"Đưa tham quan cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị ra ánh sáng là một kỳ tích"

An Linh Thứ tư, ngày 29/06/2022 14:06 PM (GMT+7)
"Hơn 10 đại án tham nhũng kinh tế được đưa ra ánh sáng với quan tham tầm cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị là một kỳ tích. Nhưng đó mới là xử lý tham nhũng tài sản, một thứ tham nhũng đáng sợ hơn đó là tham nhũng chính sách, niềm tin còn gây nguy hại hơn nhiều".
Bình luận 0

Hơn 10 đại án tham nhũng kinh tế được đưa ra ánh sáng với quan tham tầm cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị

Nhân Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 diễn ra vào ngày 30/6 tới, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế độc lập đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về kết quả phòng chống tham nhũng trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới. 

"Đưa tham quan cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị ra ánh sáng là một kỳ tích" - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế độc lập, TS. Bùi Trinh. Ảnh: DV

10 năm qua, hơn 10 đại án tham nhũng kinh tế được đưa ra ánh sáng, điều này cho thấy thái độ nghiêm khắc của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, làm sạch bộ máy, ông có đánh giá gì?

- Có thể nói, đưa ra những vụ đại án, quan tham tầm cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, đương kim Bộ trưởng... ra ánh sáng là một kỳ tích của công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp. Những vụ tham nhũng vặt vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi. Nơi nào người ta có quyền là có thể xảy ra tham nhũng, thậm chí ngay cả ông trưởng của một thôn nào đó.

Rõ ràng, chúng ta cần duy trì cuộc chiến làm trong sạch bộ máy, đưa cán bộ sai phạm, thậm chí về hưu vẫn phải đưa ra công lý để mong lấy lại niềm tin cho người dân trong công tác phòng chống tham nhũng.

Lương cán bộ cấp cao nhà nước cỡ Bộ trưởng tầm 15 triệu đồng, nhưng trong tay họ có quyền quyết định một ngành, nhiều doanh nghiệp cỡ lớn nên mỗi quyết định có thể đem lại lợi ích cho bản thân họ hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều cán bộ có tư tưởng chấp nhận mất nghề công chức, mất lương hàng tháng nhưng đổi lại sẽ được hưởng số tiền tham nhũng lớn mang lại, rủi ro cùng lắm thì đi tù. Đây là một thực tế diễn ra trong thời gian qua. 

Các đại án tham nhũng đều để lại hậu quả hết sức nặng nề như mất tài sản nhà nước, nhóm lợi ích… làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, khắc phục hệ quả này hiện nay rất khó khăn, rất ít vụ tham nhũng mà nhà nước thu về được tiền? Làm cách nào để lấy lại tài sản nhà nước bị mất ở những vụ án tham nhũng, thưa ông?

- Mục đích lấy tiền đền bù thiệt hại từ những vụ tham nhũng bị phanh phui là rất khó, chỉ một vài vụ có thể lấy lại thôi, còn lại như chúng ta đã biết, tài sản mất đi ở các vụ án tham nhũng rất lớn. Mục đích của hầu hết các nước chống tham nhũng là phòng chống chứ không phải xử lý hậu quả, bởi vì khi họ đã tham nhũng, tiền đã được tẩu tán ở nhiều chỗ và rất khó thu hồi.

Công tác phòng chống tham nhũng phải bắt đầu từ xây dựng nhà nước pháp quyền, pháp luật phải đủ sức răn đe, không cho cơ hội tham nhũng và muốn tham nhũng cũng không được hoặc không mưu cầu tham nhũng. Đó là gốc của vấn đề, cần xử lý theo hướng đó.

Lâu nay chúng ta mới chống, xử tham nhũng lộ diện rõ ở các thương vụ liên quan đến tài sản, nhưng tham nhũng còn biểu hiện dạng hỗ trợ chính sách, xây dựng chính sách có lợi cho ngành mình, doanh nghiệp sân sau... Đây có thể là hành vi tham nhũng len lỏi, để lại hệ quả lâu dài cho nền kinh tế và khó nhận diện, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tham nhũng không chỉ biểu hiện ở việc lấy cắp tiền bạc, bán tài sản nhà nước mà nó còn biểu hiện ở việc cài cắm lợi ích trong xây dựng chính sách, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp sân sau, tư lợi cho ngành, lĩnh vực của mình quản lý.

"Đưa tham quan cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị ra ánh sáng là một kỳ tích" - Ảnh 2.

12 đại án tham nhũng kinh tế giai đoạn 2012-2022.

Trên thế giới, có những nước như Nhật, Hàn Quốc hay châu Âu, họ xử rất nghiêm quan chức đi nước ngoài nhận quà biếu, tặng, dù mục đích của món quà đó chỉ thuần xã giao thôi, nhưng họ cũng không được phép nhận. Hoặc một số vụ như tài trợ đi chơi du lịch, đi máy bay đánh golf cũng bị soi xét.

Tôi từng đi công tác sang Mỹ, có mua một kỷ vật tặng riêng cho quan chức Mỹ, nhưng họ từ chối nhận vì quà đó giá trên 10 USD.

Tham nhũng không chỉ lấy tiền, lấy vàng mới lo ngại mà tham nhũng chính sách, tham nhũng niềm tin còn nguy hại hơn nhiều. Họ cài cắm lợi ích của doanh nghiệp, đặt hàng rào để cho bên A, bên B kiếm ăn nhờ vào quy định của nhà nước là thế.

Tại sao Nghị quyết 19 về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, có đề cập đến việc xoá bỏ giấy phép con, thông tư bị "bỏ lửng" trong nỗi xót xa của nhiều người?! Câu trả lời chính là ích lợi của các Bộ chủ quản trong các giấy phép con quá lớn, bắt họ tự cắt lợi ích của họ đi thì ai muốn. Phải có chế tài làm mạnh, chặt đứt mọi lợi ích trong rừng giấy phép con, thông tư để nền kinh tế được thông thoáng hơn, không có chỗ cho lợi ích nhóm, tham nhũng.

Hiện nay, có vấn đề là một số bộ phận quan chức, lãnh đạo muốn an yên, an phận thủ thường, đẩy việc lên trên, không dám ký, không dám xé rào vì sợ sai phạm, kỷ luật. Phải như thế nào để họ bớt sợ, làm nào để vừa bảo vệ người tài, phát kiến vừa trừng trị cán bộ vào bộ máy chỉ lo lót, kiếm trác, thưa ông?

- Tâm lý cầu an, cầu toàn, sợ trách nhiệm, không muốn làm, không dám ký là có, nhưng mặt khác tôi hiểu như có một bộ phận họ đang giận dỗi vậy, không muốn làm.

Bác Hồ từng nói: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm", vậy phải cố gắng làm tròn trách nhiệm chứ không thể khoanh tay đứng nhìn sợ trách nhiệm được, không thể ngồi hưởng lương mà đùn đẩy trách nhiệm. Không muốn làm, mời xin ra khỏi bộ máy.

Bên cạnh việc xử nghiêm tham nhũng, chúng ta cũng cần bảo vệ người dám làm, dám xé rào, câu chuyện một lần nữa là phải có nhà nước pháp quyền, lằn ranh pháp luật để bảo vệ người liêm chính, xử đúng kẻ cơ hội, biến chất.

Người ta hay nói việc vào bộ máy phải là người có đức, có tài, nhưng đâu đó những con người đó vẫn bị biến chất, tha hoá, giờ đây người ta khuyên nên chọn người vào bộ máy, làm lãnh đạo phải có đức, có tài, có tiền (giàu có) để không có động cơ vụ lợi, kiếm chác, quan điểm của ông thế nào?

- Cách đặt vấn đề này chỉ giải quyết được phần ngọn, lương 100 triệu vẫn tham nhũng nếu chúng ta không bịt được kẽ hở, không có cơ chế kiểm soát quyền lực. Phải thiết kế chính sách không muốn tham nhũng hoặc có muốn tham nhũng cũng phải trả giá hơn nhiều.

Không phải hai ông Bộ trưởng Bộ TTTT dính tràm vụ AVG mà đặt ai vào vị trí đó cũng có cơ hội tham nhũng. Chúng ta phải sửa ở nền giáo dục, từ gia đình, xã hội và hệ thống chính sách, cơ chế. Ai cũng chạy theo thành tích, cũng muốn con điểm cao, cũng được yên phận nhà nước thì xã hội sẽ vận động theo hướng đó. 

Giả sử nếu một bộ máy mà người đứng đầu tham nhũng, cấp dưới không tham nhũng hoặc tố cáo tham nhũng rất khó. Thậm chí người không tham nhũng không thể lên được, đó là thực tế. Chúng ta phải trở lại với vấn đề giáo dục, thay đổi cơ chế làm việc.

Một trong những giải pháp đề cập đến vấn đề chống tham nhũng chính là xây dựng nhà nước pháp quyền, có cơ chế không cho cán bộ tham nhũng hoặc muốn tham nhũng cũng không được. Ngoài ra, vấn đề giáo dục con người mới, thay đổi tư duy, cơ chế để hạn chế việc tham nhũng, ông có những kiến giải gì nữa không?

- Tôi nói đơn giản thôi, không ai được làm những việc trên luật pháp, phải có lằn ranh để trừng trị những kẻ cơ hội, thoái hoá biến chất, lợi dụng kẽ hở pháp luật vào nhà nước kiếm trác. 

Báo chí thời gian qua đã nêu, chỉ trong 6 tháng thôi đã hàng trăm quyết định, thông tư trái luật ra đời. Thậm chí chỉ một chỉ thị thôi, cơ quan hành pháp đã đạp cửa vào nhà người dân để dùng vũ lực bắt ngoáy mũi xét nghiệm. Đó là vi phạm pháp luật, thậm chí vi hiến bất kể vì mục đích gì!.

Hay trong lĩnh vực kinh tế, gần đây vấn đề xăng dầu nóng lên, họ lại đặt câu hỏi tại sao Nghi Sơn được ưu ái được bao tiêu giá bán ra thị trường, được ưu đãi về đầu tư, được xem là con cưng vậy mà lúc "nước sôi, lửa bỏng" như hiện nay phải thể hiện được vai trò của mình, thế nhưng thực tế thì sao?

Đơn cử như vụ Việt Á, niềm tin vào khoa học đã đổ vỡ. Đây thực sự là một đề tài khoa học lớn, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học ngồi hội đồng đánh giá. Tuy nhiên lại để xảy ra những tai tiếng ghê gớm. Lòng tin vào khoa học, học thuật còn bị tham nhũng rồi thì còn gì nữa!?

Các đề tài khoa học là đại tham nhũng, tôi có ngồi hội đồng chấm đề tài khoa học, có lần cho 6 điểm cho đề tài đó mà loạn cả hội đồng. Nguyên tắc ngầm là đã ngồi hội đồng là phải cho tối thiểu 8,5 điểm. Tôi thực sự sốc!

Tham nhũng niềm tin, tiền bạc không nhiều nhưng nó làm sói mòn sự tin yêu vào chân lý khoa học, đạo đức. 

Thực tế, tham nhũng trong khoa học hiểu rất đơn giản là một trào lưu. Tôi từng ngồi hội đồng, có người bảo vệ đề tài than phiền: "Em sai làm sao được, đây là đoạn em chép trong sách của thầy mà". Với khoa học, chép lại của người khác là một đại tội, thế mà họ cũng làm được.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Tham nhũng kinh tế là căn bệnh đặc trưng của nhà nước, về bản chất nó là lợi dụng quyền lực công để mưu cầu lợi ích riêng. Nguồn gốc vẫn là sự gây khó dễ, vòi vĩnh, quan liêu và nhiều thứ khác.

Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tham nhũng gia tăng là tiền lương của quan chức quá thấp không đảm bảo cho họ có được cuộc sống đàng hoàng, tử tế. Vì vậy, họ phải tìm mọi cách để kiếm thêm có thể là kiếm thêm chân chính có thể là bất chính, trong đó kiếm thêm bất chính là tham nhũng.

Đơn cử như thu nhập của anh 1 tháng là 100 triệu đồng, nếu anh tham nhũng vô kỉ luật sẽ bị đuổi việc, như vậy rủi ro sẽ rất lớn đối với họ. Nếu lương chỉ 5 triệu đồng thì rủi ro "bé tí", 5 triệu đồng đó cũng không ai sống được cả.

Cho nên, Singapore trước đây họ chống tham nhũng bằng việc, thứ nhất là tăng tiền lương, hai là siết chặt toàn bộ kỉ luật của công chức và phạt thật nặng. Tức là tạo ra rủi ro rất lớn cho những ai có ý đồ tham nhũng. Như vậy người ta mới sợ được. Vào tù chưa chắc đã là rủi ro lớn nhất. Tham nhũng 1.000 tỷ đồng, chạy lên chạy xuống sau vài năm ra tù vẫn có 1.000 tỷ đồng thì sẽ có nhiều người đánh đổi.

Tại Singapore, họ siết chặt kỉ cương công vụ tức là bất cứ ai tham nhũng đều bị phạt rất nặng. Ví dụ như quan chức không được quan hệ với doanh nghiệp, bố mẹ không được thành lập công ty kinh doanh, nên việc quan chức đi ăn đi chơi với tư nhân là không bao giờ có tại các quốc gia này. Nhưng tại Việt Nam, quan chức đi ăn đi nhậu với doanh nghiệp là không lạ, nguy cơ quan chức bị hoặc chấp nhận để cho doanh nghiệp o bế, mua chuộc là có.

Lê Thuý (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem