Euro 2012: Câu chuyện bản sắc

Thứ sáu, ngày 22/06/2012 20:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay cả kẻ vô danh cũng phải có bản sắc. Bản sắc của kẻ vô danh chính là sự vô danh của anh ta! Nhưng nói thế thì vô cùng, đùa thế thì... dai quá. Đá ở Euro còn khó hơn đá ở World Cup. Một khi đã vượt qua vòng loại, làm gì còn có kẻ vô danh?
Bình luận 0

Hà Lan nồng nặc mùi “chiến tranh tổng lực”. “Cơn lốc da cam” có thể cuốn phăng bất cứ ai. Đã thế, năm nay lại có Huntelaar- “Chiếc giày vàng” Bundesliga, Van Persie - “Chiếc giày vàng” Ngoại hạng Anh cùng các tiền vệ tấn công hàng đầu như Robben, Sneijder, van der Vaart…

Hà Lan giờ thực dụng hơn, nhưng khi chưa rũ bỏ được hoàn toàn cái tính ích kỷ cá nhân như các bậc tiền bối mấy thập kỷ trước, Hà Lan đã lập tức gặp nhiều khó khăn ở “bảng tử thần”. Cố khôi phục bản sắc, nhưng không loại bỏ được sở đoản, chuyện từ giã sớm giải đấu là điều không khó đoán.

img
Thể hiện một lối chơi thiếu bản sắc, Hà Lan đã chia tay sau 3 trận thua ê chề.

Tây Ban Nha từ lâu đã vứt bỏ danh hiệu “Vua vòng loại”, “Vua đá giao hữu” để lên ngôi cả ở Euro và World Cup mới đây. Tiqui-taca chính là bản sắc của họ. Danh thủ nhiều như cây rừng, thành công nối tiếp thành công, tên ai nghe cũng hay như tiếng Tây Ban Cầm, quá nhiều “Vua Midas”, bát ngát mảng miếng, lão luyện nghề chinh chiến đỉnh cao… Nhưng 4 năm qua, họ ít bổ sung tên tuổi tới, họ bị “đọc vị” hơi nhiều và họ liệu có còn đủ khát vọng? Vì lẽ đó, nếu không kịp làm mới tiqui-taca, Tây Ban Nha rất dễ mất chức minh chủ.

Đức là “Những cỗ xe tăng” đáng sợ. Thoát khỏi thời ì ạch cách đây chục năm, kể từ Klinsmann năm 2006 rồi Loew bây giờ, Đức đã “cấy” thêm vào đó rất nhiều “con chíp điện tử” như Oezil, Kroos, Reus, Goetze, Muller… và trở nên cơ động, linh hoạt hơn nhiều. Vẫn còn đó chất thép xưa, nhưng đây là dàn “xe tăng nhẹ” hiện đại, nhanh và nhạy hơn hẳn, nhiều hỏa lực hơn, “người” hơn và vì thế, đáng yêu hơn. Nhưng có lẽ, vì “đa chủng tộc” nên chất Đức có nhạt đi chút ít. Dẫu sao thì thầy trò Loew xứng đáng nhận được sự nể trọng bất kể thành tích.

Italia dù mới chỉ một lần vô địch Euro (năm 1968), lại đang ở thời kỳ thoái trào, nhưng luôn là “ông kẹ”! Vì ở các Euro, “bê tông Italia” từng xếp thứ 4 (năm 1980), vào tứ kết (năm 2008), bán kết (năm 1988) và chung kết (năm 2000). Họ sở hữu lối phòng ngự thượng thặng và biết tung ra những tia chớp tấn công rất chuyên nghiệp và ma mãnh. Nếu để người Italia tìm được sự cân bằng giữa công và thủ, đối phương thật khó sống! Với những kẻ “đầy sỏi ở trong đầu”, đánh bại họ không phải chuyện dễ.

Pháp thì nghĩ nhiều, nghĩ ra đủ thứ, từ World Cup, Euro tới Cúp C1… Thế mà mãi mới vô địch Euro (năm 1984) và World Cup (năm 1998). Hào hoa, phong nhã rồi nâng dần tính hiệu quả, đó là bản sắc Pháp. “Đa chủng tộc” cũng là họ đi đầu châu Âu. Sau Nam Phi bẽ bàng với Domenech, “Ngài Thủ tướng” Laurent Blanc đang cố làm lại thương hiệu. Bất cứ ai cũng phải cảnh giác với tiếng gáy của các chú “Gaulois kê” này. Tuy vậy, trong những trận cầu lớn, có lẽ họ đang thiếu một bậc thầy như Platini, Zidane ngày xưa và thiếu cả một sự lì lợm cần thiết.

Bản sắc được xây dựng từ truyền thống. Nhưng bất ngờ là một thuộc tính của bóng đá. Không ai không có cơ hội và chẳng ai đánh thuế giấc mơ. Ai cũng có thể hy vọng và cầu cho Thượng đế không bỏ rơi họ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem