Từ ngày 5.10, Tòa án liên bang Mỹ ở New York đã bắt đầu xét xử Alexander Fishenko cùng 10 nghi can. Fishenko là chủ Công ty Arc Electronics tại Houston (viết tắt là Arc), đã được cấp quốc tịch Mỹ nhưng cũng có hộ chiếu Nga.
Fishenko, 46 tuổi, bị buộc tội “rửa tiền” và hoạt động bí mật cho chính phủ Nga trên lãnh thổ Mỹ. Theo cáo trạng, ông ta chào đời ở Kazakhstan thời thuộc Liên Xô, tốt nghiệp một trường công nghệ ở St Petersburg (Nga) trước khi đến Mỹ năm 1994. Ông ta có hộ chiếu Mỹ và Nga, kiếm được hàng chục triệu USD từ hoạt động xuất nhập khẩu.
“Tuồn hàng độc”dưới mũi tình báo Mỹ
Trên website, Arc tự giới thiệu họ là nhà sản xuất nhiều sản phẩm tiêu thụ tại Mỹ, gồm các đèn giao thông. Nhưng công tố viên nói họ chẳng sản xuất gì cả, và các bị cáo bị buộc tội: từ tháng 10.2008, dùng hồ sơ giả để mua nhiều thiết bị vi điện tử công nghệ cao dưới vỏ bọc là sản xuất đèn giao thông, sau đó tìm cách “lách” các quy định kiểm soát xuất khẩu rất ngặt nghèo của Mỹ để “tuồn” sang Nga, đến công ty đối tác Apex System LLC mà Fishenko cũng là ông chủ. Tiếp đó, chúng đến tay các cơ quan công quyền như Cục An ninh liên bang Nga (FSB, hậu thân của cơ quan tình báo KGB).
Phía Mỹ cho hay các thiết bị này có tiềm năng ứng dụng quân sự rất rộng, gồm hệ thống radar và kiểm soát, hệ thống dẫn đường cho vũ khí và kíp nổ. Họ cũng nói các hoạt động này trùng với chủ trương hiện đại hóa quân đội Nga và các tướng lãnh Nga “đói” các sản phẩm Mỹ vốn bán có giới hạn này. Nữ công tố viên Loretta Lynch nói: “Các bị cáo âm mưu lợi dụng thị trường tự do của Mỹ để chiếm đoạt công nghệ Mỹ cho chính phủ Nga”.
|
Tịch thu tài liệu từ Công ty Arc của Fishenko |
Chỉ huy FBI ở Houston là Stephen Morris nói: “Không thể chấp nhận được việc nước khác cải thiện khả năng phòng thủ và hiện đại hóa vũ khí của họ từ tiền đóng thuế của dân Mỹ. Khả năng nước ngoài lén mua công nghệ tiên tiến của Mỹ là nỗi đe dọa lớn cho an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ”.
Apex lập năm 2005, là một liên doanh giữa MIG Electronics với Saransk Electronics Company, đơn vị cung cấp thiết bị điện tử cho quân đội Nga ở Saransk (Moldova). Giám đốc Sergei Klinov của Apex cũng bị FBI Mỹ buộc tội nhưng chưa bị bắt.
Cuộc điều tra của FBI bắt đầu từ tháng 7.2010. FBI phát hiện một lá thư gởi Arc từ một phòng thí nghiệm của FSB, nội dung phàn nàn các chip điện tử do Arc gửi bị hỏng, yêu cầu gửi hàng thay thế. Cáo trạng không kể tên các công ty Mỹ bán hàng cho Fishenko và đồng phạm. FBI cũng cài thiết bị nghe lén vào điện thoại của Fishenko và có trong tay nhiều bằng chứng.
Nếu bị tuyên phạm tất cả các tội danh, Fishenko có thể bị tuyên án hơn 12 năm tù. Ông ta cùng 8 người khác bị bắt vào tuần qua. Vợ ông ta là Viktoria, được xem là đồng sở hữu công ty nhưng không bị bắt. 3 bị cáo khác đang bị truy nã và có tin họ đang sống ở Nga. Cáo trạng nêu họ đã chuyển lậu số “hàng độc” trị giá 50 triệu USD.
Chiêu đánh bóng của ông Obama?
Bộ Ngoại giao Nga phàn nàn việc không được chính quyền Mỹ thông báo đầy đủ việc các công dân Nga bị bắt vì tội buôn lậu hàng điện tử, khiến “Nga đặc biệt lo ngại”.
Thứ trưởng Sergei Ryabkov nói: “Câu chuyện này còn nhiều điều chưa rõ. Chúng tôi hy vọng chính quyền Mỹ bảo vệ quyền lợi của công dân Nga bị bắt và bị buộc tội”. Ông nói các nhà ngoại giao đã được gặp 1 trong 8 bị cáo, nhưng lưu ý các nghi can không bị buộc tội làm điệp viên, hàm ý Moscow không muốn chuyển vụ này thành một cuộc “gây sự” với Washington.
Vụ “quăng lưới” được xem là một chiến tích lớn của FBI, nhưng cũng làm Mỹ bẽ mặt, khi Fishenko “tuồn hàng độc” nhiều năm mà không bị phát hiện. Nó cũng có nguy cơ làm “chua” mối quan hệ giữa Washington và Moscow, trở thành một vấn đề nhạy cảm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng, nghi ngờ vụ bắt bớ này là “chiêu” của Tổng thống Mỹ Barack Obama để tăng uy tín trước cuộc bầu cử: “Ông ấy tin một số cử tri Mỹ vẫn còn thích nghĩ về thời Chiến tranh lạnh”.
Kẻ thù ở hậu tuyến
Chiến tranh lạnh đã kết thúc nhưng tính đối đầu vẫn còn, căn cứ theo số điệp viên Nga và Mỹ bị bắt ở “đất địch”. Năm 2010, FBI từng bắt 10 điệp viên Nga “ngủ sâu” tại Mỹ, gồm nữ điệp viên nay trở thành người mẫu Anna Chapman. Chỉ trừ một người không bị bắt, nhóm này đều nhận tội và được trao đổi cho Nga, lấy về các điệp viên phương Tây bị Nga bắt, gồm Igor Sutyagin (nhà khoa học hạt nhân bị nhốt năm 2004) và Alexander Zaporozhsky.
Nhiều vụ scandal trong 20 năm qua liên quan việc bắt nhiều điệp viên Nga tại Mỹ, nhưng thủ phạm không hẳn cứ là người Nga. Năm 2000, tay bẻ khóa mật mã Daniel King bị bắt quả tang bán thông tin mật cho Moscow. Hai năm sau, nhân viên FBI Robert Hansen bị phát hiện bán bí mật quốc gia cho Moscow suốt 15 năm. Hắn bị án tù chung thân.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.