Thuỷ điện, giao thông gây lũ là có thật

Chủ nhật, ngày 31/10/2010 09:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “ Việc thiếu điện sẽ được nhiều đại biểu đặt ra tại kỳ họp Quốc hội lần này, trong đó có thuỷ điện. Chắc chắn, tôi và nhiều đại biểu sẽ lại đặt vấn đề thuỷ điện gây lũ” - ông Ngô Văn Minh - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Bình luận 0

“Có thật dân mới phản ánh”

Thưa ông, các kỳ họp Quốc hội trước, ông đã nhiều lần đề cập đến vấn đề thuỷ điện và lũ lụt. Lần này, một số đại biểu lại đề cập tiếp. Quan điểm của ông về vấn đề này hiện nay thế nào?

- Tôi vẫn giữ quan điểm như những phát biểu trước. Bản thân thuỷ điện không có tội, quan trọng là

img
 

chúng ta đã xây dựng và vận hành thế nào. Khi quyết định xây dựng một công trình thuỷ điện phải đảm bảo được mục tiêu tổng quát.

Trong đó, ít nhất phải đạt được 3 mục tiêu cơ bản là: Cung cấp điện; góp phần ngăn lũ, điều tiết nước và giải quyết lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương tại vùng dự án. Nếu không đạt được 3 mục tiêu đó thì không nên xây.

Vấn đề thứ hai là quy trình xả lũ liên hồ. Chúng tôi không nói rằng, các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi hiện nay không có quy trình xả; nhưng chúng tôi đặt vấn đề là quy trình đó đã hợp lý chưa. Vấn đề này tôi đã nói ở nhiều kỳ họp trước.

Tuy nhiên, hiện nay, tôi không biết Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT ngồi lại giải quyết vấn đề này đến đâu rồi. Nhưng những lo ngại vừa qua ở hồ Hố Hô, Kẻ Gỗ của Hà Tĩnh một lần nữa nhắc lại câu hỏi về tác hại của các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, trong đó có quy trình xả lũ liên hồ.

img
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cứu hộ một bà cụ 82 tuổi tại xã Tân Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình trong trận lũ vừa qua.

Ở kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2009), đại diện Chính phủ đã khẳng định, lũ miền Trung không phải là do thuỷ điện. Ông bình luận thế nào về ý kiến này?

- Bản thân thuỷ điện không bao giờ là nguyên nhân chính, cái cần làm rõ là chúng ta đã quy hoạch và vận hành thuỷ điện tốt chưa. Còn về tác hại của việc quy hoạch, vận hành thuỷ điện đối với đời sống nhân dân là rõ ràng. Dọc sông Mekong hiện nay, Trung Quốc, Thái Lan và Lào đều làm thuỷ điện và dẫn đến hậu quả là ĐBSCL của chúng ta không còn sống chung với lũ, mà sống chung với kiệt, với mặn.

Vì vậy, tôi cho rằng câu trả lời của Chính phủ chưa thoả đáng. Liệu Chính phủ nói rằng: “Không nên đổ tội cho thuỷ điện” là đã đủ chưa? Nhân dân ta chất phác, thật thà thường thấy gì nói đó. Trước đây, khi trời mưa nhưng không gây lũ, từ khi có hồ thuỷ điện, có lũ nhiều hơn thì dân phản ánh. Nếu Chính phủ thấy không phải vậy thì phải khảo sát và giải thích rõ.

Chính phủ nên làm quyết liệt hơn

Sau kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, Chính phủ đã hứa sẽ rà soát lại các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi. Theo những thông tin ông nắm được, việc rà soát đã được tiến hành đến đâu?

- Sau kỳ họp đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã tiến hành rà soát. Ở Quảng Nam, UBND tỉnh đã trình HĐND xem xét để giảm số lượng các công trình thuỷ điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Các công trình của T.Ư phê duyệt được giữ lại, còn các dự án nhỏ, do tỉnh quyết định sẽ nghiên cứu bỏ bớt.

Hệ thống Vu Gia - Thu Bồn có 10 dự án của T.Ư phê duyệt. Tuy nhiên, theo tôi, phải xem xét xét toàn diện lại liệu số lượng 10 công trình đó có nhiều quá không. Nếu quá nhiều phải dừng lại để tránh những bức xúc của nhân dân như vụ thuỷ điện A Vương xả lũ năm 2009.

Vậy theo ông, công tác quản lý nhà nước về thuỷ điện phải thay đổi thế nào?

- Việc phân cấp quản lý giữa T.Ư và địa phương đã rõ ràng. T.Ư quyết định các công trình thuỷ điện lớn, còn các công trình nhỏ do địa phương phê duyệt.

Tuy nhiên, như đã nói, khi quy hoạch một hồ thuỷ điện cần giải quyết nhiều mục tiêu. Vì vậy, nếu phê duyệt dự án làm thuỷ điện không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà phải có nhiều bộ khác như Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT tham gia...

Do thuỷ điện là lĩnh vực rất quan trọng, Chính phủ phải đứng ra trực tiếp quản lý. Ở địa phương cũng vậy, quy hoạch nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, không thể để Sở Công Thương đơn phương thực hiện mà cần phải nhiều sở, ban ngành khác.

Trên danh nghĩa, dù là Sở Công Thương làm như hiện nay nhưng ở sở này cũng chỉ có một cán bộ thực hiện. Vậy, một người này làm sao kham nổi việc đánh giá các dự án do các doanh nghiệp trình lên và lường hết các tác động khác do công trình thuỷ điện mang lại?

Đường giao thông như những con đê

Hiện nay dọc miền Trung có hệ thống đường bộ, đường sắt. Có ý kiến cho rằng, những con đường này là một trong những nguyên nhân gây ra ngập úng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Nguyên nhân đó là có thật và thực tiễn ở Quảng Nam cũng nói lên điều đó. Miền Trung có lưu vực sông ngắn, độ dốc cao nên hệ thống đường bộ, đường sắt nhiều năm qua được cải tạo nâng cao sẽ ngăn nước lại.

Trước đây, một con đường thấp thì mực nước giữa hai bên đường chỉ chênh nhau 30 - 40cm là nước sẽ chảy tràn qua mặt đường, không gây ngập úng. Còn hiện nay, bên này đường và bên kia đường có khi mặt nước cách nhau 0,7-1m.

Năm 2007 ở Quảng Nam, chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT về vấn đề này. Nhưng Bộ GTVT trả lời rằng, khi làm đường đã tính toán khoa học và tham khảo ý kiến chính quyền địa phương. Chúng tôi chưa thấy những nghiên cứu khoa học và cam kết với địa phương đâu cả nhưng thực tế diễn ra, nhân dân và cả những lãnh đạo huyện, xã đã phản ánh ngập lụt là do đường giao thông chặn dòng nước.

Cách khắc phục hiện tượng này là phải mở rộng các cống, cầu để tăng cường thoát nước; ở vùng trũng phải làm cầu cạn đi qua chứ không nên đắp đất làm đường để rồi đường giống như những con đê chắn nước vậy.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Tiến Dũng - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Ủng hộ việc rà soát thuỷ điện

img
 

Trách nhiệm để xảy ra sự cố không mở được cửa xả lũ thuộc về chủ đầu tư và cả nhà thiết kế. Nguyên tắc là phải có cổng xả lũ dùng điện mặt trời hoặc máy phát điện dự phòng hoặc có đập tràn để xả lũ tự nhiên.

Nhưng ở đây, họ đã không tính đến điều đó. Trông chờ vào điện của nhà máy hoặc điện lưới lúc mưa lũ như vậy là rất nguy hiểm. Không phải qua đợt lũ này người dân mới lo ngại ở đập Hố Hô mà đã lo ngại ở nhiều đợt lũ trước nhưng việc xử lý ở trên rất chậm.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã gửi câu hỏi đến Bộ Tài nguyên Môi trường về việc này. Tôi cùng đồng tình với ý kiến đề xuất Quốc hội phải giám sát chuyên đề các công trình thuỷ điện. Giám sát thuỷ điện để thấy rõ yếu tố an toàn và thực trạng chặt phá rừng ở các công trình thuỷ điện.

Việc để hàng triệu mét khối nước trên đầu người dân phải xem xét kỹ lưỡng. Việc giám sát cũng phải làm rõ và đề cao trách nhiệm của ban quản lý các hồ, đập và việc duy tu bảo dưỡng. Ngoài ra, cũng cần xem lại hệ thống đường giao thông ứng cứu trong các tình huống khẩn cấp. Đây là những điều rất quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem