Đừng ghẻ lạnh với nông thôn

Thứ hai, ngày 08/07/2013 12:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu nói chúng ta không có chính sách đầy đủ về nông thôn thì không đúng. Ngược lại là khác. Chính sách cho nông thôn, có lẽ không thiếu thứ gì.
Bình luận 0

Bởi thấy thiếu thì người ta bổ sung ngay, rồi đưa ra chỗ có thẩm quyền thảo luận, quyết định, người có quyền ký hạ bút ký, chẳng mất thời gian cũng như tiền của là bao.

Mai một tình yêu có sẵn

Nhưng từ chính sách đúng, (chưa nói sai hay bất cập) đến hiện thực mong muốn thường xa lắc xa lơ. Nông thôn là nơi hẻo lánh, khó tới, khó gần, khó kiểm tra kiểm soát, thành ra con đường từ bàn phím máy vi tính đến đất đá bê tông của “điện, đường, trường, trạm” càng xa thêm nữa. Vụ hàng chục tỷ đồng thiết bị điện mặt trời nước ngoài người ta thương nông thôn mình nghèo gửi đến bị ẩm mốc và mối ăn hàng năm là một ví dụ cho tình trạng “xa lắc xa lơ và ghẻ lạnh” đó.

Có nhiều cách để rút ngắn lại con đường thiên lý này. Như phát huy sức mạnh, tính nghiêm minh của chính quyền, luật pháp và kỷ luật... Nhưng có một lĩnh vực rất quan trọng nếu không muốn nói quan trọng bậc nhất là tình yêu nông thôn. Nếu có tình yêu nông thôn thì người ta đã không bỏ mứa hàng trăm dự án, không xây hệ thống nước sạch hàng tỷ rồi không dùng được hay phát triển bừa bãi thủy điện, treo “bom nước” trên đầu dân quê một cách thản nhiên.

Tình yêu nông thôn có sẵn trong hầu hết người Việt. Chúng ta đều là con cái nông dân. Không phải ta thì cha mẹ, ông bà, cụ kỵ ta, không ai xuất xứ từ nơi nào khác ngoài gốc nông dân. Bởi vì trên mảnh đất này cách đây không xa lắm tất cả đều là nông dân. Ngay đất kinh kỳ Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay), có lẽ Huế hay Sài Gòn cũng thế, đều do nông dân các làng nghề kéo đến tụ tập, cùng với binh lính và quan lại cũng gốc nông dân mà thành.

Tôi nhìn thấy tờ báo NTNN là nhịp cầu giúp chuyển được tình cảm nồng ấm của những người yêu hoặc chưa thật yêu nông thôn về nông thôn. NTNN đang có rất nhiều người đồng hành.

Thế nhưng hình như con người ta có sẵn máu bội bạc. Tôi không muốn nói đến những người chuộng ngoại, thích lối sống lai căng hay nhún vai hoặc tự đặt cho mình một cái tên Tây. Máu bội bạc với nông thôn và nông dân có sẵn trong rất nhiều người có học, cán bộ các cấp. Nằm hầm nằm hố bao nhiêu năm, được nông dân lấy mạng sống ra che chở, múc bụng mình ra nuôi nấng. Nhưng không mấy người biết trở về cái nơi nghĩa tình ấm lòng ấy thăm hỏi lấy một lần. Được mấy tay nhà giàu đút cho tý tiền (tý nhưng cũng có thể là tỷ, nhiều tỷ) là thản nhiên ký, không buồn một phút dù biết rằng sau đó là hàng trăm, hàng ngàn nông dân bị mất đất. Kẻ cầu bất cầu bơ, người rửng mỡ thì nướng sạch tiền đền bù ít ỏi trong nhà thổ hoặc chiếu bạc, gọi là người cày nhưng không có ruộng.

Mọi bất cập, sai lầm, thậm chí gây án trong chính sách hoặc thực hiện chính sách đều làm tổn thương nông thôn và nông dân. Bắt oan một ông cán bộ thì ông ấy có ngay những cú điện thoại cầu cứu anh này anh nọ, nhiều khi phải thả ra ngay. Bắt một nhà báo cũng không dễ vì anh ta có khả năng kêu oan, tố cáo. Nhưng một ông nông dân bị bắt oan hay đền bù đất đai sai chính sách thì có thể hàng tháng trời, nếu gặp may, dư luận mới biết mà “xem sao”. Dự án treo, dự án làm ra không phục vụ ai mà “trơ gan cùng tuế nguyệt” hàng năm, thậm chí nhiều năm. Tiền gọi là của ngân sách nhà nước nhưng thực ra của dân (đa số là nông dân) nhưng dân chỉ biết nhìn mà xót ruột trước cảnh phí của.

Thật đáng hãi vì sự ghẻ lạnh!

Nếu kể ra nữa thì còn dài. Tất cả những chuyện không hay đó đều do người ta, trong đó có cả chúng ta, người viết và có lẽ cả người đọc bài này liên đới trách nhiệm. Có kẻ do lợi nhuận của chính bản thân hay “nhóm chúng mình” mà ký. Có kẻ ngậm tiền tỷ, đất cát nên mắc quai mà im lặng. Có kẻ không ăn gì, lòng không dạ đói, thậm chí là nạn nhân nhưng lại muốn yên thân, quan niệm lụt lút cả làng mà im lặng. Im lặng không phải bao giờ cũng là vàng.

Luật pháp và kỷ luật đảng đã làm và sẽ làm phần việc của mình, cho nông thôn và nông dân qua chính sách tam nông, dù còn hiệu quả mong muốn.

Báo chí (tất cả báo giấy và báo mạng) làm nhiều việc quan trọng để tham gia thực hiện tam nông mà cái khó nhất, lại cần làm nhất là thực hiện được quyền dân chủ của nhân dân trong đó có nông dân. Nhưng cũng là công cụ hữu hiệu nhất để nuôi dưỡng, hâm nóng tình yêu nông thôn đang bị ghẻ lạnh. Văn học, báo chí như mưa dầm thấm sâu có thể làm ấm nóng trái tim vô cảm, nguội lạnh của con người. Chưa ai công khai thừa nhận nông thôn đang bị ghẻ lạnh, nhưng nhờ báo chí phát hiện và nhìn vào thực tế việc làm mà suy nghĩ, đó vẫn là một sự thật xót xa.

Tôi yêu nông thôn. Tôi muốn sống ở thành phố càng hiện đại càng tốt, tôi sử dụng tối đa theo khả năng những trò hiện đại người ta làm ra. Nhưng tôi biết “nền văn minh nào cũng chết”. Tình yêu của tôi là nông thôn. Nông thôn cho tôi sống lại tuổi thơ quý giá của mình. Nông thôn cho tôi sự yên bình đang mất dần đi một cách khó hiểu và khó chấp nhận ở các thành phố lớn, kể cả thủ đô. Nông thôn luôn hứa hẹn sự phục sinh của tính thật thà, lòng tốt, trái tim nhân hậu và cả tài năng lớn tiềm tàng của văn học nghệ thuật cũng như khoa học kỹ thuật. Tóm lại, nông thôn vẫn luôn cho tôi hy vọng, làm tôi muốn sống, muốn làm việc vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Tôi nhìn thấy tờ báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) là nhịp cầu giúp chuyển được tình cảm nồng ấm của những người yêu hoặc chưa thật yêu nông thôn về nông thôn. NTNN có nhiều người đồng hành. Như Nguyễn Quang Thạch- trí thức trẻ đang miệt mài đưa sách về nông thôn, như nhiều người khác. Tôi cũng thấy chính báo NTNN đang bị ghẻ lạnh. Vì không có nhiều chuyện đâm chém cướp giết hiếp chăng? Có vẻ như báo cũng không thích thú và hào hứng gì lắm khi đưa lên trang báo những chuyện đang hàng ngày giết chết tình yêu cuộc sống đó. Giết một cách từ từ, từng chút một, trong sự làm ngơ và ngộ nhận của xã hội.

Độc giả thành phố, rất cần đọc sách báo về nông thôn để thêm yêu, thêm hiểu biết nông thôn cho hành trình tìm lại cái gốc của chính mình. Nhưng họ hoàn toàn ghẻ lạnh với những tờ báo có cái tên dính dáng đến nông dân cho nên NTNN chưa thể có mặt trên sạp báo hàng ngày. Vậy mà tờ báo ấy cũng đã đi cùng nông dân được gần 30 năm nay. Tình yêu không đòi hỏi nhiều tiền. Tôi mong muốn NTNN tồn tại vì tình yêu nông thôn chứ không phải từ từ giết tình yêu ấy.

Và chính vì thế mà từ nhiều năm nay, tôi đã viết cho Nông Thôn Ngày Nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem