Thưa ông, hiện nay dư luận đang đặt câu hỏi là có quá nhiều các dự án thủy điện nhỏ ở miền Trung. Ông đánh giá về nhận định này như thế nào?
- Đúng là hiện nay đang có quá nhiều các dự án thủy điện nhỏ ở miền Trung, chưa kể các dự án đang và sắp triển khai. Các dự án thủy điện này công suất không lớn.
Chúng ta cần điện vào mùa khô thì các dự án thủy điện nhỏ hầu như không sản xuất được điện và hiệu suất của thủy điện nhỏ vào mùa khô rất thấp.
Còn mùa mưa, thủy điện nhỏ sản xuất được điện thì cũng không cần nốt vì bản thân các nhà máy thủy điện của EVN (Tập đoàn Điện lực VN) đã sản xuất đủ điện để cung cấp cho nền kinh tế. Như vậy, đầu tư thủy điện nhỏ càng nhiều càng không có lợi.
Quan điểm của ông ra sao trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng, thủy điện nhỏ miền Trung đang góp phần làm nặng thêm hậu quả lũ lụt?
- Nhiều khi chúng ta chỉ tính đến lợi ích trước mắt khi triển khai đầu tư các dự án thủy điện nhỏ. Có dự án thủy điện cũng đồng nghĩa là có tiền.
Đầu tư thủy điện nhỏ không quá tốn kém mà lại mang lại lợi ích cho ngân sách địa phương, cho một bộ phận người nào đó... nên nhiều dự án không đem lại hiệu quả lớn vẫn được triển khai đầu tư. Và bản thân các dự án thủy điện nhỏ đã phá hại môi trường rất lớn.
|
Thủy điện A Vương (Quảng Nam) xả lũ hồi cuối tháng 9 - 2009 đã góp phần gây lũ lớn vùng hạ du sông Vu Gia, Thu Bồn. |
Vì khi một dự án thủy điện được triển khai người ta phải chặt cây, làm đập, mở đường, kéo điện... Khi cây cối bị chặt, đất đá bị xới lên thì sẽ làm cho môi trường bị biến dạng và tất nhiên, điều này sẽ làm cho lũ lụt, thiên tai trở nên nặng nề thêm.
Sự cố ở thủy điện Hố Hô có nguy cơ vỡ trong trận lũ lớn vừa qua cảnh báo gì về các nhà máy thủy điện, thưa ông?
"Tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương nên xem xét hạn chế đầu tư các dự án thủy điện nhỏ vì các dự án này không những không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân, nhưng rất tiếc những kiến nghị đó đến nay vẫn chưa được thực hiện!".
- Từ trước tới nay khi đầu tư các dự án thủy điện, chúng ta đa phần chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà ít quan tâm tới các vấn đề về môi trường, môi sinh. Do đó, nhiều khi các yếu tố kỹ thuật, an toàn với môi trường, môi sinh đã không được quan tâm nhiều và thực thi có bài bản.
Sự cố thủy điện Hố Hô là một cảnh báo về an toàn của các nhà máy thủy điện hiện nay. Nếu chúng ta không có một sự kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng có thể sẽ gây những hậu quả về người và tài sản của người dân sống gần các nhà máy thủy điện.
Nhiều địa phương và chủ đầu tư các dự án thủy điện cho rằng, các nhà máy thủy điện nhỏ không phải không cần thiết vì nó còn có nhiệm vụ phân lũ, chậm lũ. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?
- Điều này hoàn toàn không đúng. Các dự án thủy điện nhỏ không hề có tác dụng phân lũ hay chậm lũ. Dự án thủy điện nhỏ đều không có lòng hồ chứa nước thì không thể nói là làm giảm thiểu thiệt hại khi có lũ lụt hay làm nhiệm vụ phân lũ, chậm lũ được. Thủy điện nhỏ cũng không thể ngăn được lũ. Do vậy thủy điện nhỏ gây hại nhiều hơn là lợi ích mà nó mang lại.
Trong cuộc khảo sát về các dự án thủy điện trên cả nước gần đây nhất, Bộ Công Thương đã kiến nghị bỏ bớt các dự án thủy điện nhỏ?
- Theo tôi, các dự án thủy điện nhỏ hay vừa khi triển khai đầu tư thì phải được cân đối với đầu tư của ngành điện lực VN. Chúng ta đừng thấy thiếu điện mà "nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện". Thủy điện nhỏ bậc thang thì nên khuyến khích triển khai bởi nó được xây dựng theo mô hình hồ thủy điện lớn và các hồ nhỏ làm theo bậc thang.
Bộ Công Thương phải chỉ đạo quyết liệt không để các địa phương làm thủy điện tràn lan, loạn xạ. Bộ Công Thương phải nắm rõ quy hoạch, cấp phép cho các dự án thủy điện. Các tỉnh không nên "dính líu" vào việc cấp phép hay thẩm định các dự án thủy điện này.
Ông Trần Viết Ngãi
Nước ở hồ lớn chảy xuống hồ nhỏ để phát điện, các nhà máy này sẽ đem lại nhiều tác dụng. Còn thủy điện nhỏ chúng ta thường đầu tư hiện nay (hay còn gọi thủy điện treo) phải xây đập, không có lòng hồ như tôi đã nêu ở trên thì cần phải kiên quyết dẹp.
Chúng ta cần tính tới việc sản xuất điện từ than, gió... vì các nhà máy điện này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và bảo vệ được môi trường. Các địa phương chậm hoặc không thực thi việc hạn chế hoặc dẹp bỏ các dự án thủy điện nhỏ có thể vì ngân sách của địa phương cần tiền. Bản thân nhiều địa phương lại không hiểu về kỹ thuật nên mới xảy ra những tình trạng như vậy.
Vậy theo ông, chúng ta phải làm thế nào thì mới thực hiện được việc hạn chế cấp giấy phép và rút giấy phép các dự án thủy điện gây hại?
- Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này. Bộ Công Thương phải chỉ đạo quyết liệt không để các địa phương làm thủy điện tràn lan, loạn xạ. Bộ Công Thương phải nắm rõ quy hoạch, cấp phép cho các dự án thủy điện.
Các tỉnh không nên "dính líu" vào việc cấp phép hay thẩm định các dự án thủy điện này. Hiện nay, kể cả các dự án thủy điện đã nằm trong quy hoạch và được Chính phủ phê duyệt thì cũng phải nên xem xét lại.
Chỉ cần Chính phủ "quyết" không cho làm nữa thì dù nằm trong quy hoạch và đã được phê duyệt thì cũng không địa phương nào dám triển khai.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)
Không thể chạy theo lợi ích cục bộ
Thời gian qua, cả nước trong đó đặc biệt là miền Trung đã phát triển ồ ạt thuỷ điện, phát triển quá nhanh, thiếu
quy hoạch tổng thể, và không tính tới hiệu quả tổng thể trong lưu vực.
Về việc này, trước mắt, đối với những thuỷ điện đã xây dựng rồi cần phải xem xét lại tất cả các yếu tố, nhất là những yếu tố kỹ thuật để đảm bảo vận hành một cách an toàn, đúng quy trình.
Với những dự án sắp hoặc đang tiến hành cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, có căn cứ khoa học từ khâu lập quy hoạch đến xây dựng; rồi nghiên cứu cả lưu lượng nước sông suối…
Tôi cũng cho rằng, đã đến lúc phải gắn trách nhiệm với cộng đồng của nhà máy thuỷ điện. Chúng ta phải hướng đến lợi ích chung của quốc gia, toàn dân chứ không phải của riêng bộ, ngành hay tổ chức, doanh nghiệp nào.
Trên thực tế, việc đầu tư vào thuỷ điện về lâu dài là rất có lãi. Việc đổ xô đầu tư vào thuỷ điện chắc chắn phải có yếu tố lợi nhuận, song lợi ích của doanh nghiệp không phải là tất cả mà phải đặt trong lợi ích toàn cục.
Không thể chỉ vì mục tiêu làm thuỷ điện mà ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái, đến phát triển nông nghiệp, đến đời sống của người dân trong lưu vực.
Ông Phạm Văn Tân - Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Cần kiểm tra quy trình vận hành hồ Hố Hô
Rà soát, xem xét lại toàn bộ quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ trên toàn quốc là việc rất nên làm. Việc đó phải làm từ các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương lẫn sự tham gia của chính quyền địa phương...
Theo tôi, nhà nước cần tổ chức đoàn kiểm tra quy trình vận hành hồ Hố Hô. Nếu quy trình không đúng cần sửa lại cho phù hợp để đảm bảo được an toàn ở phía hạ du.
Nếu do sai sót của công trình đó gây thiệt hại cho nhà nước, cho nhân dân, chủ sở hữu của công trình đó phải có trách nhiệm.
GS. TSKH Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam
Thanh Xuân - Hữu Thông (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.