PV Báo điện tử Dân Việt đã trao đổi nhanh với luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội) xung quanh vấn đề này. Luật sư Tuấn cho biết:
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội
Giáo viên trường phổ thông công lập thuộc biên chế ngạch viên chức. Do đó quyền, nghĩa vụ của họ được quy định trong Luật viên chức.
Khoản 1, Điều 17 luật này quy định: Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp là “Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng”. Bên cạnh đó Khoản 1, Điều 19 quy định những việc viên chức không được làm là “Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.”
Như vậy Ban Giám hiệu phân công giáo viên đi dự thi giáo viên dạy giỏi là có căn cứ. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 6, Điều 11, Luật viên chức quy định quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp là “6. Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật”; bên cạnh đó tại điểm 2, Công văn số 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “2. Việc tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức.”
Từ những căn cứ nêu trên thì mặc dù Ban Giám hiệu có quyền phân công giáo viên đi dự thi giáo viên dạy giỏi nhưng với điều kiện là giáo viên phải tự nguyện. Nếu Ban Giám hiệu ép buộc giáo viên tham gia là trái với quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trên. Giáo viên sẽ không phải chịu bất kì một hình thức xử lý kỉ luật nào khi từ chối việc phân công dự thi giáo viên dạy giỏi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.