Dùng quỹ phúc lợi “giải cứu” PVTEX: Ông Trần Sỹ Thanh làm theo chỉ đạo của Chính phủ?

Hà An Thứ hai, ngày 17/06/2019 08:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh cho rằng: “Việc hỗ trợ vốn để giải cứu dự án thua lỗ của Công ty Cổ phần Xơ sợi và Hóa dầu (PVTex) không sai. Thậm chí, việc làm này là rất trách nhiệm thực hiện theo chỉ đạo của Bộ chính trị và Chính phủ”.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, để giải cứu đại dự án thua lỗ của Công ty Cổ phần Xơ sợi và Hóa dầu (PVTex), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã sử dụng hàng chục tỷ đồng từ nguồn quỹ Secondee Dự án Nghi Sơn được gửi tại quỹ phúc lợi của Tập đoàn mẹ (Tập đoàn dầu khí Việt Nam – PVN). 

Để làm rõ vấn đề này, người viết đã liên hệ với ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và nhận được phản hồi qua tin nhắn. Ông Thanh cho rằng: “Việc hỗ trợ vốn để giải cứu dự án thua lỗ của Công ty Cổ phần Xơ sợi và Hóa dầu (PVTex) không sai. Thậm chí, việc làm này là rất trách nhiệm thực hiện theo chỉ đạo của Bộ chính trị và Chính phủ”.

img

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN

“Những người đưa ra quyết định như chúng tôi không sợ và không lẩn tránh trách nhiệm mà chỉ sợ những thông tin không đúng sự thật làm hoang mang những cán bộ, người lao động đang ngày đêm tích cực giải cứu PVTex. Những gì đang xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động và các đối tác của PVN, họ rất mệt mỏi và hoang mang”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, việc sử dụng quỹ phúc lợi tại doanh nghiệp đã được quy định rõ tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã quy định như sau: Quỹ phúc lợi được dùng để, đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của doanh nghiệp; Chi cho các hoạt động phúc lợi của người lao động trong doanh nghiệp bao gồm cả người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên do nhà nước bổ nhiệm.

Ngoài ra quỹ phúc lợi đường dùng để góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng; Sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc làm công tác từ thiện xã hội; Mức chi sử dụng quỹ do Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quyết định, được ghi trong Quy chế quản lý, sử dụng quỹ của doanh nghiệp.

Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Lê Đức Thắng, Trưởng văn phòng luật sư Lê và Đồng sự, chia sẻ cần phải làm rõ những thông tin từ báo chí, về việc PVN sử dụng nguồn quỹ Secondee Dự án Nghi Sơn được gửi tại quỹ phúc lợi của PVN để giải cứu dự án PVTex vì đây là số tiền được dùng để chi trả cho các cán bộ, công nhân viên được PVN cử đi làm nhiệm vụ tại Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

img

Luật sư Lê Đức Thắng, Trưởng văn phòng luật sư Lê và Đồng sự.

“Một phần số tiền trên được trả về cho PVN và Quỹ phúc lợi của PVN quản lý là một việc làm sai với quy định của pháp luật về kế toán”, Luật sư Lê Đức Thắng phân tích.

Luật sư Lê Đức Thắng cho rằng, theo Chuẩn mực kế toán số 14 về doanh thu và thu nhập khác (Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì đây là phần doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ cho Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

"Đây được xem là khoản chi phí của Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và đương nhiên sẽ là phần doanh thu dịch vụ cho PVN. Phần doanh thu này sẽ được ghi nhận trên sổ sách kế toán và khai báo thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc bỏ ra ngoài sổ sách số tiền này cũng có thể hiểu đây là một dạng “quỹ đen” nhằm dùng cho mục đích khác", ông Thắng phân tích.

Ngoài ra, chế độ phúc lợi là một trong những quyền lợi của người đi làm được pháp luật bảo hộ. Chính sách phúc lợi là công cụ giúp người sử dụng lao động thu hút và giữ chân nhân viên, giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro cao với chi phí thấp và làm giảm gánh nặng tài chính.

Luật sư Lê Đức Thắng cho biết thêm, nhân viên có thể cảm thấy an tâm và tăng năng suất làm việc cũng như mức độ hài lòng bằng cách đảm bảo rằng họ và gia đình họ được bảo vệ. Để chi cho khoản này thì pháp luật nước ta đã có những văn bản hướng dẫn sử dụng loại quỹ này trong doanh nghiệp chứ không phải lấy ra sử dụng một cách tùy tiện vào mục đích khác gây bất lợi cho người lao động”.

Diễn biến vụ việc, ngày 05/03/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ra Nghị quyết số 1312/NQ-DKVN về việc Giải quyết các kiến nghị của Tổng giám đốc PVN trong điều hành sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN (phụ trách dự án PVTex) cũng đã gửi văn bản số 42/CVNB-LH ngày 16/04/2018 về việc đề nghị Hội đồng thành viên PVN đề nghị PVN hỗ trợ rót tiền để giải cứu dự án PVTex.

Trong công văn gửi Hội đồng thành viên, ông Lê Mạnh Hùng đã đề xuất chia số tiền mà PVN rót xuống PVTex sẽ thành nhiều đợt.

Đợt 1: Mục đích số tiền trên sẽ được PV Tex trả nợ cho KCN Đình Vũ (DVIZ) theo phán quyết của tòa và một số nhà cung cấp khác, số tiền là 22,98 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tối thiểu duy trì hoạt động của Nhà máy đợt 1 năm 2018 là 11 tỷ đồng. Tổng số tiền là 33,98 tỷ đồng.

Đợt 2: Sau khi hoàn thành giai đoạn khởi động lại Nhà máy chạy lại phân xưởng DTY từ POY, dự kiến sau 3 tháng, PVTex báo cáo kết quả thực hiện và phương án trả nợ toàn diện để Tập đoàn xem xét, đánh giá việc hỗ trợ có hoàn trả các đợt tiếp theo (cụ thể, 16,45 tỷ đợt 2 và 36,45 tỷ đợt 3 để trả nợ cho DVIZ cũng như các chi phí tối thiểu để duy trì khác).

Ngoài ra, ông Lê Mạnh Hùng cũng đề xuất lấy tiền từ nguồn vốn số tiền hỗ trợ có hoàn trả thuộc phần trách nhiệm tương ứng theo tỷ lệ vốn góp của PVN lấy từ nguồn quỹ Secondee dự án Nghi Sơn (hiện đang được quản lý trong quỹ Phúc lợi của Công ty mẹ - PVN).

Phương án này được ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN phê duyệt. Sau đó, ông Thanh đã ký ban hành Nghị quyết số 2327/NQ-DKVN, ngày 17/04/2018, yêu cầu Tổng giám đốc PVN, Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) ký “Thỏa thuận hỗ trợ có hoàn trả” đối với PVTex. Trong đó, PVN góp 74,01%, PVFCCo góp 25,99%. Các khoản hỗ trợ trong Thỏa thuận không được tính lãi suất.

Thời hạn hoàn trả số tiền trên ngay sau khi PVTex có nguồn tiền thu được từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc của việc hợp tác để sản xuất với đối tác chậm nhất đến hết năm 2022.

Tuy nhiên, việc PVN ký thỏa thuận hỗ trợ có hoàn trả với PVTex đã vấp phải không ít sự lo lắng đến từ chính nội bộ của PVN. Cụ thể, khi sự việc “giải cứu” PVTex được đưa ra bàn bạc, Ban Pháp chế của PVN cũng đã có những lưu ý, cảnh báo nhất định về độ rủi ro của thương vụ này...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem