Lễ cưới của người K’Ho Sre ở Lâm Đồng, bắt chồng vào lúc trời chập choạng tối
Lễ cưới của người K’Ho Sre ở Lâm Đồng, bắt chồng vào lúc trời chập choạng tối
Văn Long
Chủ nhật, ngày 02/07/2023 12:03 PM (GMT+7)
Khi hoàng hôn bắt đầu, trời chập choạng tối cũng là lúc gia đình cô gái Ka Phương Lan (27 tuổi, buôn Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) sẽ đến nhà trai để xin bắt rể với những lễ vật thách cưới đã được hai nhà bàn bạc trước đó.
Các nghi lễ quan trọng trong lễ cưới của cặp đôi Ka Phương Lan và K'Chung được thực hiện tại nhà gái.
Hôm nay, người dân buôn Bồ Liêng rất vui mừng, đặc biệt là trẻ em trong buôn rất thích thú bởi tối nay cả buôn sẽ có tiệc mừng lễ cưới của Ka Phương Lan. Năm nay Phương Lan 27 tuổi và được mẹ là bà Ka Phen cùng gia đình đồng ý đến hỏi bắt K’Chung về làm chồng.
Đồng bào người K’ho Sre ở Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ, vì vậy, người phụ nữ có vai trò quyết định trong việc hôn nhân. Gia đình nhà trai sẽ là bên thách cưới nhà gái khi hai bạn trẻ đã ưng nhau sau thời gian tìm hiểu. Tuy vậy, trên thực tế đời sống hiện nay thì người chủ động tìm hiểu và tỏ tình vẫn là những chàng trai.
Lễ cưới của người K'ho Sre tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng gắn liền với tiếng chiêng và các nghi lễ quan trọng khác. Ảnh: Võ Thành.
Theo phong tục của người K’ho Sre, khi chàng trai và cô gái đã hẹn hò, ưng nhau thì cô gái chủ động lấy của chàng trai một chiếc khuy áo hoặc một vật gì đó bất kì. Đây như một thỏa thuận từ thời điểm đó, chàng trai đã chính thức thuộc về cô gái, việc kết hôn sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể. Ka Phương Lan và K’Chung cũng vậy, họ đã có thời gian tìm hiểu và quyết định đi đến hôn nhân để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.
Lễ cưới của đôi bạn trẻ này cũng không ngoại lệ với cách làm truyền thống của người K’Ho Sre, gia đình Ka Phương Lan cũng phải thực hiện nghi thức bắt rể. Nghi lễ này bắt buộc phải có ông bà mai mối đi cùng gia đình nhà gái. Ông bà mai mối phải là người giỏi, có tài ăn nói, xử lý tình huống. Thường thì người mai mối của người K’ho Sre chính là cậu của cô gái muốn đi bắt chồng. Khi đi bắt rể, nhà gái chuẩn bị sẵn chiếc còng bằng đồng hoặc bạc, khi nhà trai đồng ý, đại diện nhà gái sẽ đeo chiếc vòng vào vào cổ chàng trai để khẳng định chàng trai đã "có chủ".
Mặc dù đã ưng cô gái đến bắt con mình làm chồng nhưng họ nhà trai vẫn giả bộ từ chối vài lần với lý do: "Con tôi còn nhỏ, chưa biết làm ăn, còn đang ăn bám bố mẹ, chưa có kinh nghiệm trong gia đình đâu. Anh chị thông cảm" như để thử lòng của nhà gái. Thế nhưng, vài ngày sau, nhà gái vẫn tiếp tục đến nhà trai hỏi cưới và hứa sẽ giúp đỡ, thương yêu chàng trai và xin cưới. Việc hỏi cưới này nhiều khi phải thực hiện nhiều lần thì gia đình nhà trai mới đồng ý. Đối với trường hợp nhà trai khước từ, không chịu cho cưới thì nhà gái sẽ đưa vật chứng ra và bắt nợ. Trong trường hợp nhà trai đồng ý, nhà gái sẽ trở về chuẩn bị cho việc thách cưới.
Khi ông mối cùng gia đình nhà gái đến nhà trai thì ông mối của nhà trai đưa cho ông mối nhà gái một bó lạt gồm nhiều sợi ngắn dài khác nhau. Theo quy ước từ xưa sợi dài nhất tượng trưng cho 1 con trâu, ngắn hơn là con heo, cái ùi, hạt cườm….Và theo tục lệ của người K’Ho, mọi người trong dòng họ nhà trai đều được quà cưới. Trong đó ông cậu là người được hưởng nhiều nhất. Khi được đồng ý, ông mối nhà gái sẽ về và bạc bạc với cha mẹ và họ hàng nhà gái đến khi 2 họ thống nhất với nhau về lễ vật. Từ lúc này, chàng trai sẽ ở lại bên nhà gái. Đến trước ngày nhà gái tổ chức lễ cưới,chàng trai sẽ trở về nhà mình để chuẩn bị cho nhà gái đến rước rể.
Lễ cưới của Ka Phương Lan và K’Chung cũng đã trải qua những giai đoạn trên. Và hôm nay, khi mặt trời xuống núi, trời chập choạng tối, các thành viên trong gia đình K’Chung sẽ đến nhà bà K’Phen, mẹ của cô dâu ka Phương Lan để làm lễ cưới. Để đón tiếp nhà trai, gia đình bà K’Phen đã chuẩn bị trước một con gà và một con heo cột ở chân cầu thang của nhà sàn. Trước khi bước lên nhà, các thành viên trong phái đoàn họ nhà trai sẽ đụng vào con heo này. Đây được là con heo đụng với ý nghĩa: Hôm nay Yang (thần linh) cùng chúng tôi đã chứng kiến đám cưới của chàng trai và cô gái.
Khi các nghi lễ được thực hiện xong cũng là lúc tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên báo hiệu thời gian ăn mừng cho lễ cưới bắt đầu. Các chàng trai, cô gái trong buôn làng theo tiếng chiêng, tiếng trống nhảy bên đống lửa bập bùng. Đây cũng có lẽ là cơ duyên của nhiều cặp đôi khác trong buôn làng sau lễ ăn mừng lễ cưới của Ka Phương Lan và K’Chung.
Tham dự lễ cưới của Ka Phương Lan và K’Chung, chị K’Hằng cho hay: "Tôi rất vui khi được tham dự lễ cưới truyền thống của Phương Lan và K’Chung. Đây là lễ cưới được thực hiện theo cách truyền thống của người xưa để lại. Phong tục của ông bà từ thời xa xưa rồi, vì vậy ta phải lưu giữ bản sắc đó lại để truyền cho con cháu mình sau này. Đây là nét đẹp của người K’Ho Sre, tôi mong nét đẹp này sẽ được trường tồn mãi mãi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.