Dương Chí Dũng chỉ đạo mua ụ nổi vượt giá trị thật hàng trăm tỷ đồng

Thứ năm, ngày 17/10/2013 14:44 PM (GMT+7)
Mặc dù được đoàn đi khảo sát báo cáo rằng ụ nổi 83M đã cũ nát, hư hỏng nhiều, không còn hoạt động, nhưng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo phải lập báo cáo ụ nổi 83M đủ điều kiện mua.
Bình luận 0
Khi đoàn khảo sát đi Nakhodka (Liên bang Nga) về báo cáo cho Dương Chí Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines rằng ụ nổi 83M đã cũ nát, hư hỏng nhiều, không còn hoạt động, nhưng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc - nguyên Tổng GĐ Vinalines vẫn chỉ đạo phải lập báo cáo ụ nổi 83M đủ điều kiện mua.
img
Ụ nổi 83M và bị can Dương Chí Dũng (ảnh nhỏ).
Ụ nổi 83M là một phần của nhà máy của Vinalines. Tháng 10.2008, Vinalines mới có quyết định phê duyệt đầu tư dự án nhà máy nhưng từ tháng 7.2007, Vinalines đã tổ chức đấu thầu nhập khẩu ụ nổi. Trong quá trình tổ chức chào giá cạnh tranh lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu. Trong hồ sơ của Vinalines chỉ có 2 đơn vị gửi thư chào bán ụ nổi là Công ty AP (Singapore) chào bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 tại Thụy Điển và ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản; Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988 tại Nam Tư. Khi tổ chức khảo sát, Vinalines chỉ khảo sát 2 ụ nổi do Công ty AP chào bán.

Tháng 7.2007, Mai Văn Phúc ký quyết định thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tình trạng ụ nổi 83M tại Nakhodka. Đoàn gồm: Trần Hữu Chiều – Phó TGĐ Vinalines, kiêm trưởng ban QLDA, Mai Văn Khang – Phó trưởng ban đóng tàu biển Vinalines, Trần Hải Sơn – Phó ban QLDA, Lê Văn Dương – Giám định viên Cục đăng kiểm VN, Trịnh Lương Quang – cán bộ ĐH Bình Dương phiên dịch tiếng Nga.

Khi đến Nakhodka, Đoàn công tác đã kiểm tra hồ sơ và lên ụ nổi kiểm tra trực tiếp tình trạng kỹ thuật. Qua khảo sát, Đoàn công tác biết rõ chủ sở hữu ụ nổi 83M là Công ty Nakhodka, Công ty AP chỉ là môi giới. Ụ nổi 83M sản xuất từ năm 1965 tại Nhật Bản đã hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Liên bang Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka đưa ra giá đàm phán bán ụ nổi 83M dưới 5 triệu USD.

Khi trở về, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang và Trần Hải Sơn đã báo cáo cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về những thông tin trên. Thế nhưng cả Dũng và Phúc vẫn chỉ đạo phải lập báo cáo kết quả khảo sát đủ điều kiện mua ụ nổi 83M qua Công ty AP, không mua trực tiếp của Công ty Nakhodka.

Căn cứ vào tờ trình của thuộc cấp, ngày 8.10.2007, Dương Chí Dũng ký quyết định số 1003/QĐ –HĐQT phê duyệt đầu tư dự án mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD, phương thức mua sửa chữa tại Liên bang Nga và lai dắt về Việt Nam. Ngày 15.2.2008, Dương Chí Dũng lại ký quyết định 186/QĐ – HĐQT phê duyệt điều chỉnh phương thức mua từ sửa chữa ụ tại Nga, lai dắt về Việt Nam sang vận chuyển ụ nổi bằng tàu nâng nặng, tự tổ chức sửa chữa tại Việt Nam nâng tổng mức đầu tư từ 14,136 triệu USD lên 19,5 triệu USD, trong đó 9 triệu USD là tiền mua ụ nổi qua Công ty AP.

Mặc dù hợp đồng mua ụ nổi 83M giữa Vinalines và Công ty AP có những điều khoản cụ thể, nhưng phía Vinalines lại cố ý làm trái trong việc thanh toán hợp đồng tạo sự ưu đãi đặc biệt cho Công ty AP. Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều ký thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP nhưng phía Vinalines lại chưa nhận được các chứng từ theo quy định tại hợp đồng. Việc làm này trái với khoản 2 điều 50 Luật Thương mại.

Để ụ nổi cũ nát vào được Việt Nam, Dương Chí Dũng và thuộc cấp đã được sự tiếp tay của một số cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa. Mặc dù biết ụ nổi 83M là tàu biển đã cũ nát, không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng một số cán bộ tại Chi cục Hải quan Vân Phong đã không báo cáo lãnh đạo Chi cục, tự ý làm thủ tục cho thông quan, nhập khẩu. Trách nhiệm này thuộc về Huỳnh Hữu Đức – Phó Chi cục Hải quan Vân Phong, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng – đều là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong. Theo cơ quan điều tra, nếu các cán bộ hải quan trên làm đúng chức trách được giao thì Vinalines không thể nhập khẩu được ụ nổi và Vinalines không ký được 3 ủy quyền ghi nợ tài khoản chuyển 8,1 triệu USD cho Công ty AP (khoản thanh toán 9 triệu USD, 900.000 USD đã được đặt cọc trước).
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định: Căn cứ vào hợp đồng mua bán ụ nổi 83M giữa Công ty AP và Công ty Nakhodka, tờ khai hải quan do Công ty Nakhodka khai và các tài liệu liên quan khác, cho thấy Công ty Nakhodka bán giá ụ nổi 83M với giá 2,3 triệu USD, tương đương hơn 37 tỷ đồng (thời giá quy đổi tháng 6.2008).
Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem