Fed dự kiến tăng mạnh lãi suất: Chuyên gia khuyến cáo "Ngân hàng Nhà nước không cần chạy theo" và tiết lộ lý do

Huyền Anh Thứ năm, ngày 09/03/2023 12:31 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định "Việt Nam không cần phải có bất cứ hành động chính sách nào theo hướng "chạy theo", cho dù Fed tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến.
Bình luận 0

Tuyên bố mới nhất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, các dữ liệu mới về lạm phát và thị trường việc làm cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn nóng. Điều này có thể buộc Fed phải áp dụng chính sách lãi suất mạnh tay hơn.

"Nếu các dữ liệu chỉ ra rằng cần phải thắt chặt nhanh hơn, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ tăng lãi suất", ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhấn mạnh.

Thông điệp của Chủ tịch Fed ám chỉ về khả năng mức lãi suất cao nhất của Fed có thể nhỉnh hơn dự báo trước đây. Và trong đợt nâng lãi suất lần này, Fed có thể không nâng lãi ở mức 25 điểm cơ bản (0,25%) như tháng trước nữa, nếu lạm phát tiếp tục tăng nhanh.

Được biết, hồi tháng 12/2022, Fed dự báo lãi suất cao nhất ở mức 5,1%. Nhưng sau phát biểu ngày 7/3 của Powell, thị trường cho rằng con số này lên 5,5-5,75%. Năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ thập niên 1980. Hiện tại, lãi suất quỹ liên bang đang nằm trong phạm vi 4,5 - 4,75%.

Thực tế, các phát biểu của ông Powell đã khiến các nhà đầu tư nghiêng nhiều hơn về khả năng Fed có thể tăng 0,5 điểm % tại cuộc họp sẽ diễn ra trong 2 tuần tới.

Fed dự kiến tăng mạnh lãi suất: Chuyên gia khuyến cáo "Ngân hàng Nhà nước không cần chạy theo" và tiết lộ lý do - Ảnh 1.

Diễn biến của chỉ số USD Index.

Vậy việc tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến sẽ tác động thế nào đối với Việt Nam?

Trả lời câu hỏi này của PV Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế khẳng định, Việt Nam không cần phải có bất cứ hành động chính sách nào theo hướng "chạy theo" động thái tăng lãi suất của Mỹ.

Ông Nghĩa phân tích Fed tăng lãi suất lên song hiện tại chỉ số USD Index đang trong xu hướng giảm. So với đỉnh ghi nhận vào năm ngoái, chỉ số USD Index đã giảm khoảng 8,7%, từ 114 xuống còn khoảng 105,6 (tính đến thời điểm hiện tại). 

"Điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không quan tâm nhiều đến việc Fed điều chỉnh lãi suất thêm bao nhiêu, thay vào đó phụ thuộc vào USD Index. Ngay cả trong trường hợp Mỹ tăng lãi suất mạnh hơn thì chỉ số này nhiều khả năng cũng sẽ nhích lên và tiếp tục giảm. Do dó, Việt Nam không cần phải có bất cứ hành động chính sách nào theo hướng "chạy theo" động thái tăng lãi suất của Mỹ", ông Nghĩa nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, điều quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là nhanh chóng giảm mặt bằng lãi suất. Mức lãi suất cho vay hiện nay cao hơn nhiều với khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Vừa qua, lãi suất có giảm nhưng theo hướng tuyên truyền, vận động, vì vậy mức giảm này không đáng kể - theo ông Nghĩa.

Fed dự kiến tăng mạnh lãi suất: Chuyên gia khuyến cáo "Ngân hàng Nhà nước không cần chạy theo" và tiết lộ lý do - Ảnh 2.

"Việt Nam không cần phải có bất cứ hành động chính sách nào theo hướng "chạy theo", cho dù Fed tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến.

Đồng tình, chuyên gia cao cấp Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định, Fed tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến trước đó sẽ "tác động không lớn" tới điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Vị chuyên gia này phân tích, mặc dù có khả năng Fed đẩy mạnh mức độ tăng lãi suất trong năm 2023, song số lần tăng và mức độ tăng cũng thấp so với năm 2022. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó trước động thái điều chỉnh lãi suất của ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Mỹ.

Hơn nữa, trong định hướng điều hành Ngân hàng Nhà nước đã xác định ngay từ đầu năm là phải ổn định tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt.

Theo đó, từ đầu năm đến nay VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực. Thậm chí, có tháng tỷ giá còn giảm – theo ông Thịnh.

Thêm vào đó, năm ngoái Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã làm việc với Mỹ, theo đó quốc gia này đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay "đỡ" áp lực hơn, mang tính độc lập và chủ động hơn.

Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia đến từ WiGroup thừa nhận, thông điệp cứng rắn của Fed trong điều hành lãi suất có thể nhanh chóng gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong nước. Vị này cũng nhấn mạnh, Việt Nam không thể độc lập chính sách tiền tệ với Fed, "chúng ta vẫn phải tiếp tục chính sách thắt chặt hoặc nới lỏng theo Fed để kiểm soát tỷ giá". Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, áp lực tỷ giá là chưa quá căng thẳng để Ngân hàng Nhà nước phải có những hành động mạnh tay hơn lúc này.

Đồng quan điểm, song có ý kiến cho rằng, áp lực lên tỷ giá USD/VND nếu Fed tăng lãi suất mạnh hơn sẽ "cản đường" giảm lãi suất – mục tiêu mà nhà quản lý tiền tệ đang hướng đến. Do đó, để đạt được mục tiêu giảm lãi suất, mục tiêu về tỷ giá lại không đạt được. Hay nói cách khác, trong bối cảnh đó việc kiềm chế cả tỷ giá và lãi suất là điều rất khó.

"Không thể "ép" lãi suất giảm mạnh trong một sớm một chiều trong bối cảnh cả thế giới đều tăng. Việt Nam nên giữ lãi suất ở mức đi ngang hoặc giảm rất nhẹ, bên cạnh đó kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá", một chuyên gia khuyến nghị.

Bộ phận phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, áp lực điều hành đối với Ngân hàng Nhà nước vẫn khá lớn khi tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng, lãi suất và tỷ giá. Điểm tích cực hỗ trợ tỷ giá đến từ nguồn cung ngoại tệ, với việc cán cân thương mại ước tính thặng dư 2,8 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm hay giải ngân FDI đạt 4,5 tỷ USD.

Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Fed vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Vì vậy, điều hành chính sách lãi suất phải thực hiện hài hòa với đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.

.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem