Áp dụng trên 5 mô hình
Vụ mùa 2015 trung tâm khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư thực hiện 5 mô hình bón phân Văn Điển với giống lúa mới thiên ưu 8 tại 5 xã: An Hiệp (Quỳnh Phụ); Thụy Thanh (Thái Thụy); Thanh Nê (Kiến Xương); Tây Tiến (Tiền Hải) và Đông Mỹ (TP.Thái Bình). Mỗi địa điểm 2ha kể cả đối chứng.
Bón phân Văn Điển cho năng suất lúa đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đ.D
Phân bón trong thực nghiệm gồm: Phân bón lót phân đa yếu tố NPK 5.10.3 có hàm lượng dinh dưỡng: N=5%, P2O5=10%, K2O=3%, CaO=15%, MgO=9%, SiO2=14%, S=2% và các chất vi lượng: Zn, B, Cu, Mn, Fe. Tổng dinh dưỡng đạt 58%. Phân đa yếu tố NPK 6.11.2 có hàm lượng dinh dưỡng: N=6%, P2O5=11%, K2O=2%, CaO=20%, MgO=10%, SiO2=15%, S=2% và các chất vi lượng: Zn, B, Cu, Mn, Fe. Tổng dinh dưỡng đạt trên 66%. Trong đó dinh dưỡng trung vi lượng chiếm 47%. Phân bón thúc đa yếu tố NPK 16.5.17 có hàm lượng dinh dưỡng: N=16%, P2O5=5%, K2O=17%, CaO=8%, MgO=5%, SiO2=7%, S=2% và các chất vi lượng: Zn, B, Cu, Mn, Fe. Tổng dinh dưỡng đạt trên 60%.
Trong đó các chất trung vi lượng đạt 22%. Các biện pháp kỹ thuật thực hiện ở nền phân Văn Điển và nền phân đối chứng (phân đơn) như nhau, chỉ khác là: Nền phân Văn Điển bón lót NPK 5.10.3 tại Thụy Thanh, An Hiệp, Đông Mỹ, NPK 6.11.2 tại xã Tây Tiến và Thanh Nê. Phân bón lót Văn Điển 25kg/sào (360m2), phân bón thúc Văn Điển NPK 16.5.17 lượng bón 12,5kg/sào, bón sau cấy 7-10 ngày. Đối với nền đối chứng của các hộ nông dân: Lân Supe 20kg/sào + 3kg đạm urê bón lót. Bón thúc: 7kg urê + 6kg kaliclorua/sào.
So sánh về giá trị đầu tư thì nền bón phân Văn Điển và nền bón phân đối chứng là tương đương. So sánh về yếu tố dinh dưỡng thì nền bón phân Văn Điển hơn so với nền đối chứng gồm có: 6kg CaO (vôi), 3kg MgO, 5kg SiO2, 0,5kg S/sào, và các chất vi lượng Zn, Fe, B, Cu, Mn...
Năng suất cao, chống sâu bệnh tốt
Kết quả mô hình tại Tây Tiến trên nền bón phân Văn Điển năng suất lúa thực thu đạt 56,0 tạ/ha, nền đối chứng của các hộ nông dân chỉ đạt 52tạ/ha. Như vậy trên vùng đất chua mặn phân bón Văn Điển cho năng suất cao hơn bón phân đơn là 400kg thóc/ha (7,7%) lãi ròng 3.861.000 đồng/ha.
Mô hình thứ 2 tại Thụy Thanh nền bón phân Văn Điển cho năng suất thực thu 68,5 tạ thóc/ha, trong khi đó nền đối chứng của các hộ nông dân chỉ đạt 61,3 tạ/ha. Như vậy phân bón Văn Điển vượt trội năng suất so với nền đối chứng 7,2 tạ/hạ (11,7%), lãi ròng 6,6 triệu đồng/ha. Mô hình thứ 3 tại An Hiệp nền bón phân Văn Điển cho năng suất lúa thực thu 59,46 tạ/ha, nền đối chứng của các hộ nông dân chỉ đạt 56 tạ/ha.
Nền bón phân Văn Điển tăng năng suất lúa hơn nền đối chứng 3,46 tạ/ha (6,1%), lãi ròng 3.700.000 đồng/ha. Mô hình thứ 4 tại Thanh Nê nền bón phân Văn Điển năng suất lúa đạt 65,8 tạ/ha, nền đối chứng chỉ đạt 61,5 tạ/ha.
Như vậy trên đất thâm canh phân bón Văn Điển cũng vượt trội hơn so với đối chứng 4,3 tạ/ha (7%), tương đương lãi ròng 3 triệu đồng/ha. Mô hình thứ 5 tại xã Đông Mỹ nền bón phân Văn Điển cho kết quả năng suất vượt trội, đạt 67,5 tạ/ha còn nền đối chứng chỉ đạt 61,1 tạ/ha. Như vậy trên đất mỏng mầu phân bón Văn Điển hơn nền phân đối chứng 6,4 tạ/ha (10,4%) và cho lãi ròng 6 triệu đồng/ha.
Cả 5 mô hình bón phân Văn Điển khả năng chống sâu bệnh tốt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.