Èo uột FDI nông nghiệp

Thứ hai, ngày 25/03/2013 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 25 năm- từ 1987, đã đánh dấu bước trưởng thành của thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào VN. Tuy nhiên, nguồn vốn này đổ vào nông nghiệp, nông thôn lại quá èo uột, ngày càng thụt lùi...
Bình luận 0

Chỉ đầu tư các dự án "xổi"

Theo Bộ KHĐT, nếu năm 2001, FDI đầu tư vào nông nghiệp (NN) chiếm 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam (VN), thì đến năm 2006 con số này chỉ còn 7,4%, năm 2007 còn 5,37%, năm 2008 là 3% và các năm 2009, 2010, 2011 chỉ còn 1%.

Không chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ về dự án và tổng vốn đầu tư mà các dự án FDI trong NN còn nhỏ về quy mô. Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI NN chỉ chiếm chưa tới 6,6 triệu USD, thấp xa so với quy mô bình quân một dự án kinh doanh bất động sản (130 triệu USD) hoặc dự án trong lĩnh vực điện, khí (92,6 triệu USD) hay dự án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (17,6 triệu USD).

img
 

Không những ít, phân bổ vốn FDI trong NN cũng không đồng đều. Các dự án FDI chỉ tập trung vào một số ngành như chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI vào NN; trong khi các ngành chế biến nông sản, thủy sản rất ít.

PGS- TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT) nói: "Việc thiếu một chiến lược thu hút FDI dài hạn, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, kỹ năng lao động thấp, mức độ rủi ro cao... là những trở ngại lớn, ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với NN VN. Chưa kể, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì nhà đầu tư FDI càng ít quan tâm tới thị trường NN của ta".

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh- nguyên trợ lý Bộ trưởng KHĐT, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, NN của VN luôn tiềm ẩn rủi ro từ nhiều phía. Các doanh nghiệp FDI không "ngó ngàng" gì đến các dự án phát triển công nghệ sinh học, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới hay trồng, chế biến các loại rau, quả xuất khẩu có hàm lượng kỹ thuật cao mà chỉ đầu tư các dự án "xổi".

Mặt khác, do nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng nên có tới 30% số dự án FDI tại VN đã bị giải thể so với mức bình quân chung của cả nước là 20%. Cho đến nay, "vấn đề tích tụ ruộng đất để có vùng sản xuất lớn là yếu tố quyết định để thu hút FDI NN ở các địa phương lại rất khó thực hiện do chính sách đền bù, thuế và chế độ ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng"- ông Doanh cho biết thêm.

Nông thôn cần gì ở FDI?

Giải pháp để thúc đẩy thu hút FDI vào NN, theo các chuyên gia là VN cần xác định vị trí của nguồn vốn FDI đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành NN, những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về NN.

Bộ KHĐT cho biết, tới đây nguồn vốn ngân sách, vốn viện trợ phát triển (ODA) sẽ được tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề cho nông dân, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao trình độ của lao động NN; nâng cao chất lượng, sản lượng của nguồn nguyên liệu nông sản.

Còn các doanh nghiệp FDI được khuyến khích đầu tư chủ yếu vào ngành chế biến nông lâm sản. Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực NN sẽ hướng vào những dự án sử dụng ít tài nguyên, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, sản xuất giống...

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT, tính đến tháng 6.2012, lũy kế các dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực NN vừa tròn 500 dự án trong tổng số gần 14.000 dự án FDI (chiếm 3,6% tổng số dự án) với tổng số vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD. Năm 2012, Việt Nam thu hút được 13,013 tỷ USD vốn FDI thì chỉ có 87,8 triệu USD "rót" vào NN.

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Quang Vinh cho biết, tới đây sẽ sửa Nghị định 61 về khuyến khích đầu tư vào NN nông thôn; các cơ chế về tín dụng, lãi suất, đất đai sẽ được cải thiện...

Nông dân có thể vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ công nghiệp chế biến; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất NN và chế biến nông sản.

Mở rộng chính sách bảo hiểm NN, áp dụng hình thức nông dân cho nhà đầu tư FDI thuê đất hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh NN. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào NN đang hy vọng VN sẽ có các chính sách ổn định và hoàn thiện hơn.

Ông Trần Kim Long - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT): Ba chiến lược ưu tiên đầu tư

Thực tế cho thấy, đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian qua chiếm tỷ trọng không lớn, hiệu quả không cao, đầu tư cũng dàn trải, không tập trung. Nguyên nhân chính do, các nhà đầu tư sợ có nhiều rủi ro trong nông nghiệp dẫn tới tốc độ thu hút đầu tư FDI vẫn chưa tăng.

Để thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp nhiều hơn nữa, Bộ NNPTNT đưa ra 3 giải pháp chiến lược ưu tiêu thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp ở nước ta.

Trước tiên là, phải tái cơ cấu ngành theo hướng sản xuất bền vững, không tăng diện tích mà tăng chất lượng và giá trị. Tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ, hướng theo công nghệ cao. Cuối cùng là, gắn các dự án đầu tư với việc đảm bảo môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu.

Ông Đinh Quốc Trị - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Trong thời gian gần đây, Ninh Bình khá thành công trong việc thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp với một loạt các dự án đã và đang được triển khai như: Dự án Trung tâm Đào tạo công nhân kỹ thuật nông nghiệp tại Nho Quan; Dự án Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ cao phục vụ nông nghiệp tại xã Sơn Lai, Nho Quan… Đây đều là các dự án do nước ngoài đầu tư vào.

Chúng tôi xác định rõ, chính sách thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp là ưu tiên thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nghiên cứu, chế tạo giống chất lượng cao. Ninh Bình cũng cam kết luôn mở rộng cửa chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, dành cho nhà đầu tư mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước.

Ông Bùi Quý Quỳnh - Giám đốc Hành chính nhân sự (Công ty Japfa Việt Nam): Đầu tư nông nghiệp có nhiều lợi thế

Japfa đầu tư vào Việt Nam từ năm 1999, hiện nay tổng số vốn đầu tư là gần 30 triệu USD, hoạt động trên các lĩnh vực chủ yếu là sản xuất giống gia cầm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức mạng lưới gia công chăn nuôi gia cầm, gia súc và chế biến sản phẩm chăn nuôi để xuất khẩu tại nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hòa Bình…

Đầu tư vào Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng vẫn còn nhiều cản trở về chính sách, môi trường và các thủ tục kinh doanh. Nếu giải quyết tốt các bất cập đó, chắc chắn Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư vào nông nghiệp. Phía Japfa sẽ tiếp tục triển khai xây dựng nhiều dự án chăn nuôi nữa tại Việt Nam.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem