Thuận Yến, Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai với một số mô hình như nuôi, chế biến cá dứa; cá đù một nắng; nuôi, chế biến khô cá sặc, khô cá lóc… Các sản phẩm khô cá sặc, khô cá đù, cá dứa một nắng có thịt thơm ngon là những sản phẩm đặc sản của Cần Giờ…
Ngày 1/6/2022, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 1784/KH-UBND về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, thành phố định hướng bảo tồn và phát triển 7 ngành nghề nông thôn và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống.
Kế hoạch này nhằm hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.