Dùng ống kính “tôn vinh” sâu bọ

Thứ tư, ngày 22/12/2010 18:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Người đàn ông 2 trong 1” là biệt danh mà nhiều người gọi TS Vũ Văn Liên. Không chỉ là nhà khoa học nghiên cứu côn trùng, ông còn là nhiếp ảnh gia chuyên lấy côn trùng làm “mẫu” cho ống kính của mình.
Bình luận 0

TS Vũ Văn Liên vừa mở triển lãm giới thiệu những bức ảnh chụp côn trùng của mình để kêu gọi bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học.

img
Xem các tác phẩm ảnh côn trùng của TS Vũ Văn Liên tại triển lãm

Người mê “con sâu cái kiến”

Vừa là nhà nghiên cứu sinh học, lại có cái "máu" của nhiếp ảnh gia, TS Vũ Văn Liên được đông đảo giới chuyên môn biết đến không chỉ với những công trình khoa học, mà còn là hàng loạt bức ảnh về các loài sinh vật, đặc biệt là thế giới côn trùng.

Một ngày kia, kiếm được một cái máy ảnh cơ, TS Liên đi khắp nơi để chụp ảnh những "con sâu cái kiến". Lấy lý do phục vụ công tác nghiên cứu, nhưng phần nhiều những chuyến đi ấy còn là bởi... đam mê chụp ảnh côn trùng. Bộ sưu tập ảnh ngày một dày lên, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ rằng, ngày nào đó sẽ làm hẳn một triển lãm cho mọi người cùng xem. “Mình chụp ảnh chỉ để... chơi thôi!” - anh Liên tâm sự.

Theo đuổi “nghề côn trùng”, TS Liên đã nhận được không ít phần thưởng, danh hiệu vì những phát hiện mới mẻ của mình. Dù vậy, chia sẻ với mọi người, anh cho rằng mình có rất nhiều thuận lợi. Bởi 80% sinh vật sống trên thế giới nói chung và tại VN nói riêng là các loại côn trùng. Đây là cả một kho tàng, nguồn dữ liệu sống để anh thỏa sức nghiên cứu cũng như rình “bẫy” bằng ống kính.

img
TS Vũ Văn Liên đứng trước tác phẩm của mình

Nhưng khó khăn cũng không ít! Để có được những bức ảnh đẹp đã đành, lại còn phải đảm bảo sự phong phú về chủng loại, TS Liên phải đi khắp nơi. Từ đảo Phú Quốc cho đến đỉnh Phanxipăng, mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài hàng tháng trời và nơi ăn chốn ở thường là rừng sâu.

“Đồ ăn mang theo có mì tôm, lương khô nhưng cũng không được nhiều vì vào rừng không có điện, máy ảnh không sạc được nên phải mang theo pin. Lắm khi, phải mang nhiều pin nên đành bỏ bớt mì tôm ở lại” - nhà khoa học yêu nhiếp ảnh vui vẻ kể.

Hãy bảo vệ côn trùng!

Nghề chơi cũng lắm công phu. Anh Liên kể, có lần ngồi rình con chuồn chuồn, bị vắt đốt ghê quá, anh đưa tay lên gãi, chuồn chuồn thấy động liền bay đi ngay. Cả ngày hôm ấy coi như công cốc. Từ đó, rút kinh nghiệm, lúc ngồi rình để chụp ảnh, dù bị muỗi hoặc kiến đốt cũng không dám động đậy, ngọ nguậy...

Triển lãm ảnh Côn trùng VN do Bảo tàng Tự nhiên Việt Nam và Đại sứ quán Italia phối hợp tổ chức. Triển lãm gồm 32 tấm pa nô với gần 200 bức ảnh chụp côn trùng VN của TS Vũ Văn Liên (Bảo tàng Tự nhiên Việt Nam) và nhà nhiếp ảnh Saolo Bambi (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐH Firenze, Italia).

Bắt đầu chụp ảnh từ năm 1996, đến nay, TS Liên đã có một bộ sưu tập đồ sộ hình ảnh các loại côn trùng. Tuy nhiên, điều làm anh lo lắng nhất là tác động tiêu cực của con người tới môi trường.

Anh kể, có những bức ảnh chụp rồi, 2 năm sau anh quay trở lại thì nơi đó không còn tí dấu vết gì. Việc chặt phá rừng - nơi trú ngụ của đa số các sinh vật - làm cho số lượng nhiều loài giảm đi đáng kể dẫn đến tuyệt chủng.

Sự thiếu hiểu biết đã làm cho nhiều người có cái nhìn "kỳ thị", thậm chí là... ghê sợ đối với giới côn trùng, trong khi thực tế chỉ một bộ phận nhỏ trong số chúng là có hại.

Vừa khai mạc Triển lãm ảnh Côn trùng VN tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội, TS Vũ Văn Liên hy vọng, qua triển lãm này, cũng như với những bức ảnh "sâu bọ" mà anh sẽ tiếp tục khai thác trong tương lai, mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn về côn trùng và môi trường sống của chúng.

“Hy vọng mọi người sẽ tích cực bảo vệ sự đa dạng của côn trùng nói riêng, các loài động - thực vật nói chung, để giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của chúng ta cho hiện tại và các thế hệ tương lai” - TS Liên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem