Đuổi vợ là... đương nhiên "chấp nhận được"?

Thứ năm, ngày 14/04/2011 20:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo khảo sát, đa số mọi người cho rằng chửi mắng, thậm chí chồng có đánh vợ vài bạt tai cũng là "bình thường", "được phép". Còn hành vi "đuổi vợ con ra khỏi nhà" là điều đương nhiên chấp nhận được...
Bình luận 0

Sau hơn 3 năm đi vào cuộc sống, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) như một "chiếc roi" giơ lên để hạn chế các hành động bạo lực. Nhưng trên thực tế, "chiếc roi" chưa phát huy tác dụng. Đây là nhận định được đưa ra trong khảo sát "Đánh giá tình hình thực hiện Luật PCBLGĐ do Mạng giới và phát triển cộng đồng trên 4 tỉnh, thành đại diện vừa được công bố.

Đuổi vợ là "chấp nhận được"?

img

Nhiều phụ nữ vẫn “bị” khuyên nhịn nhục khi bị chồng hành hạ. (Ảnh minh họa).

Nghiên cứu đã tiến hành tại 4 xã thuộc Đà Nẵng, Yên Bái, Hà Nam và TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Cả đánh giá định tính và định lượng. 90% người dân được hỏi đã khẳng định có nghe về Luật PCBLGĐ, trong đó Đà Nẵng cao nhất (gần 97%), còn TP.HCM chỉ được gần 77%.

Tuy nhiều người nghe đến Luật PCBLGĐ nhưng chỉ 72% số người này hiểu đúng về 7 loại hành vi BLGĐ. Đáng chú ý, ở xã Văn Xá (Kim Bảng, Hà Nam), tỷ lệ người dân nhận biết đúng về BLGĐ thấp nhất (42,6%).

Tại tất cả các địa phương, chỉ dưới 40% cho rằng hành vi "chửi mắng, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín" là BLGĐ. Đa số mọi người cho rằng chửi mắng, thậm chí chồng có đánh vợ vài bạt tai cũng là "bình thường", "được phép".

Còn hành vi "đuổi vợ con ra khỏi nhà" là điều đương nhiên chấp nhận được (chỉ xấp xỉ 1% cho rằng đó là BLGĐ).

Với nhận biết sai lệch này nên chỉ hơn 40% người dân cho biết có BLGĐ xảy ra ở thôn, xã mình. Khi có bạo lực thì hàng xóm lại trở thành "anh hùng" để can ngăn các vụ BLGĐ. Hơn 45% người được hỏi cho biết các vụ bạo lực có sự can thiệp của thành viên tổ hòa giải và cán bộ thôn.

Đặc biệt, chỉ có 33% người cho biết: Công an và thành viên gia đình đứng ra can ngăn. Công an không mấy khi có mặt tại địa bàn xảy ra bạo lực nên khó can thiệp kịp thời. Nhưng điều khó hiểu chính là những người thân trong gia đình lại không phải là người đứng ra can ngăn và hòa giải.

Vẫn trông chờ vào phụ nữ

Các cơ quan, tổ chức địa phương nên có những buổi xử lý các vụ việc gia đình "mẫu" tại cơ sở để giúp người dân hiểu cụ thể, sâu sắc hơn về Luật và xây dựng thêm những "bàn tay sắt" của dư luận để tẩy chay BLGĐ.

Anh Lê Văn Ấp (Bình Chánh, TP. HCM) cho biết: "Nên nín nhịn để khỏi xấu hổ. Cách này giữ được êm thấm gia đình, giữ trật tự trong khu phố. Thiệt thòi cho vợ, họ phải chấp nhận. Bữa nay bị đánh, bữa mai thì được thoa thuốc, được uống thuốc. Như vậy là đã được đền bù".

Có đến 70% người được hỏi cho rằng biện pháp khi có BLGĐ xảy ra là nín nhịn, chịu đựng. Hơn 20% cần có sự can ngăn, hơn 10% mong có sự vào cuộc của chính quyền và dưới 10% muốn kêu công an. Cho dù nín nhịn khiến bạo lực "leo thang" nhưng 25% nam và 4,5% nữ vẫn muốn "đóng cửa bảo nhau" khi có bạo lực xảy ra.

Việc người dân mới nghe nói đến Luật PCBLGĐ và hiểu chưa thấu đáo cũng một phần do việc triển khai tuyên truyền, phổ biến cho người dân chưa tốt. Hơn 74% người dân cho biết, trong 6 tháng qua thôn có tuyên truyền về Luật PCBLGĐ nhưng chủ yếu là lồng ghép qua sinh hoạt thôn, ấp và tuyên truyền qua loa phát thanh. Người dân có "nghe nói" đến Luật nhưng nội dung cụ thể lại không nắm rõ.

Vai trò của chính quyền trong can thiệp BLGĐ cũng xếp thứ 4 (sau Hội phụ nữ, Tổ dân phố và Tổ hòa giải). Hội phụ nữ được xem là người "gần gũi" với nạn nhân hơn, nên khuyên giải tốt hơn (lại khuyên phụ nữ nín nhịn - PV).

Những người bị BLGĐ không trông chờ vào các can thiệp của chính quyền còn chính quyền tổ tại thiếu các văn bản dưới luật (hướng dẫn xử phạt) nên còn lúng túng. Công an cũng thường phạt hành chính người gây BLGĐ vì "hành vi gây mất trật tự công cộng", không khác gì so với trước khi có Luật.

Đặc biệt, tâm lý bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình và "bảo vệ bà mẹ và trẻ em" vẫn còn khá phổ biến, cho nên dù mức độ BLGĐ có thế nào thì hầu hết cán bộ hòa giải đều khuyên "bỏ qua", "nín nhịn". Một số khác lại chạy theo thành tích "nếu hòa giải mà dẫn đến ly hôn là hoạt động không hiệu quả, là sự "thất bại" của tổ hòa giải", cho nên bằng mọi cách họ khuyên hai vợ chồng đoàn tụ. Điều này khiến nhiều phụ nữ phải chịu BLGĐ nặng nề mà không dám kêu, không còn tin vào sự can thiệp của chính quyền.n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem