Clip: Nghệ sĩ Trần Hạnh dung dị đời thường
Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, nhưng vài chục năm trôi qua, Trần Hạnh vẫn dậm chân tại chỗ. Ông không tị nạnh, không thắc mắc, không tranh luận về những điều chưa suôn sẻ trong đời, trong nghề. Mãi tới thời gian gân đây khi thông tin ông nằm trong danh sách được đặc cách xét duyệt danh hiệu NSND người ta mới lại nhớ tới câu chuyện của ông.
Tôi chẳng thấy ai nói gì về việc đề xuất tặng danh hiệu NSND
Được hỏi về tin vui này, NSƯT Trần Hạnh không khỏi bất ngờ: "Tôi không chẳng thấy ai nói gì về danh hiệu hay việc được đặc cách phong tặng từ phía cơ quan xét duyệt chỉ có phóng viên, báo chí hỏi tôi mới biết đến việc này. Ở tuổi này danh hiệu với tôi không còn quan trọng". Tuy nhiên, khi được hỏi sâu hơn về cảm nghĩ được có tên trong danh sách đặc cách lên NSND ông lại không muốn nói nhiều vì vẫn chưa có gì chắc chắn.
"Bao giờ chính thức có danh hiệu tôi mới nói được còn bây giờ chưa có danh hiệu tôi không muốn nói gì hết. Nếu chẳng may không được danh hiệu thật mà cứ phát biểu thì người ta lại cho mình là hám danh. Nhưng về quan điểm danh có quan trọng hay không với người nghệ sĩ thì thực sự tôi thấy nó không quan trọng. Một người nghệ sĩ thật sự chỉ quan tâm đến việc làm nghệ thuật còn họ không đi theo con đường NSƯT hay NSND. Điều này cũng giống như một người làm việc tốt người ta nhìn vào sản phẩm, hiệu quả công việc chứ không nhìn vào chức danh", nam diễn viên chia sẻ.
Dù là một nghệ sĩ nhưng NSƯT Trần Hạnh lại có suy nghĩ đơn giản về danh hiệu.
Sau hơn 40 năm công hiến cho nghệ thuật thuật khi nhìn lại NSƯT Trần Hạnh vẫn giữ quan điểm rất đơn giản trong cuộc sống. Với ông, danh hiệu có cũng được không có cũng được chẳng sao hết. Ví dụ người ta có quên đi hay vì lý do gì đó họ không bầu thì ông cũng không có gì phải áy náy hay thắc mắc. "Nhìn mọi chuyện một cách đơn giản thì cuộc sống sẽ thoải mái. Đừng quan niệm nghệ sĩ phải lấy danh hiệu là mốc, là cái đích để hướng tới, hãy làm việc vì nghệ thuật", ông rút ra kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình.
Nói đến chế độ với những nghệ sĩ cao tuổi thuộc thế hệ của mình vẫn còn nhiều bất cập được báo chí dư luận nhắc đến nhưng Trần Hạnh vẫn không cho đó là điều gì quá to tát bởi nhìn lại câu chuyện của NSƯT Phạm Bằng hay NSƯT Văn Hiệp, có người bảo mất rồi tại sao không phong tặng danh hiệu nhưng khi nhìn lại họ có gì để phong. Dù đều để lại nhiều dấu ấn với nghệ thuật, tham gia rất nhiều vai diễn nhưng cuối cùng lại không có gì để căn cứ trao danh hiệu. "Bây giờ quy định phải có hai huân chương mà họ không đủ thì biết làm thế nào", ông băn khoăn.
Tuy nhiên, ông vẫn nghĩ nghệ sĩ có thể vài chục năm vẫn còn theo đuổi sân khấu, được khán giả nhớ đến còn cán bộ những người tổ chức xét duyệt danh hiệu thì thay đổi liên tục cứ người này lên chức người kia về hưu thì việc các nghệ sĩ bị quên lãng là điều khó tránh khỏi. "Như tôi ngày trước diễn vở Lam Sơn tụ nghĩa bây giờ đâu còn ai biết, lúc đó chưa có phim ảnh, chưa có báo chí truyền thông như bây giờ, một vở diễn lưu lại được vài bức ảnh đen trắng thì nói lên được điều gì. Còn vở Tiền tuyến gọi của Trần Quán Anh, tác giả vẫn còn sống nhưng bây giờ tôi lấy gì cụ thể chứng minh những việc tôi đã làm cho sân khấu Việt Nam. Bây giờ có hỏi lại may ra có những người tầm tuổi đi xem vài lần thì còn nhớ những vở diễn đó còn không thì ai biết", nam diễn viên kể.
Ông cũng chẳng so bì với lớp nghệ sĩ sau này khi báo chí truyền thông đã phát triển họ có nhiều điều kiện được khán giả biết tới hơn, có chế độ đãi ngộ tốt hơn. "Ngày xưa nhà nước mình quan tâm đến nghệ sĩ lắm, hồi đó bọn tôi nghèo mà đói quá mới đề ra mức bồi dưỡng ngoài lương là 72 đồng và 36 đồng. Tôi được mức 72 đồng nhưng nào có được nhận, ngày đó ông lãnh đạo lại lấy hết số tiền đó bảo cấp dưỡng đi mua thịt mua cá để cả đoàn liên hoan một bữa. Tôi đứng nhìn cảnh đấy không dám ăn, có người còn khóc vì ở nhà vợ con không có gì ăn mà mình ngồi liên hoan thế này không nuốt được. Mãi về sau mới bỏ chế độ đó quy ra đường sữa để chúng tôi mang về nhà. Ngày đó chúng tôi không có tiếng nói chẳng thể thấy bất công là lôi điện thoại máy ảnh ra đưa lên mạng tố cáo như bây giờ".
Chẳng bao giờ đòi hỏi nên hay bị cắt xén thù lao
Trải qua bao thăng trầm với những tháng năm bom đạn của chiến tranh, cuộc sống khó khăn nhưng cuối cùng vợ chồng ông vẫn vượt qua tất cả để nuôi 7 người con trưởng thành. Để có được ngày hôm nay, người mà NSƯT Trần Hạnh biết ơn nhiều nhất có lẽ chính là người vợ tần tảo của mình. Ông kể: "Tôi lấy vợ khi mới 23 tuổi, đang tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai. Một hôm nhận được điện khẩn cấp: Về ngay, mẹ sắp mất. Về đến nhà, hóa ra, mẹ vẫn bình yên, gia đình chỉ muốn tôi lấy vợ".
Thế là từ đó hai con người cùng cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thuở nào lại sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Cho đến năm 2011, vợ ông qua đời vì căn bệnh tai biến khiến ông hụt hẫng hơn một năm trời vì buồn bã, cô đơn. Những ngày còn sống bà là chỗ dựa cho cả gia đình để ông đi theo nghệ thuật. Ông kể: "Ngày đó tôi đi làm nghèo lắm, lương ba cọc ba đồng, nhiều lúc về đưa vợ được ít tiền bà còn cáu lên tôi ham làm diễn viên mà để vợ con đói khổ. Có lần bà ý còn định cho luôn cả bằng khen danh hiệu của tôi vào lò đốt. Ấy vậy mà sau cùng bà ấy vẫn chăm chỉ làm lụng nuôi các các con cho tôi đi diễn".
Trước khi về sống trong căn nhà hiện tại, NSƯT Trần Hạnh đã trải qua 4 - 5 lần chuyển nhà. Từ ngôi nhà chật chội, nhiều thế hệ chung sống nằm sâu trong ngõ Phất Lộc đến nhà ở phố Hàng Tre, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Bồ… Ông chia sẻ, căn nhà bây giờ được mua bằng tiền của vợ vì ông đóng phim cả đời không mua nổi căn nhà. NSƯT Trần Hạnh cũng tâm sự, 2 năm nay ông chẳng đóng phim gì và cũng không thấy ai gọi ông nữa. “Cũng phải thôi, tôi già rồi, đi lại cũng khó khăn hơn trước. Người trẻ họ không nói ra thôi chứ bản thân mình tự thấy nhiều khi không theo kịp nữa. Kể ra, có vai diễn thì vẫn vui hơn”.
Cách đây hơn 1 năm NSƯT Chí Trung đã kêu gọi quyên góp để NSƯT Trần Hạnh có tiền sửa sang lại căn nhà đã xuống cấp.
Nói về cát xê, ông cũng chẳng phải là người đòi hỏi nhiều, ai trả bao nhiêu thì biết vậy chẳng bao giờ đòi hỏi thêm. Có lẽ cũng vì vậy mà ông nghèo lại hay bị trả thù lao thấp. NSƯT Trần Hạnh kể: "Tôi nhớ hồi đóng vai chính trong bộ phim nhựa Chiếc bình tiền kiếp ông được trả 600 nghìn. Có người trong đoàn phim bảo làm vậy mà được trả có như vậy thì sao mà sống được. Đến phim Chuyện cổ tích tuổi 17 tôi được trả rẻ mạt đến mức khi nhận tiền thù lao nghệ sĩ Ngọc Lan còn bức xúc thay tôi... Từ đó tôi coi đó là những gương mặt không chơi được".
Khi được hỏi vì sao không lên tiếng ông cũng chẳng bức xúc vì dù có nói ra thì cùng lắm cũng chỉ được trả thêm ít tiền rồi lại tiêu hết. Với ông làm phim tốt nghiệp với sinh viên lại thấy thoải mái hơn vì các bạn trẻ rất có tâm dù mình chẳng đòi hỏi gì nhưng lại được họ đối xử một cách rất trân trọng. "Bây giờ tôi cũng chẳng có nhiều vai nữa, lâu lâu có mấy cậu sinh viên mời đi đóng một vài vai là vui lắm rồi đâu cần gì nhiều", ông nói thêm.
Dù bị tiếng “nhiệt tình thái quá”, nhưng nghệ sĩ Chí Trung đã giúp ông Trần Hạnh sửa được căn nhà cũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.