Fed ra tín hiệu sớm, đường đi của lãi suất tiết kiệm sẽ thế nào?
Fed ra tín hiệu sớm, đường đi của lãi suất tiết kiệm sẽ thế nào?
Huyền Anh
Thứ bảy, ngày 19/06/2021 08:01 AM (GMT+7)
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, đồng USD sẽ mạnh lên, điều này có lợi cho xuất khẩu Việt Nam. Nhưng giá trị VND sẽ giảm, đồng nghĩa với việc lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng, biên độ tăng sẽ tùy thuộc vào sức khỏe của từng ngân hàng.
Fed ra tín hiệu sớm tăng lãi suất, NHNN vẫn làm chủ "cuộc chơi" trong nước
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã thông báo về việc sẽ tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch ban đầu và nâng dự báo lạm phát.
Cụ thể, cơ quan này cho biết có thể sẽ nâng lãi suất hai lần trong tương lai và dự báo lần nâng lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2023, thay vì năm 2024 như dự báo đưa ra trong các lần họp trước.
Kathy Jones, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Charles Schwab nhận định: "Nếu bạn chuẩn bị tăng lãi suất 2 lần trong năm 2023, bạn sẽ phải bắt đầu giảm quy mô chương trình mua tài sản khá sớm để đạt được mục tiêu đó. Có thể mất từ 10 tháng đến một năm để giảm tốc chương trình này với một tốc độ vừa phải. Thị trường có thể chứng kiến Fed bắt đầu siết chặt chính sách vào cuối năm nay, và trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nóng thì việc tăng lãi suất sớm chỉ là vấn đề sớm muộn".
Không quá ngạc nhiên khi Fed phát đi tín hiệu sẽ sớm tăng lãi suất, các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, khi kinh tế hồi phục, tất nhiên, Ngân hàng Trung ương các quốc gia sẽ dần tăng lãi suất, đó là xu thế, hiện đã có một số quốc gia bắt đầu co hẹp bớt chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tại Mỹ, khó khăn với nền kinh tế nước này đang giảm dần, vì vậy việc Fed tăng lãi suất sẽ chỉ là sớm muộn.
Bàn về chính sách điều hành lãi suất của Việt Nam cần lưu ý gì khi Fed phát đi thông điệp sớm tăng lãi suất so với dự kiến ban đầu, bà Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), cho hay: Điều hành chính sách lãi suất hay tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay đều được quyết định dựa trên nền tảng các yếu tố nội tại của nền kinh tế vĩ mô trong nước (trên 90%).
Các yếu tố bên ngoài như chính sách điều hành tiền tệ của các quốc gia khác chẳng hạn,… chỉ là "gia vị" được xem xét bổ sung để nhà điều hành có được chính sách tối ưu. Vì vậy, không phải cứ Fed tăng lãi suất thì Việt Nam cũng phải chạy theo và đón theo xu hướng đó.
"Không phải nhìn chính sách tiền tệ của các nước, để suy ra chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam, bởi thông điệp điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đó là "thận trọng và linh hoạt".
Tất nhiên trừ trường hợp có những cú sốc lớn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Như đại dịch Covid-19 vừa qua chẳng, trong bối cảnh đó tất cả các nước đều nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất và Việt Nam cũng không phải ngoại, thậm chí Việt Nam còn mạnh tay hơn trong việc giảm lãi suất", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, mặc dù Fed phát tín hiệu tăng lãi suất nhưng lãi suất tiết kiệm và cho vay trong nước có tăng hay không tùy thuộc vào Ngân hàng Nhà nước.
Dẫn chứng cho nhận định này, theo ông Hiển như trong quý I/2021, các ngân hàng báo lãi rất lạc quan do cạnh tranh lẫn nhau về lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn và đang được ngân hàng giãn nợ theo Thông tư 03/2021TT-NHNN. Dẫn tới việc, một số ngân hàng đang phải đối mặt với nợ xấu, không có dòng tiền chảy về dù trên báo cáo tài chính.
"Do không thu hồi được dòng tiền, nhiều ngân hàng hạng trung và nhỏ phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi nếu không được hỗ trợ thanh khoản. Vì vậy, lãi suất có tăng hay không phụ thuộc vào chủ trương và biện pháp thực hiện Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng này", theo ông Hiển.
Liên quan đến lãi suất, trong báo cáo vừa phát hành của VnDirect, các nhà phân tích tại Công ty chứng khoán này thừa nhận, mối lo về lạm phát gia tăng và tăng trưởng tín dụng khả quan đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng tương đối mạnh trong tháng 5 vừa qua.
Theo dữ liệu của Bloomberg, lãi suất qua đêm tăng 63 điểm cơ bản lên 1,18% vào ngày 31/5. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 12 tháng tăng trong khoảng từ 2 đến 60 điểm cơ bản trong tháng 5.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 3-4 điểm phần trăm trong khi lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại quốc doanh không đổi trong tháng 5.
Theo quan điểm của VnDirect, dư địa cho cắt giảm lãi suất là tương đối hạn chế bởi áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng, cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Các nhà phân tích kỳ vọng, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với mức 6 tháng đầu năm.
Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Còn theo quan điểm của mình, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc Fed cân nhắc sớm tăng lãi suất hơn là nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh chính phủ Mỹ đã đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông thông qua các gói cứu trợ, nền kinh tế Mỹ đã có những phục hồi nhanh chóng thời gian qua.
Tại thời điểm này Fed vẫn đang trong giai đoạn xem xét nhưng, nếu Fed đi đến quyết định tăng lãi suất sớm, điều này sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bởi đồng USD mạnh lên.
Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá trị của đồng VND suy giảm, trong trường hợp Việt Nam muốn cân bằng lại tỷ giá, buộc phải điều chỉnh suất điều hành. Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng, biên độ tăng sẽ tùy thuộc vào sức khỏe của từng ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.