Cơ hội nào để hồ tiêu vào thị trường châu Âu?

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 02/07/2019 13:00 PM (GMT+7)
Hơn 90% các dòng thuế mặt hàng hồ tiêu sẽ về 0% ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho hồ tiêu Việt tiếp cận thị trường rộng lớn.
Bình luận 0

Tuy nhiên, EU là một thị trường chất lượng cao. Nếu hồ tiêu cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác không qua được cánh cửa tiêu chuẩn thì cơ hội đó dễ tuột khỏi tầm tay.

Còn nhiều thách thức

Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang EU đạt gần 1,1 tỉ USD. Đây là là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nông sản Việt. Tuy nhiên, vấn đề truy xuất nguồn gốc và khả năng đáp ứng các rào cản kỹ thuật ở thị trường này còn nhiều hạn chế.

img

Vấn đề truy xuất nguồn gốc và khả năng đáp ứng các rào cản kỹ thuật của hồ tiêu xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khảo sát của Cục Bảo Vệ Thực Vật trong giai đoạn 2017 – 2018 cho thấy khoảng 75% sản phẩm hồ tiêu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của châu Âu về mức dư lượng tối đa cho phép (MRL).  Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice (Hà Lan) cho biết nhiều lô hồ tiêu xuất khẩu từ Việt Nam đã bị bạn hàng ép giá vì tiếng xấu về nhiễm chất cấm, nên chủ yếu chỉ xuất được vào các thị trường dễ tính. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiêu Việt Nam thường có giá thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới.

“Có một nghịch lý là tiêu trong nước đang tồn hàng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải tăng sản lượng tiêu nhập khẩu. Nguyên nhân là do doanh nghiệp có những đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và các thị trường khó tính mà hồ tiêu trong nước vẫn chưa đáp ứng về chất lượng”, ông Lâm nói.

Một điểm yếu khác là nông sản trong nước vẫn còn nặng về xuất thô. Việt Nam luôn nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu nông sản nhưng giá trị thu về chưa cao. Một số mặt hàng nông sản thế mạnh của nước ta như gạo, chè, cao su, hạt điều và hồ tiêu luôn đứng top 10 thế giới nhưng lại chưa làm chủ được thị trường.

img

Nhièu mặt hàng nông sản thế mạnh trong đó có hồ tiêu vẫn còn nặng về xuất thô. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp cho rằng việc đầu tư vào hệ thống chế biến gặp rào cản lớn vì năng lực tài chính. Khả năng tiếp cận vốn vay bị hạn chế vì không có tài sản thế chấp.

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp dịch vụ du lịch Bầu Mây (Bà Rịa - Vũng Tàu) mong muốn Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ cụ thể để tăng thêm giải pháp tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi. Đồng thời, ngân hàng đưa ra các gói tín dụng phù hợp, cho vay khép kín từ khâu thu mua, sản xuất đến chế biến và xuất khẩu theo chuỗi giá trị.

Tận dụng cơ hội

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tuy còn không ít khó khăn nhưng dư địa thị trường hồ tiêu vẫn rất lớn. Thị trường châu Âu có dân số chỉ bằng 1/6 châu Á nhưng nếu tính theo đầu người thì nhu cầu về mặt hàng hồ tiêu lại cao gấp 5 lần. Năm 2018, châu lục này nhập hơn 46.830 tấn, tăng 3.200 tấn so năm 2017.

img

Thị trường xuất khẩu hồ tiêu còn nhiều dư địa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Để cải thiện chất lượng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cần sát cánh, đồng hành cùng nông dân xây dựng những vùng trồng tiêu tập trung. Khi đã hình thành được vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp mới bắt tay vào đầu tư kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng tiêu cho nông dân theo hướng ATTP, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Hiện trong nước, các mô hình trồng tiêu sạch, tiêu hữu cơ cũng đang xuất hiện ngày một nhiều hơn để chuẩn bị cho những bước đi bền vững. Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX Tiêu sạch Lâm San (Đồng Nai) cho biết HTX vẫn thu mua và xuất sang thị trường châu Âu hàng ngàn tấn tiêu sạch. Riêng trong năm 2018, HTX đã xuất trên 800 tấn tiêu sạch qua các nước Đức, Nhật Bản…, qua đó giúp bà con nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

img

Mô hình sản xuất tiêu sạch tại Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Bầu Mây của ông Lâm Ngọc Nhâm cũng đang liên kết sở hữu hơn 70 ha sản xuất tiêu sạch hữu cơ. Trong đó có 15ha vừa được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là bước ngoặt quan trọng để HTX xây dựng vùng nguyên liệu lớn và phát triển thương hiệu tiêu Bầu Mây, chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

VPA nhận định, các đơn vị và doanh nghiệp trong nước phải phải đủ năng lực, đủ hiểu biết thì mới tranh thủ được những cơ hội mà Hiệp định EVFTA sẽ mang lại. Có những quy định mà trong nước phải thực hiện, nhưng cũng có những yêu cầu có thể tranh thủ.

img

Hồ tiêu Việt Nam cần nâng cao chất lượng để tận dụng lợi thế từ EVFTA. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khi EVFTA có hiệu lực, thuế của hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu về 0%, kể cả các mặt hàng nông sản chế biến. Hiện tại mức thuế của nông sản chế biến tương đối cao, mức hưởng chênh lệch sẽ rất lớn giữa sản phẩm sơ chế và chế biến. Đây là cơ hội rất lớn để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị xuất khẩu.

Theo báo cáo của Tổng cục hải quan, năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của ngành hồ tiêu đạt gần 60% do hầu hết đáp ứng được quy tắc xuất xứ thuần túy đối với nông sản thô và quy tắc khác đối với nông sản chế biến.

“Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn, các doanh nghiệp chưa tận dụng triệt để lợi ích thuế quan của FTA mang lại. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các hiệp định, đào tạo nhân lực để phát huy tối đa lợi ích các FTA”, ông Hải chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem