Duyệt chi hơn 114 tỷ đồng rửa đường ngày nắng nóng: Hà Nội giải thích thế nào?

Thành An Thứ ba, ngày 09/06/2020 17:48 PM (GMT+7)
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đã chia sẻ với báo chí xung quanh câu chuyện Hà Nội chi hơn 100 tỷ đồng rửa đường.
Bình luận 0

Liên quan đến việc tưới nước rửa đường trở lại ở Hà Nội, chiều 9/6, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, việc này UBND TP.Hà Nội đồng ý dựa trên cơ sở căn cứ đề xuất của các quận, huyện.

"Quét hút rác cũng tương đối đảm bảo. Nhưng thời tiết nắng nóng, các quận huyện có đề xuất thì UBND TP giao các địa phương chủ động, chỗ nào cần rửa đường để giảm nắng nóng. Khi cần, Sở Xây dựng sẽ có hướng dẫn thêm", ông Thắng nói.

Duyệt chi hơn 100 tỷ đồng rửa đường ngày nắng nóng: Hà Nội nói gì? - Ảnh 1.

Ông Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. (ảnh: Thành An)

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, trước đây, việc tưới nước, rửa đường được xây dựng kế hoạch, phê duyệt từ ban đầu, thậm chí có những hôm mưa cũng có trường hợp đi rửa đường gây lãng phí, không cần thiết.

Nhiều khi người dân cũng phàn nàn vì bị xe tưới nước làm bẩn quần áo khi họ đang trên đường đi làm. "Rõ ràng đây là việc cần phải xem xét, cân nhắc lại", ông Học nói.

Nhắc đến câu chuyện vận chuyển rác lên các bãi rác ở Hà Nội, ông Phạm Thanh Học nhìn nhận: Việc khoán, tính một xe chở bao nhiêu m3 cũng chưa chính xác. "Tôi cho rằng, Chủ trương của TP, của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu xem xét về vấn đề này là chính xác. Thực tế, mấy năm vừa rồi, câu chuyện chở rác, cắt cỏ, rửa đường đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng cho TP.Hà Nội", Phó ban Tuyên giáo Thành ủy nói.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thông tin, thực tế nhưng ngày vừa qua, có những tuyến đường ở Hà Nội nhiều bụi bẩn vì đang trong quá trình đô thị hóa, xây dựng nhiều. Người dân ở vùng nông thôn Hà Nội vừa rồi lại đốt rơm rạ…

Ông Phạm Thanh Học chia sẻ câu chuyện, khi ông còn làm việc trong trụ sở ở quận Hà Đông, khoảng 10 lần ông phải chặn xe hút bụi để "chấn chỉnh" việc quét, hút bụi trên đường.

"Tôi hỏi là chú quét bụi hay đi rũ bụi ra đường ở TP này... Xe đi quét có các lỗ phun nước xuống để giảm bụi mà không hiểu sao họ không chịu xả nước ra. Quét bụi mù cả lên", ông Học kể.

Duyệt chi hơn 100 tỷ đồng rửa đường ngày nắng nóng: Hà Nội nói gì? - Ảnh 3.

Xe rửa đường trên phố ở Hà Nội.

Ông Học cho rằng, cuộc sống vận động không ngừng. Trước đây không rửa đường, nhưng thời gian dài vừa qua không có mưa, bụi ra nhiều thì lại rửa đường lại, không có vấn đề gì.

"Bây giờ giao về cho các quận, huyện phải lên kế hoạch. Ví dụ quận này có bao nhiêu con đường, mật độ đi lại thế nào, khả năng thế nào, chứ không lại làm tràn lan, đường nào cũng đi tưới cũng không được. Thứ hai, ví dụ những ngày mưa thì đi rửa đường làm gì.

Tôi cho rằng đây là giải pháp rất hay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "dĩ bất biến ứng vạn biến", cuộc sống luôn luôn thay đổi cho nên việc này là bình thường. Còn việc tại sao là 114 tỷ, không có chuyện anh em tự nghĩ ra việc này. Sau này có điều kiện, có thêm tin chi tiết cụ thể sẽ trao đổi tiếp với báo chí", ông Học nói thêm.

Trước đó, UBND TP.Hà Nội vừa đồng ý kế hoạch tưới nước rửa đường tại 30 quận, huyện, thị xã. Theo đó, thành phố yêu cầu việc rửa đường tuân thủ nguyên tắc đảm bảo vệ sinh môi trường, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút và không tưới nước rửa đường trong ngày mưa.

Kinh phí rửa đường năm 2020 của thành phố trên 114 tỷ đồng từ ngân sách. Trong đó quận Cầu Giấy có dự kiến chi cao nhất gần 11 tỷ đồng, huyện Ba Vì đứng thứ hai với 7,8 tỷ đồng và thấp nhất huyện Đông Anh gần 500 triệu đồng.

Các tuyến phố, đường được rửa đường thường xuyên là những tuyến phố chính ở địa bàn quận, huyện và thường xuyên phát sinh bụi bẩn. Việc tưới nước không thường xuyên thực hiện khi có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và áp dụng đối với tuyến đường, phố, khu vực tổ chức sự kiện hoặc chống nóng; những ngày chất lượng không khí ở mức "kém"...

Căn cứ vào những tiêu chí trên, các địa phương đưa ra phương án rửa đường với từng tuyến đường, phố trên địa bàn.

Các địa phương xây dựng phương án duy trì thường xuyên, không thường xuyên công tác tưới nước rửa đường trên địa bàn, tập trung vào các khu vực trung tâm các tuyến đường chính, trọng điểm… với tần suất, thời gian duy trì phù hợp, đúng quy trình, đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí, không chồng lấn với hoat động của xe quét hút, không tưới nước rửa đường trong ngày mưa…

Cụ thể, quận Hoàn Kiếm phân loại rửa đường 3 lần/tuần để phục vụ không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; phục vụ tuyến phố đi bộ phố cổ. Các tuyến phố trục chính Lý Thường Kiệt Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng rửa hàng ngày và các tuyến phố phục vụ an ninh trật tự (chống đua xe) rửa 4 lần/tuần.

Quận Ba Đình có kế hoạch rửa đường ở 37 tuyến phố, trong đó đa số đều rửa 1 lần/tuần. Quận Cầu Giấy gần 50 tuyến phố và đều rửa hàng ngày.

Các huyện có tần suất rửa đường ít hơn ở trong nội thành. Cụ thể Đông Anh rửa đường 2 lần/tháng (24 lần/năm); Thường Tín 128 lần/năm; Huyện Mê Linh 234 lần/năm. Hai huyện Sóc Sơn và Ba Vì duy trì việc rửa đường hàng ngày ở các tuyến đường, phố chính...

Trước đó, từ năm 2017, TP.Hà Nội tạm dừng công việc tưới nước rửa đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem