Em bé gốc Hoa bị bỏ rơi đoạt HCV Olympic 2020 cho Canada

Thứ bảy, ngày 31/07/2021 16:40 PM (GMT+7)
Chủ nhân chiếc HCV 100m bướm lịch sử của Canada tại Olympic Tokyo 2020 là Margaret MacNeil, từng bị bố mẹ đẻ bỏ rơi ở Trung Quốc lúc một tuổi.
Bình luận 0

Ở chung kết hôm 26/7, MacNeil về nhất với 55,59 giây, hơn đúng 0,05 giây so với kình ngư Trung Quốc về nhì Zhang Yufei. Tấm HCĐ thuộc về VĐV Australia Emma McKeon với 55,72 giây.

Em bé gốc Hoa bị bỏ rơi đoạt HCV Olympic 2020 cho Canada - Ảnh 1.

McNeil (giữa) thắng kình ngư Trung Quốc Zhang Yufei (trái) với 0,05 giây để đoạt HC vàng 100m bướm hôm 26/7. Ảnh: Reuters

MacNeil, nhờ đó, mang về tấm HCV đầu tiên cho đoàn Canada tại Olympic Tokyo 2020. Cô còn là kình ngư Canada đầu tiên thắng nội dung 100m bướm trong lịch sử các kỳ Thế vận hội. Đây là tấm huy chương thứ hai của MacNeil tại Olympic năm nay, sau HC bạc 4x100m cùng đội tiếp sức nữ Canada.

Với 55,59 giây, cô cũng lập kỷ lục của châu Mỹ ở nội dung 100m bơi bướm nữ. Kỷ lục trước đó thuộc về kình ngư Mỹ Torri Huske với 55,66 giây.

Em bé gốc Hoa bị bỏ rơi đoạt HCV Olympic 2020 cho Canada - Ảnh 2.

Phần thi chung kết 100m bướm của MacNeil hôm 26/7.

MacNeil là người gốc Hoa. Cô sinh ngày 26/2/2000 tại thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Mới một tuổi, MacNeil đã bị bố mẹ đẻ bỏ rơi, vì chính sách mỗi gia đình chỉ được sinh một con. Nhưng cô may mắn được Susan McNair và Edward MacNeil - cặp vợ chồng ở Ontario Canada - nhận nuôi. Em gái cô - Clara - cũng được gia đình này nhận nuôi từ Trung Quốc.

MacNeil bắt đầu tập bơi từ 2008, và nhanh chóng trở thành ngôi sao trong đội bơi Đại học Michigan. Tại đây, cô là đồng đội với Siobhán Bernadette Haughey, kình ngư Hong Kong cũng đang thi đấu tại Olympic Tokyo 2021.

MacNeil bắt đầu gây tiếng vang tại giải vô địch thế giới 2019 ở Gwangju, Hàn Quốc, khi hạ bệ kỷ lục gia Sarah Sjostrom để giành HCV 100m bướm với thành tích 55,83 giây. Cô trở thành VĐV nữ thứ ba trong lịch sử 100m bơi bướm thế giới phá mốc 56 giây, và là VĐV Canada thứ hai đoạt HCV trong một cuộc thi bơi lội quốc tế.

"Câu chuyện của nhà vô địch thế giới 21 tuổi MacNeil chỉ là một trong hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu, trẻ em bị bỏ rơi ở Trung Quốc vì chính sách một con - chính sách về sau được xoá bỏ", nhật báo tiếng Anh xuất bản tại Hong Kong South China Morning Post viết.

"Hãy tưởng tượng nếu MacNeil không được nhận nuôi từ trại trẻ mồ côi, hoặc không bị bỏ rơi bởi cha mẹ ruột, thì cô ấy hiện sẽ ra sao? Việc được nhận nuôi đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của MacNeil, khi cô ấy được chăm sóc và đào tạo chất lượng", một người dùng Weibo bình luận.

Em bé gốc Hoa bị bỏ rơi đoạt HCV Olympic 2020 cho Canada - Ảnh 3.

MacNeil trên đường bơi 100m bướm Olympic Tokyo 2020 hôm 26/7. Ảnh: Team Canada.

Trung Quốc áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ sinh một con từ 1979, đến năm 2015 mới cho thay thế bằng chính sách hai con. Chính sách này tiếp tục được nới lỏng khi quốc gia Đông Á công bố chính sách mới, cho phép các gia đình sinh con thứ ba từ năm 2021.

Trước đó, những gia đình vi phạm chính sách một con và về sau là hai con phải đối mặt với những khoản tiền phạt rất nặng, vào danh sách đen và khó tìm được việc làm. Gần đây nhất vào năm 2020, chính quyền địa phương ở Tứ Xuyên đã phạt một gia đình 110.000 USD vì có bảy người con, theo Global Times. Nhiều gia đình, vì thế, bỏ mặc con sơ sinh của họ trước cổng trại mồ côi, trường học, hoặc thậm chí ngay trên đường phố, với hy vọng một gia đình khác sẽ chăm sóc thay.

Câu chuyện của MacNeil có nhiều điểm tương đồng với hành trình của VĐV thể dục dụng cụ Hoa Kỳ Morgan Hurd. Cô sinh ra ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 2001, và được bà Sherri Hurd - người có quốc tịch Mỹ - nhận nuôi khi mới 11 tháng tuổi, và bắt đầu tập thể dục dụng cụ lúc ba tuổi.

Tại giải VĐTG 2017, VĐV đeo kính cận này là quán quân nội dung cá nhân toàn năng. Morgan Hurd cũng đoạt bốn huy chương, trong đó có hai lần vô địch tại vô địch thể dục dụng cụ Mỹ. Cô còn là thành viên đội thể dục dụng cụ giành HCV tại giải VĐTG 2018 và Đại hội Thể thao Liên châu Mỹ 2019 tại Lima, Peru.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong số 82.456 trẻ em mà người Mỹ nhận nuôi từ Trung Quốc giai đoạn 1999-2020, có đến 82,14% là nữ. "Có bao nhiêu cô gái không thể phát triển tiềm năng chỉ vì không phải là con trai? Và chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu tài năng là nữ rồi", một người Trung Quốc đặt câu hỏi trên Weibo.

Các cư dân mạng Trung Quốc khẳng định, dù nhà vô địch Olympic là người gốc Hoa, tấm HCV của MacNeil lại không mang lại vinh quang gì cho đất nước này. "Chiến thắng của MacNeil chỉ chứng minh sắc tộc không quan trọng trong thể thao, và người châu Á có thể giành Huy chương Bạc hay thậm chí là Vàng trong những trận đấu đỉnh cao", một người bình luận.

Em bé gốc Hoa bị bỏ rơi đoạt HCV Olympic 2020 cho Canada - Ảnh 4.

MacNeil vẫy tay chia vui với các đồng đội Canada sau chiến thắng ở chung kết 100m bướm hôm 26/7. Ảnh: NY Times.

"MacNeil có quốc tịch Canada, và tất cả công lao sẽ thuộc về những người đã nuôi dạy và đào tạo cô ấy ở Canada", một người khác viết. "Tôi cảm thấy xấu hổ khi thấy phương tiện truyền thông đề cập việc MacNeil được sinh ra ở Trung Quốc. Điều đáng nói hơn là việc chúng tôi từ bỏ cô ấy 20 năm trước".

MacNeil thì nhấn mạnh: "Tôi sinh ra ở Trung Quốc và tôi được nhận làm con nuôi khi còn rất nhỏ, và đó là tất cả những gì liên quan đến Trung Quốc. Tôi là người người Canada và tôi luôn là người Canada. Vì vậy, Trung Quốc chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình của tôi để đạt được vị trí ngày hôm nay. Điều đó càng không liên quan khi nói đến bơi lội".

Hồng Duy (Theo VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem