Ê-kip giúp sức bà Nguyễn Phương Hằng bị công an mời lên làm việc

Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 28/03/2022 10:25 AM (GMT+7)
Cơ quan điều tra Công an TP.HCM mời nhiều người trong ê-kip, cố vấn, khách mời... đứng sau giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các buổi livestream có dấu hiệu vi phạm pháp luật lên làm việc để xác minh vai trò, hành vi và có hướng xử lý.
Bình luận 0

Ngày 28/3, nguồn tin của Dân Việt từ Công an TP.HCM cho biết, trong sáng nay, cơ quan chức năng đã mời các cá nhân có liên quan đến những buổi livestream (phát sóng trực tiếp) có dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng  Giám đốc Công ty CP Đại Nam) lên làm việc.

Theo cơ quan Công an TP.HCM, việc mời các cá nhân này lên làm việc là để xác minh vai trò, hành vi giúp sức bị can Nguyễn Phương Hằng thực hiện các buổi livestream có nội dung vi phạm pháp luật.

Ê-kip giúp sức bà Nguyễn Phương Hằng bị công an mời lên làm việc - Ảnh 1.

Công an sẽ xác minh vai trò, hành vi của từng cá nhân hỗ trợ bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các buổi livestream có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ảnh cắt từ clip

Theo đó, từ tháng 3/2021 cho đến trước khi bị bắt tạm giam, bà Hằng đã thông qua các tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng Youtube, Facebook, TikTok để phát ngôn trực tiếp thông qua mạng internet, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. 

Bên cạnh đó, bà Hằng liên tục sử dụng nhiều từ ngữ thiếu văn hoá để phát ngôn trên không gian mạng, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong dư luận.

Trong những buổi livestream của bị can Hằng có sự tham gia, hỗ trợ của nhiều cá nhân. Trong đó, có nhiều cá nhân xuất hiện cùng bà Hằng thể hiện mình là người có liên quan các vụ việc bị can đề cập, người am hiểu pháp luật.

Ê-kip giúp sức bà Nguyễn Phương Hằng bị công an mời lên làm việc - Ảnh 2.

Nhiều người là cố vấn, khách mời trong các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng bị mời lên làm việc. Ảnh chụp màn hình

Những cá nhân được mời lên làm việc là trợ lý, nhân viên được bà Hằng giao cho quản lý các kênh mạng xã hội, Youtube, Facebook, Tiktok... để đăng tải các thông tin và thực hiện các buổi livestream của bà Hằng. 

Ngoài ra, cơ quan công an cũng mời đội ngũ kỹ thuật, những người bàn bạc kịch bản, chuẩn bị nội dung cho các buổi livestream và những người cố vấn, khách mời tham dự...

Được biết, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM sẽ làm rõ động cơ, vai trò, mục đích của từng cá nhân này.

Ê-kip giúp sức bà Nguyễn Phương Hằng bị công an mời lên làm việc - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều vật chứng, tài liệu liên quan đến các phát ngôn xuyên tạc của bà Nguyễn Phương Hằng Ảnh công an cung cấp

Trước đó, Công an TP.HCM xác định bà Nguyễn Phương Hằng quản lý, sử dụng 12 kênh mạng xã hội và thực hiện các buổi livestream có nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân khác.

Quá trình khám xét nơi ở của bà Hằng, lực lượng chức năng thu giữ nhiều vật chứng, tài liệu liên quan đến các phát ngôn xuyên tạc của bà Hằng. Trong đó, có một số tờ giấy có nội dung, kịch bản để nói trong những buổi livestream.

Ngoài ra, cảnh sát cũng đang điều tra, làm rõ một số tài khoản đăng thông tin sai lệch liên quan đến việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Nhà chức trách cũng đã mời làm việc với một TikToker đăng tin kêu gọi biểu tình trước khu du lịch của bà Nguyễn Phương Hằng.


Như đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã thụ lý điều tra vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" đối với bà Nguyễn Phương Hằng.

Ngày 24/3, Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Công an TP.HCM cho biết, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem