Đưa rẫy về làng Díp

Thứ năm, ngày 24/02/2011 17:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Huyện Chư Păh, Gia Lai đã tìm ra phương án khả thi giải quyết vấn đề nhức nhối: Thiếu ruộng, rẫy canh tác của đồng bào J'rai ở làng Díp, xã Ia Kreng... Tuy muộn, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng.
Bình luận 0

Gần 10 năm trước, hàng trăm hộ đồng bào J'rai ở làng Díp tự nguyện nhường đất lại cho chính quyền xây thuỷ điện để ra khu tái định cư. Nhưng chuyện tái định canh của họ không được giải quyết thoả đáng, người dân quay trở lại phá rừng tự nhiên để canh tác.

Làng Díp và cái án phá rừng

img

Không lâu nữa, người dân làng Díp sẽ có ruộng rẫy canh tác ổn định.

Năm 2002, công trình Thuỷ điện Sê San 3A xây dựng, toàn bộ làng Díp và phần lớn đất sản xuất bị ngập trong lòng hồ. Hơn 160 hộ với 770 nhân khẩu được chuyển ra tái định cư cách làng cũ khoảng 2km. Làng mới chủ yếu là đồi dốc và núi đá, thường xuyên bị xói mòn, bà con không thể canh tác được .

Khi di dời dân ra khỏi vùng lòng hồ, Công ty cổ phần Thuỷ điện Sê San 3A mới giải quyết xong khâu tái định cư, còn công tác tái định canh thì chưa có phương án. Tình trạng này kéo dài gần 10 năm khiến dân làng Díp chỉ còn biết quay về nơi cũ canh tác trên phần nhỏ nương rẫy còn sót lại không bị ngập.

Mặc dù Công ty cổ phần Thuỷ điện Sê San 3A hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, lương thực, vật nuôi… cho bà con, nhưng khi những hỗ trợ này kết thúc thì họ lại trở về với vô vàn khó khăn. Theo báo cáo của huyện Chư Păh, hầu hết các hộ ở làng Díp đều nghèo, thiếu đất sản xuất và thường xuyên bị đói giáp hạt. Chính vì thế, nhiều năm qua đã xảy ra vấn nạn người làng Díp kéo nhau qua huyện Sa Thầy (Kon Tum) phá rừng phòng hộ, làm nương rẫy.

Theo ông Trần Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, từ lâu người dân làng Díp sinh sống dọc con sông Sê San và canh tác trên một số tiểu khu 642, 709 và 715 thuộc lâm phần huyện Sa Thầy. Sau đó, họ bỏ hoang và chuyển hẳn về sinh sống trên địa bàn huyện Chư Păh, chủ yếu là canh tác nương rẫy và đánh bắt cá trên sông Sê San 3.

Tuy nhiên, khi chuyển ra làng tái định cư, đất sản xuất cũ không còn, đất sản xuất mới chưa có nên nhiều lần dân làng kéo qua phá rừng thuộc lâm phần huyện Sa Thầy để canh tác. Chính quyền 2 huyện Sa Thầy và Chư Păh đã nhiều lần đứng ra ngăn chặn, tìm phương án giải quyết, nhưng không hiệu quả.

Hứa hẹn cuộc sống mới

Sau khi UBND tỉnh Gia Lai và Ban Quản lý rừng phòng hộ Yaly đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, huyện Chư Păh đã xây dựng phương án, thuê một đơn vị chuyên trách khảo sát, quy hoạch. Dự kiến trong quý II năm 2011 sẽ tiến hành giao đất cho dân.

Tình trạng người dân làng Díp thường xuyên kéo qua phá rừng thuộc lâm phần huyện Sa Thầy gây nhiều bức xúc cho chính quyền 2 huyện Chư Păh và Sa Thầy. Song, nếu nguyên nhân chính không được giải quyết thoả đáng thì tình trạng này diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Trong buổi làm việc mới đây, ông Trần Ngọc Quang cho biết: UBND huyện Chư Păh đã tìm được phương án: Ban Quản lý rừng phòng hộ Yaly đồng ý cho chuyển đổi 175ha đất lâm nghiệp của Ban để cấp cho người dân làng Díp.

“Hiện, chúng tôi đã mở đường giao thông đến tận nơi. Phương án này khi đưa ra đã nhận được sự đồng tình của người dân, các hộ đã ký vào biên bản cam kết sẽ canh tác trên vùng đất mới này, không qua Sa Thầy phá rừng nữa”- ông Quang nói.

Theo ông Quang, hiện các ngành chức năng huyện Chư Păh đã xây dựng phương án canh tác nương rẫy thí điểm (phương án canh tác nương rẫy bền vững trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2010 - 2012) cho 32 hộ làng Díp. Phương án này triển khai từ năm 2010 và hiện đang cấp giống, đầu tư kỹ thuật hứa hẹn cuộc sống của dân làng Díp đầy đủ hơn trong thời gian tới…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem