Phóng viên NTNN đã trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên- Phó Chủ tịch Hội về vấn đề này.
Thưa nhạc sĩ, mảng đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong sáng tác ca khúc hiện nay đang rất ít được khai thác. Thời gian vừa qua, Hội Âm nhạc TP.HCM có tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác về đề tài này, xin ông cho biết kết quả của các chuyến đi?
- Trong tháng 8 và trung tuần tháng 9.2011, Hội Âm nhạc TP.HCM đã tổ chức hai chuyến đi thực tế về các xã nông thôn mới ở 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh với mục đích tạo điều kiện cho các nhạc sĩ tiếp cận với phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.
|
Đoàn nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP.HCM trong chuyến đi thực tế sáng tác tại Cần Giờ. |
Đến cuối tháng 9.2011, Hội lại tiếp tục phối hợp với Sở VHTTDL TP. HCM và tỉnh Bến Tre tiếp tục đi thực tế sáng tác tại tỉnh Bến Tre với đề tài “Nông thôn mới” và “Bến Tre ngày mới”. Đến nay rất mừng là Hội đã nhận được hơn 30 ca khúc của các nhạc sĩ gửi về.
Riêng bản thân nhạc sĩ, ông cảm nhận thế nào về đề tài nông thôn, nông dân? Sau những chuyến đi, ông có sáng tác nào về mảng đề tài này không?
- Qua các chuyến đi, tôi cảm thấy những người nông dân ngày đêm làm ra lúa gạo vẫn còn khổ nhiều chuyện trong cuộc sống mặc dù so với trước đây cũng đã có nhiều biến chuyển. Có thể thấy trong đời sống cộng đồng thì điện đã về với nông thôn, những cây cầu nối liền những con đường tráng nhựa thênh thang giúp vận chuyển nông sản ngày càng nhanh và kịp thời hơn, đời sống về văn hóa, giáo dục, y tế… cũng tốt hơn.
Và một nhu cầu có thật là người nông dân rất cần có những ca khúc sáng tác mới gần gũi với đời sống hôm nay của họ. Tôi cũng đã viết 4 ca khúc về xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP.HCM) và tỉnh Bến Tre.
Đề tài “tam nông” có phải là một đề tài khó cần phải đầu tư nhiều trí tuệ, công sức, tiền bạc không? Theo quan điểm của ông, với góc độ quản lý một hội nghề nghiệp tập hợp các nhạc sĩ, để có nhiều ca khúc hay về mảng đề tài này, chúng ta cần phải làm gì?
- Với đề tài nào cũng vậy, đối với nhạc sĩ cần có cảm xúc sáng tạo, điều kiện tiếp cận với thực tiễn, điều kiện phổ biến tác phẩm, và điều kiện… để sống và viết! Riêng với đề tài “tam nông” thì lại càng cần có nhiều “ưu đãi” hơn, mà điều này thì cần nhiều ban, ngành cùng quan tâm, cùng trợ giúp các nhạc sĩ sáng tác chứ không thể kêu gọi chung chung để có tác phẩm tốt.
Nhiều nhạc sĩ cho biết, ca khúc viết thì dễ nhưng để đưa nó đến với người nghe thì cần rất nhiều sự trợ giúp về kinh tế (để thu âm, làm đĩa), tức là cần trợ giúp về “đầu ra”. Theo ông, có cách nào để giúp các nhạc sĩ giải được “bài toán” này?
- Nơi nào cần tác phẩm, nơi đó phải có trách nhiệm phổ biến, bởi vì đa số các nhạc sĩ hiện nay không lĩnh lương để sáng tác. Các nhạc sĩ đang phải làm nhiều việc để tồn tại. Cụ thể hơn, địa phương nào cần bài hát để phục vụ cho phong trào xây dựng nông thôn mới thì họ phải có kế hoạch cụ thể để đưa ca khúc mới đến với người nông dân. Phải có kinh phí để dàn dựng, thu âm tác phẩm thì ca khúc mới thực sự có mặt trong đời sống âm nhạc, chứ không chỉ nằm trên giấy.
Tôi thấy tình hình đời sống âm nhạc ở nông thôn không đến nỗi quá bi quan, nhưng có nhiều sản phẩm âm nhạc chốn thị thành đã tác động đến lối sống ở nông thôn, khiến cho nó phai nhạt sự thuần chất.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn HiênVới tư cách là người sáng tác, ông trông đợi gì, mong muốn gì ở các cơ quan chức năng về sự trợ giúp cho các nhạc sĩ để họ yên tâm sáng tác nhiều ca khúc hay hơn nữa về đề tài “tam nông”?
- Người xưa có nói “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ăn một hạt gạo hãy nhớ những người nông dân làm ra nó. Tôi mong mỗi khi nghe một ca khúc nên nhớ người đã sáng tác ra tác phẩm. Đừng để gạo thiếu vì nông dân đói khiến họ bán ruộng hoặc chuyển mục đích canh tác nông nghiệp mà cũng khiến họ “đói” luôn cả những sáng tác âm nhạc mới.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Ngọc Mai (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.