Đừng vắt kiệt đất đai

Thứ năm, ngày 21/07/2011 13:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần tính toán kỹ lưỡng khi thực hiện chỉ đạo tăng 20% diện tích trồng lúa vụ thu đông trong kế hoạch năm 2011 của Bộ NNPTNT.
Bình luận 0

Đó là ý kiến của TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam.

Ông có thể đánh giá những thuận lợi và khó khăn của ĐBSCL trong việc thực hiện tăng thêm 100.000ha vụ lúa thu đông sắp tới?

- Hiện giờ chúng ta không nắm chính xác diện tích canh tác của ĐBSCL nhưng chỉ số quay vòng đất hiện nay khoảng 2,6 lần. ĐBSCL rất màu mỡ nhưng nếu bóc lột đất kiểu này thì rất nguy hiểm. Người ta rất kỵ chuyện làm 3 vụ trên đất lúa. Vì trên đồng ruộng sẽ xảy ra hiện tượng giảm dần độ phì nhiêu của đất.

img
Chở lúa đông xuân về nhà ở Vị Thủy, Hậu Giang.

Vụ thu đông rất có lợi cho bà con nông dân khi chúng ta gieo trong mùa lũ và gặt trong mùa khô, vào thời điểm giá lúa thường rất cao. Tôi không phản bác gì vụ lúa này, tuy nhiên, ta nên đưa ra khẩu hiệu không phải làm thu đông bất cứ giá nào. Tôi cho rằng Bộ cũng đã tính toán rất kỹ sau khi đưa ra con số 600.000ha (tăng 100.000ha). Tuy nhiên, dựa trên thực tế thì các tỉnh phải hết sức tính toán, cân nhắc, tuỳ theo tình hình, điều kiện sản xuất từng địa phương.

img
TS Bùi Chí Bửu

Hệ số quay vòng của những vùng trồng được 500.000 - 600.000ha hiện nay là bao nhiêu, thưa ông?

- Hệ số quay vòng của cả đồng bằng mình đều chưa tới 3,0, chỉ khoảng 2,6. Ở các nước khác, người ta chỉ quay 3 vòng khi quay với cây loại khác, chứ nếu chỉ quay với cây lúa thì đó sẽ là cầu nối của sâu bệnh.

Nếu trồng 3 vụ lúa liên tiếp thì đất sẽ không có thời gian nghỉ ngơi hay cày ải. Lúc này, các chất hữu cơ trong điều kiện ngập nước liên tục sẽ kết tụ dưới dạng polyphenol, kềm giữ chất dinh dưỡng rất chặt. Lúc đó, nông dân sẽ phải đầu tư nhiều mới có được năng suất cao.

Điều quan trọng là cần xác định hệ số quay vòng bao nhiêu là vừa cho ĐBSCL, mà muốn xác định được thì cần phải nắm chính xác diện tích canh tác hiện nay. Theo tôi nắm được, 500.000ha trồng vụ thu đông hiện nay có nơi 2 vụ lúa, một vụ màu, nhưng loại này diện tích rất ít, không đáng kể. Còn lại đa số đều đã quay tới 3 vụ lúa.

Vậy để đảm bảo tăng thêm 100.000ha đất lúa trong vụ tới thì phải tìm thêm diện tích canh tác hoặc sẽ phải tăng hệ số quay vòng lên cao hơn nữa?

- Hệ số của ĐBSCL hiện nay đã ở mức cao lắm rồi. Dĩ nhiên, mình có thể tăng lên nữa, nhưng như thế nghĩa là ta bóc lột đất dữ quá. Đồng bằng mình đất phì nhiêu nhưng không phải là vô tận, cần được bồi dưỡng, nhất là cần phù sa của lũ. Do đó, theo tôi khẩu hiệu "sống chung với lũ" vẫn còn giá trị lắm!

Nếu chỉ đơn thuần thấy cái lợi của vụ thu đông mà khuyến khích nông dân thì sẽ ảnh hưởng tới năng suất vụ đông xuân kế tiếp. Thu đông "ngon" lắm cũng chỉ đạt hơn 5 tấn/ha trong khi vụ đông xuân có thể đạt 7 - 8 tấn/ha.

Vậy yếu tố thời tiết, nguồn nước ở ĐBSCL có ảnh hưởng đến diện tích vụ thu đông không?

- Theo tôi thì không. Cây lúa có thể trồng lúc nào cũng được, nhiều vùng ở Tiền Giang còn trồng 2 năm 7 vụ lúa. Tuy nhiên, như tôi đã nói vấn đề trong đất không có thời gian khoáng hóa, không cho cây lúa hấp thụ khiến cây lúa tăng trưởng kém.

Nếu vẫn mở rộng diện tích vụ thu đông, theo ông, biện pháp khắc phục tình trạng kềm hóa của đất là gì?

- Ta phải trồng một vụ màu giữa 2 vụ lúa. Nếu làm lúa liên tục ta phải có thời gian cày ải đất. Tuy nhiên, diện tích cày ải ở đồng bằng mình rất ít.

Tôi muốn nhắc các địa phương rằng, Bộ chỉ đạo về mặt nguyên tắc nhưng chúng ta cần có quy hoạch cụ thể, vùng nào ít rủi ro nhất thì ta làm. Còn với vụ thu đông, cần nhớ là ta không thu hoạch quá muộn. Thời gian thu hoạch phải kết thúc trước 15.11.

Thứ nữa là lúc gieo, bờ bao chống lũ cần chắc chắn. Những vùng trồng thu đông phải luân phiên giữa các tỉnh để thời gian xả lũ, mang phù sa vào ruộng. Đã làm thu đông là phải có kế hoạch, phải chủ động tất cả các vấn đề, không để rủi ro xảy ra, đặc biệt là trong mùa lũ.

Làm ẩu coi chừng mất!

"Nếu tăng được theo con số trên thì là điều tốt, vì sẽ tăng sản lượng lúa cho toàn vùng. Tuy nhiên, nếu khâu tổ chức sản xuất không tốt, việc chuẩn bị đê bao, nguồn nước chưa đầy đủ, nông dân sẽ là người mất trắng vì nước lũ kéo tới là mất sạch. Nông dân mình ít người bỏ đất hoang lắm, lâu nay đất chỗ nào làm họ đã làm rồi".

Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

Đừng bắt dân đóng tiền!

"Muốn tăng diện tích thì phải làm đê bao, xẻ kênh. Kinh nghiệm làm lúa nhiều vụ năng suất cao hiện nay phải kể đến xã Láng Biển (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) với 7 vụ/ 2 năm. Bây giờ muốn tăng thêm diện tích sẽ phải đầu tư rất tốn kém trong khi lợi nhuận đối với nông dân chưa có gì là chắc chắn. Theo tôi, khâu đầu tư tới đâu thì tăng tới đó, nhưng không được bắt dân đóng tiền"

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo)

Không thể tăng nữa!

"Do Cai Lậy bị ảnh hưởng bởi nước lũ nên chúng tôi tổ chức sản xuất vẫn theo hướng "né" lũ ở những nơi không thể làm đê bao được. Ở huyện Cai Lậy nông dân đang tổ chức sản xuất lúa 3 vụ/năm. Do đó, có muốn sản xuất tăng nữa cũng không tăng được".

Tiến sĩ Lê Hữu Hải (Trưởng phòng NNPTNT huyện Cai Lậy, Tiền Giang)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem