Nhà báo Thái Sinh: "Đừng bao giờ đánh mất sự trung thực"

Nguyễn Quỳnh Thứ hai, ngày 21/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nhà báo Thái Sinh có một cuộc đời làm báo sôi nổi, dấn thân, nhiệt huyết với nghề. Sự dấn thân, dũng cảm đã nhiều lần mang lại vinh quang, nhưng cũng có những khi đưa ông xuống "vực thẳm".
Bình luận 0

Nhà báo Thái Sinh sinh năm 1955, ông có gần 30 năm gắn bó với tờ báo Nông nghiệp Việt Nam và được nhiều đồng nghiệp gọi vui là "con ma vùng Tây Bắc". Quả thực, cả cuộc đời làm báo của Thái Sinh gắn bó máu thịt với đồng bào vùng cao.

Vì bài báo chưa đăng, bị cho làm bảo vệ

Năm 1993, khi Thái Sinh đang làm phóng viên kiêm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, lúc đó tình trạng mua bán, vận chuyển, buôn bán pơ mu ở Yên Bái diễn ra phức tạp, nhiều cánh rừng pơ mu trên các đỉnh núi mất dần. Đau xót trước nỗi đau của rừng và bất bình trước sự giàu có nhanh chóng của nhiều quan chức, ông đã tiến hành thu thập tài liệu và viết bài "Yên Bái bao giờ phá xong rừng pơ mu?" gửi cho Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Nhà báo Thái Sinh kể, trước lúc gửi bài viết đi, ông đã cho một người cùng cơ quan Hội Văn nghệ Yên Bái xem. Điều ông không thể ngờ, sáng gửi bài thì buổi chiều lãnh đạo một phòng của Công an tỉnh Yên Bái tới làm việc với lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Hôm sau Ban tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ) mời lãnh đạo Hội Văn nghệ Yên Bái lên làm việc. 

Một cán bộ giữ trọng trách lớn của tỉnh Yên Bái, người đã ký nhiều giấy cho phép khai thác, vận chuyển pơmu đã chỉ thị cho Ban tổ chức chính quyền xử lý nhà báo Thái Sinh bằng cách giảm biên chế, tức là đuổi ông ra khỏi cơ quan Hội Văn nghệ.

gop/Đừng đánh mất sự trung thực  - Ảnh 1.

Dù đã gần 70 tuổi nhưng nhà báo Thái Sinh vẫn có đôi chân không mỏi và luôn nhiệt huyết với nghề. (Ảnh: N.V)

Một điều mà nhà báo Thái Sinh nhiều lần nhắc chúng tôi đó là không bao giờ đánh mất sự trung thực. Bởi, trung thực trước trang giấy là chỗ dựa vững chắc của nhà báo, giúp họ vượt qua tai ương và sự trả thù của quyền lực.

Vì khi ấy, bài viết của Thái Sinh chưa xuất hiện trên mặt báo, ông đã trả lời lãnh đạo và cơ quan chức năng: Bài viết còn ở dạng bản thảo, chưa đăng, chưa phải là bài báo thì cớ gì xử lý tôi?

Lý lẽ này đúng, vì vậy Thái Sinh không bị đuổi việc nhưng Hội Văn nghệ Yên Bái buộc phải cho ông xuống làm bảo vệ, để chứng minh với vị quan chức "tai to mặt lớn" kia rằng Hội đã xử lý "tay phóng viên gan to tày trời".

Đúng 20 ngày làm bảo vệ ở cơ quan, làm bạn với bầy muỗi thì Thái Sinh xin chuyển lên Báo Lào Cai, sau đó cơ duyên cho ông gặp vị Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam lúc đó là ông Lê Nam Sơn cuối năm 1996. Ông Sơn đã quyết định nhận Thái Sinh về báo.

Sau khi về cơ quan mới, Thái Sinh tìm lại hồ sơ, tiếp tục loạt bài về việc buôn bán pơ mu trái phép, có sự bắt tay của doanh nghiệp và quan chức khiến các cơ quan tố tụng của Yên Bái phải vào cuộc. Sự việc ngã ngũ, trong danh sách 104 vị được doanh nghiệp đưa tiền (tổng cộng hơn 5 tỷ đồng), vị quan chức chỉ đạo xử lý Thái Sinh cũng nhận hơn 640 triệu đồng, số tiền rất lớn ở thời điểm đó.

Sau này nhớ lại, Thái Sinh vẫn nói, ông phải cảm ơn vị quan chức kia và 20 ngày làm bảo vệ mới khiến ông rẽ sang ngang làm nghề báo cho đến tận bây giờ.

Tử tế với nghề, phụng sự bạn đọc

Gần 30 năm làm báo, nhà báo Thái Sinh có nhiều loạt bài tạo hiệu ứng xã hội rất mạnh. Trong đó, phải kể đến loạt bài "Lào Cai "xé rào", nguyên liệu thuốc lá nhập lậu tràn lan", đã phanh phui việc nhập lậu lá thuốc lá qua các lối mở ở Lào Cai khiến 16 cán bộ hải quan, 4 giám đốc công ty, 2 cán bộ thuộc Bộ Công an và vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai bị truy tố và bị kết án.

Vợ nhà báo Thái Sinh có những đêm không dám ngủ vì những viên gạch đá dội thẳng vào nhà, cửa kính cứ thay lại vỡ, nhưng những bài báo chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đều đặn ra đời.

Yêu nghề, say nghề, thời trẻ đã có những ngày tháng Thái Sinh cùng chiếc xe Honda Dream rong ruổi khắp các tỉnh phía Bắc. Sự trải nghiệm thực tế khiến cho những tác phẩm của ông luôn hấp dẫn, mang đầy hơi thở cuộc sống. Chuyện về người chăn dê trên núi, người rừng Ngọc Lâm, chuyện ma cà rồng ở vùng cao… mỗi phóng sự, ký sự của Thái Sinh lôi kéo độc giả bởi sự mới mẻ, ly kỳ, hấp dẫn.

Đến nay, khi đã ở tuổi "kỳ lão", sức khoẻ không còn như xưa nhưng ông vẫn say mê làm nghề. Tiếp xúc với nhà báo Thái Sinh, người ta cảm nhận ngay được sự chỉn chu trong tác phong, sự tử tế, nhân văn trong cách truyền tải mỗi câu chuyện.

Bản thân tôi và những nhà báo trẻ từng đi tác nghiệp cùng nhà báo Thái Sinh đều được ông tỉ mỉ chỉ cho cách làm nghề, truyền dạy những bài học được chính ông đúc rút ra từ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Nhưng có lẽ, hơn hết đó là một tinh thần không ngại gian khổ, không coi nghề báo là một nghề cao sang mà đơn thuần là phụng sự bạn đọc, một nghề mà ở đó con người gan góc khi đối mặt với cái xấu, cái ác nhưng cũng có thể rơi nước mắt trước những hoàn cảnh bi ai.

Trong vô vàn nghề nghiệp, nghề báo vẫn luôn là nghề nguy hiểm, sự nguy hiểm không chỉ đến từ thiên tai mà có khi là nhân tai. Theo nhà báo Thái Sinh, những người còn trụ lại với nghề và làm nghề tử tế sẽ khó tránh khỏi nghịch cảnh và cả những cám dỗ chết người. 

Điều ông nhận thấy và chỉ lại cho chúng tôi, những thế hệ tiếp bước trong nghề là đừng bao giờ run sợ trước quyền lực, nhất là không bị cám dỗ trước những cạm bẫy mà đủ loại đối tượng giăng ra. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem