Đừng hô hào tẩy chay vì… tự ái

Chiến Văn Thứ sáu, ngày 05/07/2019 13:30 PM (GMT+7)
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, song cũng không thể nhắm mắt, cắn răng dùng sản phẩm trong nước chất lượng kém, giá thành cao chỉ vì “lòng tự tôn dân tộc”.
Bình luận 0

Tối 2/7, khoảng 200 doanh nghiệp may mặc trong nước nhận được thông báo từ đối tác Central Group Việt Nam - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị BigC với nội dung tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa hai bên. Thông báo này đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp may mặc. Hòa cùng sự phản ứng ấy, không ít khách hàng trong nước đã lên mạng xã hội kêu gọi “đáp trả” bằng việc tẩy chay không đến mua hàng tại BigC nữa?!?

Việc khách hàng hô hào tẩy chay một doanh nghiệp hoặc một cơ sở kinh doanh là điều bình thường vẫn thường xảy ra trên thế giới, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi công nghệ đã tạo ra “thế giới phẳng” gắn kết cộng đồng xã hội với nhau dễ dàng, nhanh chóng hơn bao giờ hết. Thông thường, những đợt kêu gọi tẩy chay ấy sẽ ít nhiều gây ra những tác dụng, hiệu quả nhất định, theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng có không ít cuộc hô hào rơi vào im lặng hoặc không gây ra được hiệu ứng nào đáng kể. Trong trường hợp kêu gọi tẩy chay kiểu tự phát lần này đối với BigC Việt Nam, tôi nghĩ đó đơn thuần là cảm tính cá nhân của số ít người tiêu dùng, do tinh thần “tự tôn dân tộc” bị đẩy lên quá cao, hoặc chỉ đơn thuần là cảm thấy bị động chạm đến sự “tự ái”.

img

Thông tin BigC ngừng nhập hàng dệt may từ doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ.

Trước hết, phải thấy rằng, hiện nay BigC Việt Nam đang có hơn 4.000 nhà cung cấp hàng hóa cho chuỗi siêu thị của mình. Con số 200 doanh nghiệp dệt may nếu đem so sánh quả là quá ít ỏi so với hơn 3.800 doanh nghiệp, hộ kinh doanh khác còn lại. Chưa kể, trong các chuỗi siêu thị đó, còn hàng chục nghìn lao động người Việt Nam đang kinh doanh, làm việc, có nguồn thu nhập chính nhờ BigC. Vậy, chỉ vì “nóng mắt” trước quyền lợi của 200 doanh nghiệp may mặc bị ảnh hưởng, mà hô hào tẩy chay cả chuỗi siêu thị, đang nuôi sống cả chục nghìn con người khác, có nên chăng?

Đó là một cách so sánh đơn thuần, khi chưa cần biết quyết định của BigC đúng hay sai. Thực tế cho thấy, để biết đúng - sai phải dựa trên cơ sở pháp lý. Nghĩa là phải xem khi sang Việt Nam sở hữu hệ thống siêu thị, BigC Việt Nam cam kết hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp như thế nào. Nếu họ vi phạm các cam kết, hợp đồng ấy, các doanh nghiệp kia hãy kiện ra tòa, đòi BigC phải thực hiện đúng thỏa thuận, đó mới là điều hợp lý. Còn người tiêu dùng, những người không tham gia hoặc chưa hiểu nội tình, chưa nên có động thái can thiệp.

Đọc thông cáo của BigC gửi các doanh nghiệp, có đoạn: “Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7.2019”. Trong kinh doanh, để tăng hiệu quả, việc các doanh nghiệp, tập đoàn thay đổi chiến lược, tái cấu trúc lại là điều bình thường. Và đương nhiên, quá trình thay đổi ấy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến những đối tác hoặc khách hàng truyền thống. Nhưng, suy cho cùng, là doanh nghiệp, họ làm tất cả, trước tiên cũng vì lợi nhuận, sự phát triển của nhà đầu tư, không thể vì đối tác được.

Hơn nữa, trong thông cáo kia, họ cũng cho thấy, đó mới chỉ là hình thức “tạm dừng”, chứ chưa phải là một câu nói "KHÔNG" đầy lạnh lùng, tuyệt tình, vĩnh viễn để khiến nhiều người phải phản đối quyết liệt. Tạm dừng, có nghĩa là vẫn còn cơ hội, nếu các nhà cung cấp thay đổi theo họ, đáp ứng được yêu cầu, chiến lược mới trong kinh doanh của họ, vậy thôi. Trước sức ép của dư luận, chính BigC Việt Nam cũng đã trấn an trên báo chí: “Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và BigC Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam”. Đồng thời, sau cuộc làm việc với Bộ Công Thương sáng 4/7, BigC cam kết mở lại đơn hàng trong ngày cho 50 trong số 200 DN may mặc của Việt Nam và trong 2 tuần tới sẽ mở thêm đơn hàng cho khoảng 100 nhà cung cấp khác. Còn 50 nhà cung cấp còn lại, BigC sẽ làm việc kỹ hơn để đảm bảo hàng may mặc vào Big C sẽ đảm bảo chất lượng, mẫu mã, giá cả.

img

Trước sức ép của dư luận và sau cuộc họp với Bộ Công Thương, BigC cam kết mở lại đơn hàng cho 150 DN may mặc của Việt Nam.

Có một thực tế đáng phải suy ngẫm, đó là nhiều khách hàng hiện nay thực sự không mặn mà với các sản phẩm may mặc trong nước được bày bán tại BigC Việt Nam. Nhiều ý kiến còn cho rằng, sản phẩm trong đó vừa xấu, mẫu mã lạc hậu, lỗi thời, giá lại đắt, chất lượng kém. Do đó, dù có hô hào tẩy chay hay không thì họ cũng không quan tâm vì sẽ chẳng vào BigC để mua quần áo.

Những ý kiến, quan điểm đó của khách hàng mới là điều khiến các doanh nghiệp nên lo lắng hơn cả, chứ không phải việc BigC Việt Nam quyết định tạm dừng nhập hàng. Bởi vì, nếu họ có nhập, mà hàng vào đó không tiêu thụ được, khách hàng không ưa chuộng, thì chỉ là cách “cùng kéo nhau chìm xuống” mà thôi.

Biết đâu, quyết định trên của BigC Việt Nam, cùng phản ứng khách quan của nhiều khách hàng sẽ là một sự cảnh tỉnh để không chỉ 200 nhà cung cấp kia, mà cả ngành dệt may trong nước, hay nói rộng ra là cả nền sản xuất hàng hóa nội địa phải suy nghĩ, tính toán lại?

Bây giờ đã là thời của thế giới phẳng, nơi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 luôn được nhắc đến ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta đã ký hàng loạt cam kết với thế giới, do đó không thể dễ dàng giang tay ra bao bọc những “con cưng” nội địa mãi không chịu lớn được. Nếu không tự mình thay đổi, vẫn kiểu cách làm ăn cũ kỹ, tư duy kinh doanh lạc hậu, thì dù BigC Việt Nam không cấm, khách hàng vẫn ngoảnh mặt ở những nơi khác.

Ai cũng muốn thực hiện khẩu hiệu, chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, song người tiêu dùng của thời đại toàn cầu hóa này không thể nhắm mắt, cắn răng dùng sản phẩm trong nước chỉ vì “lòng tự tôn dân tộc” được, nếu sản phẩm đó chất lượng kém, giá thành cao hơn sản phẩm nhập ngoại.

Chúng ta, những người tiêu dùng, cũng không nên chỉ vì một chút cảm thấy tự ái, “thương” cho thương hiệu Việt là hô hào “tẩy chay” những ai dám từ chối sản phẩm trong nước. Bởi, rất có thể cảm xúc nhất thời ấy sẽ gây ra những hệ lụy xấu khác và quan trọng hơn, sẽ làm thị trường trong nước phát triển một cách méo mó, bất ổn hơn. Cái sai lớn nhất của BigC Việt Nam trong quyết định này, đó là đã để người tiêu dùng Việt Nam hiểu rằng, họ sẽ “tuyệt tình” với tất cả ngành dệt may trong nước, vậy thôi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem