Dùng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự

Thứ sáu, ngày 09/03/2012 22:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cơ quan chức năng vừa phát hiện có đến 43% số mẫu nước tiểu tại các trại chăn nuôi và 26% số mẫu thịt bán tại sạp có chất cấm cực độc còn tồn dư chất cấm Beta agonis...
Bình luận 0

Trước tình hình trên, hôm qua (8.3), Bộ NNPTNT đã có cuộc họp khẩn để xử lý vấn đề này. Theo đó, sắp tới bộ này sẽ đề nghị Bộ Công an phối hợp điều tra để xử lý tận gốc các vi phạm.

img
Người tiêu dùng khó có thể đánh giá đúng chất lượng thịt lợn bán tại chợ (ảnh minh họa).

Thịt sạch bị… vạ lây

Cuối năm 2007, Tổng Công ty Thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai chuyên chế biến thịt. Nhà máy có 3 dây chuyền sản xuất chính, hiện đại theo công nghệ châu Âu như dây chuyền giết mổ gà 2.000 con/giờ do Công ty Linco (Đan Mạch) lắp đặt; dây chuyền giết mổ heo 100 con/giờ do Công ty Banss (Đức) cung cấp và dây chuyền chế biến thịt với hệ thống máy móc nhập từ Đức, công suất 3 tấn/ngày. Những tưởng việc đầu tư này sẽ nhanh chóng thu lại lợi nhuận, song trên thực tế Dofico lại đang lâm vào tình trạng “ngắc ngoải”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng- Tổng Giám đốc Dofico cho biết: “Hiện mỗi ngày nhà máy chỉ giết mổ được khoảng… 80 con heo, tức đạt 10% công suất”. Theo bà Hồng, nguyên nhân chính là do thịt “bẩn” đã làm hại công ty bà. “Giá thành thịt sạch của chúng tôi cao hơn khoảng 30% so với thịt ở chợ, đó chính là nguyên nhân làm cho sản phẩm của chúng tôi ngày càng ế ẩm” - bà Hồng than.

Trong khi đó, câu chuyện về lợn siêu nạc, lợn được nuôi bằng chất siêu tăng trọng ngày một nhức nhối hơn. Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tình hình sử dụng chất cấm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Bằng chứng là tỷ lệ phát hiện chất cấm trong thức ăn, trong thịt lợn khá phổ biến, trong đó chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, trọng tâm là Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.

Tại Đồng Nai, đầu năm 2012, ngoài việc bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 5kg Salbutamol 98%, mới đây lại tiếp tục phát hiện 3 hộ chăn nuôi sử dụng chất kích thích cấm gốc Beta agonis. Tất nhiên, đây chỉ là những vụ việc rất nhỏ trong “tảng băng chìm”.

Còn kết quả kiểm tra, giám sát của Cục Thú y vừa công bố cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu kiểm tra tại các trang trại chăn nuôi cho kết quả dương tính với nhóm Beta agonis, 26% số mẫu thịt được lấy tại các lò mổ phát hiện các chất cấm này. Các chất kích thích, kích nạc gốc Beta agonis đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 2002, bởi tính nguy hại của nó đối với sức khỏe con người.

Có nên tiêu hủy lợn “nhiễm độc”?

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát bức xúc: “Chúng ta mới kiểm tra trên diện hẹp, tại một số tỉnh phía Nam mà đã phát hiện như thế, nếu kiểm tra cả nước, chắc chắn sẽ có những kết quả bất ngờ hơn”. Vì thế, theo ông Phát, người tiêu dùng đang quay lưng lại với thịt lợn trong nước là hoàn toàn đúng. Chỉ vì người chăn nuôi hám lợi mà đầu độc hàng chục triệu người”.

Theo ông Phát, việc kiểm soát ở các lò giết mổ chỉ là một mắt xích, quan trọng là phải truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của thịt. Cần thiết có thể xử lý cả người sản xuất và kinh doanh, buôn bán. “Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hành vi phạm tội. Những trại chăn nuôi vi phạm nhất thiết phải đưa vào sổ đen” - ông Phát bức xúc nói. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc xử lý “tang vật” có chất cấm. Tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… sau khi kiểm tra phát hiện lợn có dương tính với chất cấm, nhưng lại lúng túng không biết xử lý ra sao.

“Muốn dẹp được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay, thì cần phải làm như bắt ma túy mới mong mang lại kết quả. Chỉ từ bắt giữ được 1-2 tép heroin là truy ra cả đường dây buôn bán. Sử dụng chất cấm nguy hại trong chăn nuôi là một tội ác, không còn là vi phạm quy định nữa”.

Nhiều người cho rằng, yêu cầu các cơ sở giết mổ lưu giữ lại đàn lợn có chất cấm từ 7-10 ngày để đào thải, sau đó cho phép lưu thông giết mổ trở lại. Song, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, với những con lợn đã phát hiện chất cấm, nên tiêu hủy 100%.

“Quan điểm của tôi, nên tiêu hủy toàn bộ những con lợn có chất cấm. Bởi sau 7-10 ngày, Beta agonis chỉ đào thải hết trong nước tiểu và trong máu, nhưng trong quá trình chăn nuôi, chất này đã tụ lại trong các mô cơ, mô thần kinh, không thể đào thải được” - ông Dương nói.

Theo tìm hiểu của NTNN, Bộ NNPTNT đang lên kế hoạch đề nghị Bộ Công an phối hợp để điều tra và xử lý hình sự các đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem