Eximbank và lời giải tháng 4

Trần Giang Thứ năm, ngày 02/02/2017 06:00 AM (GMT+7)
Eximbank vừa công bố lợi nhuận năm 2016 đạt 375 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 63 tỷ đồng năm 2015. Kết quả này cùng với thông báo sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vào tháng 4 tới liệu có là thông điệp gửi tới cổ đông về sự chấm dứt cuộc chiến giành quyền điều hành tại Eximbank?
Bình luận 0

img

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố BCTC riêng lẻ quý VI.2016 với lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng, tăng vọt so với con số lỗ 615 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, luỹ kế cả năm  đạt 375 tỷ đồng, tăng manh so với con số 63 tỷ đồng năm 2015.

Báo cáo cho thấy kết quả kinh doanh khả quan với thu nhập lãi thuần đạt 697 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 81 tỷ đồng. chi phí hoạt động của ngân hàng cũng giảm 20,1% xuống còn 556 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 354 tỷ đồng, tăng 11% so với quý IV/2015. Mặt khác, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh từ mức 935,5 tỷ đồng xuống còn 165,8 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, Eximbank có thu nhập lãi thuần 3.082 tỷ đồng, giảm 9,3% so với năm trước; song lãi ròng đạt 308,9 tỷ đồng, gấp 7,7 lần so với năm 2015.

Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay khách hàng cả năm của Eximbank chỉ đạt 2,51%. Tổng số nợ xấu tăng lên 2.558 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ hơn 800 tỷ đồng lên 1.132 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 2,86% trong khi năm trước chỉ 1,86%.

Năm 2016 Eximbank bán 799 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt của VAMC hiện là 7.029 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính cũng cho thấy Eximbank đang vay NHNN 1.111 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái là 544 tỷ đồng.

Trước đó, Eximbank có gửi thông báo tới cổ đông về việc sẽ tổ chức ĐHĐCĐ năm 2017 và ĐHĐCĐ bất thường năm 2016 vào cùng 1 ngày, đó là ngày 21.4.2017 tại TP.HCM.

Tại ĐHĐCĐ lần này sẽ tiếp tục nội dung bầu bổ sung nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ VI (2016 -2020). Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung là 3 người. Việc Eximbank xác định được thời gian tổ chức ĐHĐCĐ được giới đầu tư dự đoán đã thương lượng được giữa các nhóm cổ đông trong Eximbank.

Cuộc chiến giành quyền lực của Eximbank diễn ra từ hồi đầu năm 2014 đến nay vẫn chưa đến hồi kết thúc. Mới đầu, cuộc chiến chỉ là những con sóng ngầm, nhưng đến đầu năm 2015, cuộc chiến giành quyền điều hành giữa các nhóm cổ đông đã bùng nổ, kéo dài gay gắt suốt một năm nay.

Điều này không chỉ làm giảm uy tín của ngân hàng trong mắt cổ đông, nhà đầu tư mà còn trực tiếp đẩy Eximbank lún sâu vào khủng hoảng. Lợi nhuận chưa phân phối năm 2015 không còn duy trì được ở mức dương và bị lỗ nặng, thậm chí Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã đưa cổ phiếu EIB của Eximbank vào diện cảnh báo từ ngày 08.04.2016 do hai năm liên tiếp có lợi nhuận lũy kế âm. Lãi ròng 9 tháng đầu năm 2016 giảm mạnh 70% xuống chỉ còn gần 160 tỷ đồng, nợ xấu tại thời điểm cuối quý III.2016 lại tăng mạnh lên 3,4% so với cuối năm 2015 là 1,9%.

Được biết, nhân sự cấp cao Eximbank bị xáo trộn từ cuối năm 2015 khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu tiến hành thanh tra toàn diện Eximbank vào đầu năm 2015. Đến nay, các vị trí chủ chốt là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát đều được thay mới.

Hiện HĐQT của Eximbank có 9 thành viên, trong đó ông Cao Xuân Ninh đã xin từ nhiệm từ tháng 3.2016 nhưng chưa được ĐHĐCĐ thông qua. Tháng 4.2016, Eximbank bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết làm Tổng Giám đốc thay cho ông Trần Tấn Lộc, quyền Tổng giám đốc từ tháng 10.2015 sau khi ông Phạm Hữu Phú hết nhiệm kỳ. Sang trung tuần tháng 5, ông Đặng Phước Dừa cũng xin thôi làm cố vấn HĐQT.

Nối tiếp nhóm cổ đông gồm 19 cá nhân và tổ chức nắm giữ 11,71% vốn Eximbank, ông Dừa đồng thời gửi đơn cho NHNN và các cơ quan liên quan yêu cầu ĐHĐCĐ tới phải đưa vào chương trình nội dung bãi miễn tất cả thành viên HĐQT đương nhiệm và cho phép những người có số cổ phần đạt 10% được giới thiệu người vào HĐQT, cũng như đưa ra ĐHĐCĐ gần nhất để bầu.

Tuy nhiên, sau hai lần tổ chức ĐHĐCĐ 2016 bất thành, lần ĐHĐCĐ bất thường ngày 02.08.2016 vừa qua cũng không thể diễn ra do NHNN chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử và ứng cử của các nhóm cổ đông và báo cáo trước khi cơ quan này phê duyệt nhân sự bầu bổ sung HĐQT.

Vẫn chưa biết hồi kết của cuộc chiến giành quyền điều hành tại Eximbank sẽ như thế nào nhưng giới đầu tư, cổ đông hy vọng sẽ là một “lời giải” hay vào tháng 4 tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem