Tránh "bẫy" tái nghèo sau hỗ trợ: Có nghề không thể mãi nghèo…

N.D Thứ tư, ngày 18/11/2020 15:27 PM (GMT+7)
Để người dân tránh "bẫy" tái nghèo sau hỗ trợ, những năm qua, ngoài các gói hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ có điều kiện, việc dạy nghề cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn được các địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện. Đây được coi là con đường ngắn nhất để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Con đường ngắn nhất để giảm nghèo bền vững

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu (Đông Anh, Hà Nội) đã nhiều năm thuộc diện hộ nghèo. Do sức khỏe yếu, có 2 con nhỏ, chị Thu không thể đi làm thuê mà chỉ loanh quanh ở nhà trông con và trồng rau ở mảnh vườn nhỏ cạnh nhà. Chồng chị làm phụ hồ nhưng thu nhập cũng bữa đực, bữa cái. 

Năm 2018, được tham gia lớp học nghề trồng nấm, chị Thu cùng chồng mạnh dạn vay vốn, đầu tư làm mô hình. Nhờ trồng nấm mà sau 2 năm, gia đình chị Thu không chỉ thoát khỏi diện hộ nghèo, mà dần có thu nhập ổn định, không bị tái nghèo và có điều kiện sửa lại căn nhà khang trang.

Lao động nông thôn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) học nghề mây tre đan. Ảnh: Hà Hiền

Lao động nông thôn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) học nghề mây tre đan. Hà Hiền

Dạy nghề cũng là một trong những mục tiêu được Hà Nội chú trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, những năm qua, một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã áp dụng mô hình đào tạo nghề thu hút được nhiều lao động tham gia. Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt.

Điển hình như mô hình đào tạo nghề may công nghiệp tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, giúp người lao động đạt mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng; mô hình nghề sản xuất mây, tre, giang đan tại huyện Chương Mỹ, phối hợp đào tạo với doanh nghiệp cho thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng; mô hình đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nấm ăn, nấm dược liệu tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, cho thu nhập khoảng 2,5-3 triệu đồng/người/tháng...

Thu nhập người dân tăng lên đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống. Tính đến đầu năm 2020, theo chuẩn Trung ương, Hà Nội còn 4.112 hộ nghèo, chiếm 0,2% và có 3.939 hộ cận nghèo, chiếm 0,19% tổng số hộ dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giảm từ 2,97% năm 2016 xuống còn 0,2%.

Tương tự, tại Hải Dương, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, ngoài các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, vay vốn tính dụng… tỉnh còn đặc biệt quan tâm triển khai công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho 18.184 lao động nông thôn; 16.009 lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 lên 75% năm 2020. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giải quyết và tạo việc làm cho 182.523 lao động...

Việc triển khai hiệu quả các giải pháp đã góp phần tạo ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thu nhập của người dân tăng lên hằng năm, năm 2020 thu nhập bình quân ước đạt 4,39 triệu đồng/tháng (tăng 1,4 triệu đồng/tháng với năm 2015). Các chỉ tiêu cơ bản về thu nhập, nhà ở và phương tiện sinh hoạt phục vụ đời sống người dân hằng năm đều tăng.

Thiết kế đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo

Nhận định về tầm quan trọng của việc dạy nghề cho lao động nông thôn trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng lao động nông thôn được đào tạo, nâng cao kỹ năng không ngừng tăng lên. Bình quân mỗi năm có trên 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề. 

Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 78-81%. Chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn tăng lên cũng góp phần quan trọng trong vấn đề tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiêu chí nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

Có nghề không thể mãi nghèo… - Ảnh 2.

Mô hình trồng rau sạch của nông dân ở Đông Anh (Hà Nội). I.T

Ngoài việc đào tạo nghề ngắn hạn, theo các chuyên gia cần thiết kế việc đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Bà Dung nhấn mạnh, giáo dục nghề nghiệp có thể rất hiệu quả trong việc giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo một cách bền vững, để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo việc làm là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất.

Nhấn mạnh điều này, tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, nhiều nghiên cứu đã cho thấy, nghèo đói có tương quan trực tiếp với trình độ, năng lực của con người, do đó, kỹ năng và khả năng làm việc là những đóng góp quan trọng vào việc giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và tăng cường ổn định chính trị.

Theo bà Dung, ở Việt Nam, các chính sách giáo dục nghề nghiệp nhắm vào người nghèo dường như chỉ tập trung vào giáo dục cơ bản hoặc đào tạo ngắn hạn, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được công nhận rộng rãi là một công cụ thiết yếu để giảm nghèo. 

Bà Dung cho rằng, quan điểm này phải được thay đổi. Thông thường các chương trình giải quyết tình trạng nghèo đói bao gồm tập huấn ngắn hạn thay vì các chương trình đào tạo nghề, đây là một cách tiếp cận chưa phù hợp để giảm nghèo bền vững. 

Đào tạo không chính thức có thể giúp giảm nghèo trong ngắn hạn. Đối với một nền kinh tế đang hướng tới việc giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức thì việc đào tạo ngắn hạn sẽ không đủ.

Do đó, việc đề xuất chủ trương đầu tư dự án phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là hết sức phù hợp và cần thiết. 

Bà Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giáo dục nghề nghiệp phát huy tốt nhất vai trò góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem