Không nên và không thể chấp nhận chuyện hành xử mỗi nơi mỗi khác, bởi làm thế luật pháp sẽ mất đi sự tôn nghiêm. Rồi một ngày nào đó, luật sẽ bị nhờn và xã hội sẽ loạn. Đó mới là điều đáng lo với một quốc gia.
1/Thời gian gần đây rộ lên nhiều chuyện khiến xã hội xôn xao và bất bình. Nào là (chuyện đã thành bệnh kinh niên dù đã có chỉ thị, nghị quyết ngăn ngừa) việc dùng xe công trái tiêu chuẩn được hưởng để đưa đón lãnh đạo đi làm, đi việc riêng; là dùng xe biển xanh đón người thân ở sân bay (lại còn có cả giấy phép vào tận chân cầu thang đón rước cứ như tiêu chuẩn một Ủy viên Bộ Chính trị đích thực); là dùng xe biển xanh đi thăm viếng đền, chùa, đi đám cưới, dự thôi nôi con của người cấp dưới trong cơ quan...
Nghĩa là tùm lum tất cả.
Xe Toyota Camry 3.0 mang BKS: 35A-5888 được cấp cho ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình phục vụ công tác
Tiếc rằng việc xử lý rồi đi tới công khai kết quả thanh tra cũng dần dần chìm xuồng. Chính vì không có mấy vụ được xử nghiêm, mạnh tay và minh bạch cho nên “bệnh tình” càng nặng mà không thuyên giảm.
Nói thế cũng chưa thật công bằng, bởi sau vụ Trịnh Xuân Thanh đi xe biển xanh gắn trên xe tư siêu sang bị lôi ra ánh sáng, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu rà soát, chấn chỉnh, kiên quyết và hình như cũng ít nhiều có dấu hiệu tích cực hơn một chút. Điều đó cần thừa nhận tính tích cực đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, đây đó vẫn lại xuất hiện những vi phạm này nọ tưởng như rất khó có thể tiếp tục tái diễn, kiểu như 1 xe có 2 biển xanh khác nhau, trái luật tè le, ngày ngày đưa ông phó bí thư tỉnh ủy tỉnh nọ ngồi đi mà bản thân ông lại không hề biết mình đang phạm luật nghiêm trọng đến mức nào, vi phạm tiêu chuẩn đến mức nào...
Tuy nhiên, nhiều lần người dân thấy cũng chiếc xe Toyota Camry 3.0 chở ông Quảng đeo BKS: 80B-2924
2/ Cố Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh (1905-1988) là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước. Ông đã từng 3 lần đảm trách cương vị Tổng bí thư Đảng với 3 tên gọi của 3 giai đoạn khác nhau trong lịch sử Cách mạng Việt Nam: Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông sống một cuộc đời rất giản dị và nổi tiếng là người thanh liêm.
Vào cuối những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, dù kinh tế nước nhà còn muôn vàn khó khăn, thế nhưng tiêu chuẩn của các nguyên thủ nước ta một khi đã đi công cán bằng máy bay thì cho dù chỉ đi trong nước vẫn được bố trí chuyên cơ riêng.
Cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh rất giản dị và nổi tiếng là người thanh liêm.
Ông Trường Chinh có một người em gái mà ông rất mực thương yêu ngay từ thời trẻ. Đó là bà Đặng Thị Uẩn. Ông yêu thương là bởi bà cũng có chồng tham gia cách mạng sớm cùng ông và là đảng viên năm 30 của Đảng. Cuộc sống gia đình bà khá vất vả khi đã nghỉ hưu, trên 70 tuổi mà ngày ngày vẫn đến từng nhà trong khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) để xin nước gạo về nuôi lợn. Thế nhưng bà Uẩn cả đời chỉ duy nhất được một lần anh trai cho đi cùng chuyến bay vào TP.HCM “để cho biết và cũng là để thăm nom họ hàng kể từ sau ngày đất nước thống nhất”, bởi bà vẫn không có điều kiện vào gặp vì nhà bà rất nghèo.
Ông Trường Chinh cực kỳ nguyên tắc trong phong cách sống và lề lối làm việc cũng là như vậy. Họ hàng ông rất đông anh em ruột thịt, thế nhưng hầu như không còn một ai khác được ông cho đi máy bay như trường hợp bà Đặng Thị Uẩn mà tôi vừa kể.
3/ Thời nhà Trần, tôi đã cố công tìm hiểu để giải mã vì sao triều đại này tồn tại và trị vì lâu nhất trong các triều đại phong kiến (175 năm)? Phải chăng bởi triều đại này hành xử bằng luật lệ rất nghiêm và không có vùng cấm với bất cứ ai sai phạm?
Nhà Trần trong giai đoạn đầu trị vì có khá nhiều câu chuyện về việc người hoàng tộc cũng phải giữ nghiêm phép nước. Câu chuyện về mẹ đẻ của vua Trần Minh Tông bị ngăn chặn vì đi thuyền sai quy định là một minh chứng.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Mùa xuân (1321). Tôn Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu làm hoàng thái hậu, Huy Tư hoàng phi làm hoàng thái phi.
Bảo Từ là mẹ cả của nhà vua, Huy Tư là mẹ đẻ ra nhà vua. Trước đây, rước quan tài Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường đi đường thủy về để ở cung Thánh Từ. Theo thể lệ thì thuyền của Bảo Từ được một đoàn tám chiếc kéo dây, thuyền của Huy Tư được một đoàn hai chiếc kéo dây; lính cấm quân có ý tâng công, đem dây kéo buộc thêm vào thuyền Huy Tư. Tướng quân là Trần Hựu nói: "Thuyền của thái hậu được một đoàn tám chiếc kéo dây, là chế độ nhà Trần, cốt để phân biệt kẻ trên người dưới". Nói rồi, liền lấy gươm chặt ngay dây kéo không hợp lệ đi. Nhà vua khen Trần Hựu là người trung thực”.
“Có thể thấy bọn cấm quân vốn tìm cách nịnh bợ Huy Tư hoàng phi bằng cách cho thuyền được 8 dây kéo ngang với của Bảo Từ thái hậu. Bọn cấm quân nghĩ rằng làm như thế thì Huy Tư sẽ mát mày mát mặt, còn Minh Tông nếu có trông thấy thế thì ắt hẳn bụng rồng sẽ vui”.
Nhưng bọn cấm quân không ngờ là trong số các quan lại nhà Trần đâu phải ai cũng ham nịnh bợ và thiếu hiểu biết về quy định pháp chế. Thế nên tướng quân Trần Hựu mới dũng cảm chặt ngay dây kéo không hợp lệ và giải thích rõ bằng pháp chế. Điều hay nhất là mà có lẽ bọn cấm binh không ngờ tới là Trần Minh Tông lại đứng về phía Trần Hựu để giữ nghiêm phép nước...
Trước đó, chúng ta cũng có nghe những chuyện mà sau đã trở thành giai thoại. Đó là chuyện Trần Thủ Độ (Trung vũ Đại vương) từng giữ nghiêm phép nước, không cho vợ là Trần Thị Dung cậy chức vụ của chồng mà tư lợi.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Linh Từ quốc mẫu, vợ Trần Thủ Độ có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại. Bà về dinh khóc lóc, bảo Thủ Độ: "Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế!". Trần Thủ Độ nghe xong tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết, khó thoát.
Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực mà trả lời. Nào ngờ đâu Thủ Độ lại nói: "Ngươi ở chức thấp mà lại giữ được luật pháp, ta còn trách gì ngươi được nữa!".
Nói xong, ông sai người lấy vàng và lụa thưởng rồi cho về...
Từ đó, tôi đã ít nhiều hiểu ra rằng, vì sao triều đại nhà Trần họ cầm cương trị vì xã tắc dài được đến như vậy trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc (1225 - 1400) mà không dễ gì người đời sau có thể vượt ngưỡng đó như tôi vừa nhắc ở phần trên của bài viết.
Lấy chuyện xưa để nhắc chuyện nay, hầu mong các thế hệ lãnh đạo ngày nay nên lấy đó để tham khảo, để cùng suy ngẫm đặng phấn đấu “noi gương”. Chỉ có điều, nên nhớ là hãy noi gương cả các bậc liệt tổ liệt tông thì tốt biết bao nếu muốn chế độ chúng ta tồn tại bền lâu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.